"Khi thực hiện Nghị quyết trung ương 9 đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, Bộ mới xét thấy năng lực của đội ngũ hiệu trưởng rất có vấn đề. Sắp tới Bộ sẽ tổ chức rà soát để xây dựng chuẩn hiệu trưởng, trong đó có điều kiện ngang tầm đổi mới căn bản", ông Nhạ nói và đề nghị các địa phương khi đề bạt cán bộ vào vị trí hiệu trưởng phải căn cứ vào chuẩn cán bộ.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết chất lượng hiệu trưởng hiện nay rất có vấn đề. Ảnh: CTV |
Nhấn mạnh công tác bồi dưỡng cán bộ ngành làm thường xuyên, nhưng theo Bộ trưởng Nhạ, nếu bồi dưỡng theo kiến thức, kỹ năng truyền thống thì không đáp ứng được yêu cầu. Công tác tổng kết thực tiễn từ bài học thành công và công tác dự báo để thiết kế chương trình đào tạo linh hoạt rất quan trọng. Việc áp dụng phương thức đào tạo bồi dưỡng cũng phải linh hoạt, từ trực tiếp tới trực tuyến để cán bộ lãnh đạo tự xoay, tự học thông qua công nghệ.
Bên cạnh đó, nội dung, phương thức đào tạo cũng sẽ được đổi mới, không nhất thiết phải đào tạo dài nhưng phải có nội dung phù hợp với vị trí công tác và vị trí quy hoạch. "Năm 2017 công tác đánh giá cán bộ có tiến bộ, nhưng để sát thực được là điều khó nên chúng tôi mong muốn tiếp đây có hướng dẫn chi tiết để đánh giá cán bộ hiệu quả hơn", Bộ trưởng Giáo dục đề xuất.
Ông Nhạ cho biết, vừa qua Bộ Giáo dục đã tinh gọn được 54 vị trí, trưởng phòng, là một trong hai bộ không có cấp phòng trong vụ.
Chủ trương dồn các cơ sở giáo dục, điểm trường theo hướng tinh giản vừa qua là tốt. Các tỉnh Quảng Ninh, Lào Cai, Lâm Đồng, Nghệ An đã làm tốt. Tuy nhiên, ông cho rằng khi sắp xếp tinh giản đầu mối giáo dục, phải tính toán điều kiện áp dụng, tránh tình trạng dồn ép cơ học dẫn đến học sinh bỏ trường.
Việc tinh giản biên chế theo nghị quyết 39, theo ông Nhạ cũng cần tránh tình trạng giảm cơ học 10% dẫn đến không đủ điều kiện để giáo viên đứng lớp.