benh vien trung uong thai nguyen day manh ung dung cong nghe thong tin trong kham chua benh da ps
Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác khám, chữa bệnh cũng như trong việc quản lý, cung cấp các dịch vụ y tế

Là Bệnh viện vùng hạng I trực thuộc Bộ Y tế, từ năm 2002, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác khám, chữa bệnh cũng như trong việc quản lý, cung cấp các dịch vụ y tế. Năm 2016, Bệnh viện đã ứng dụng phần mềm hỗ trợ quản lý (HIS) và phần mềm quản lý thông tin xét nghiệm (LIS) kết nối trả kết quả qua mạng. Theo đó, bệnh nhân được tiếp đón bằng quẹt thẻ, lấy số khám tự động, nhận kết quả tại bàn khám hoặc tại khoa, rút ngắn được nhiều công đoạn và thời gian. Dược sỹ Chuyên khoa I Nguyễn Thị Minh Thành, Trưởng Khoa Công nghệ thông tin, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết: "Trước đây, bệnh nhân phải xếp hàng và chờ tiếp đón. Hiện nay, chúng tôi đã thiết kế cây tiếp đón tự động, bệnh nhân đến chỉ đưa thẻ bảo hiểm y tế vào đầu đọc, sau đó máy tự động cho bệnh nhân số; bệnh nhân đi thẳng lên các phòng khám chuyên khoa, bỏ qua giai đoạn tiếp đón bằng con người. Từ đó, đem lại sự hài lòng, giảm được thời gian chờ đợi cho bệnh nhân rất nhiều. Bệnh viện đã kết nối hệ thống xét nghiệm, bệnh nhân không phải chờ đợi lấy kết quả xét nghiệm vào đầu giờ chiều như trước đây, chúng tôi trả kết quả cho người bệnh tại phòng khám; bác sỹ tư vấn luôn cho bệnh nhân khi bệnh nhân kết thúc quá trình khám bệnh".

benh vien trung uong thai nguyen day manh ung dung cong nghe thong tin trong kham chua benh da ps
Việc ứng dụng công nghệ thông tin góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác khám, chữa bệnh

Đặc biệt, thời gian qua, bệnh viện đã triển khai có hiệu quả hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS). Với hệ thống này, các bác sỹ có thể truy cập lấy dữ liệu, hình ảnh của bệnh nhân một cách nhanh chóng, chính xác mọi lúc, mọi nơi trên cả điện thoại di động. Ngoài ra, có khả năng kết nối với nhiều bệnh viện để tạo thành 1 trung tâm hội chẩn từ xa; thực hiện việc hội chẩn, tư vấn giữa tuyến dưới và tuyến trên hoặc với chuyên gia các bệnh viện với nhau. Tiến sỹ Nguyễn Trường Giang, Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết: "Hệ thống công nghệ thông tin và hệ thống chẩn đoán hình ảnh đã phối hợp với nhau rất tốt, làm cho môi trường về chẩn đoán hình ảnh thuận lợi hơn, bệnh nhân giảm thời gian chờ đợi kết quả; đồng thời, chất lượng dịch vụ chẩn đoán hình ảnh nói riêng, chất lượng dịch vụ y tế nói chung đã đạt yêu cầu nhất định".

Tại hội nghị đánh giá kết quả triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế (PACS) vừa được tổ chức mới đây tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, lãnh đạo Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế đánh giá cao những kết quả trong công tác khám, chữa bệnh của bệnh viện nói chung, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khám và điều trị bệnh nói riêng thời gian qua; đồng thời lưu ý cần không ngừng nâng cao hơn nữa năng lực cho cán bộ, nhân viên y tế về ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh, cải cách hành chính. PGS.TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế đánh giá: "Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã có nhiều cố gắng trong ứng dụng công nghệ thông tin; các phần mềm quản lý đã được ứng dụng tương đối đầy đủ; đặc biệt, đầu tư và phát triển hệ thống phần mềm lưu trữ và truyền tải hình ảnh PACS, giúp lưu trữ, truyền tải hình ảnh các khoa với nhau, tốt cho việc hội chẩn. Bên cạnh đó, bệnh viện cần tiếp tục đầu tư hạ tầng, tiếp tục hoàn thiện các phần mềm quản lý, xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh".

Thời gian tới, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên sẽ tiếp tục tập trung xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin ngày một hiện đại hơn; tăng cường kiểm tra, giám sát, tiếp nhận, xử lý các ý kiến phản ánh về chất lượng dịch vụ công nghệ thông tin; thông qua đó, nâng cao hơn nữa chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân trong tình hình mới./.