Bão số 9 giật cấp 12 tiến gần bờ, các địa phương khẩn trương sơ tán dân
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 16 giờ, vị trí tâm bão số 9 ở vào khoảng 10,6 độ Vĩ Bắc; 111,2 độ Kinh Đông, cách đảo Phú Quý khoảng 300km, cách Nha Trang khoảng 290km, cách Phan Thiết khoảng 340km, cách Vũng Tàu khoảng 440km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 220km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 100km.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây mỗi giờ đi được khoảng 10-15km. Đến 16 giờ ngày 24/11, vị trí tâm bão ở khoảng 10,5 độ Vĩ Bắc; 108,8 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bà Rịa-Vũng Tàu. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 220km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 80km.
Dự báo hướng đi và vị trí cơn bão |
Do ảnh hưởng của bão nên ở khu vực phía Tây vùng biển giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) đêm nay còn mưa bão, gió mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12; biển động rất mạnh.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới: (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 9,0 đến 13,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 113,5 độ Kinh Đông.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km, đi vào đất liền các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ với cường độ mạnh cấp 7-8, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16 giờ ngày 25/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 11,0 độ Vĩ Bắc; 106,2 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Trong 48 đến 60 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).
Cảnh báo gió mạnh: Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với rìa phía Tây hoàn lưu bão số 9, ở vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12. Biển động rất mạnh.Sóng trên biển vùng gần tâm bão cao 4-6m, vùng gần bờ cao 3-5m.
Cảnh báo mưa lớn: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9 kết hợp với không khí lạnh, từ ngày hôm nay (23) đến 26/11 ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận và Nam Tây Nguyên có mưa rất to (300-500mm/đợt); Bắc Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa to (100-200mm/đợt).
Cảnh báo lũ: Từ ngày 24-27/11, trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Nam và khu vực Tây Nguyên khả năng ở mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2; các sông từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận ở mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh trên. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1-2.
Nam Trung bộ có mưa, sóng biển dâng cao 3 đến 4 mét
Ảnh hưởng của bão số 9, chiều nay (23/11), tại khu vực ven biển Nam Trung bộ có mưa, sóng biển dâng cao 3 đến 4 mét.
Tại phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang có hơn 70 nhà chồ và bán chồ thường xuyên bị sóng biển uy hiếp. Hôm nay, nhiều hộ dân khẩn trương di chuyển đồ đạc, chuẩn bị đồ ăn, nước uống sơ tán đến nơi an toàn trước tối nay 23/11.
Bà Huỳnh Thị Hà, ở khu nhà chồ tổ 1 Tây Hải, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang cho biết, mấy ngày nay sóng lớn liên tục đánh vào khu nhà chồ khiến ai nấy rất lo. Gia đình bà đã chuyển đồ đạc lên bờ chuẩn bị lên trụ sở UBND phường tránh bão.
Hiện công tác sơ tán dân tại những vùng xung yếu, nguy cơ sạt lở cao đang được chính quyền các địa phương gấp rút triển khai. Ông Trần An Khánh, Bí thư Thành ủy Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cho biết, thành phố di dời gần 3500 người dân tại các vùng xung yếu ở các xã, phường như Phước Đồng, Vĩnh Hòa, Vĩnh Nguyên, Vĩnh Phương…trước 16h chiều nay.
Trong khi đó, tại các khu dân cư ven biển huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên cũng đã lên phương án ứng phó bão số 9, chủ động di dời dân khỏi các vùng xung yếu, có khả năng bị ảnh hưởng bởi triều cường.
Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ sơ tán gần 160.000 dân
Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đạo các địa phương phải di dời dân ra khỏi khu vực ven biển, gần núi vào sáng mai và kết thúc di dời trước 12 giờ trưa ngày 24/11.
Chiều nay (23/11), ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chủ trì cuộc họp triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 9 với các sở, ngành địa phương.
Lãnh đạo tỉnh BRVT nhắc nhở các địa phương không được chủ quan với bão số 9 |
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT đề nghị các sở, ngành, địa phương tập trung di dời dân ở những nơi xung yếu, ven biển, gần núi. Theo đó, tính đến 14 giờ chiều nay, tổng số người dự kiến phải sơ tán, di dời khi bão đổ bộ là 158.534 người/42.423 hộ. Hiện tất cả các địa phương đều đã chuẩn bị đủ số lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết theo các phương án sơ tán của địa phương đã ban hành.
Ông Nguyễn Văn Trình, chủ tịch UBND nhân dân tỉnh BRVT nhấn mạnh, cơn bão số 9 năm 2006 khi vào bờ cũng có tốc độ như cơn bão lần này nên các địa phương, cơ quan không thể chủ quan. Bão vào đất liền không tránh được tổn thất tài sản nhưng về con người thì không để thiệt hại.
TP HCM đưa 800 tàu cá, ghe thuyền vào nơi trú bão an toàn
Đến 17h chiều nay (23/11), TP.HCM đã đưa toàn bộ hơn 800 tàu cá, ghe thuyền tại huyện Cần Giờ vào khu tránh trú an toàn, khi cơn bão số 9, tên quốc tế là Usagi đang tiến gần tới Việt Nam.
TP HCM đưa 800 tàu cá, ghe thuyền vào nơi trú bão an toàn |
Bộ đội biên phòng TP HCM đã phong tỏa các khu vực cảng, cầu tàu nơi thường xuyên có tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản ra vào và yêu cầu cấm xuất bến đối với tất cả các phương tiện… Ứng phó với diễn biến tình hình cơn bão số 9 sắp tới, toàn bộ 100% quân số, với 4 kíp tàu, 26 ca- nô từ 80-350 CV của lực lượng biên phòng đã được huy động trực chiến 24/24 giờ, phối hợp với các đơn vị chức năng của TP HCM sẵn sàng chờ lệnh di tản người dân ở những vị trí xung yếu của UBND thành phố.
Hàng trăm cán bộ chiến sĩ biên phòng đã phối hợp cùng với chính quyền địa phương tổ chức chằng chống, gia cố nhà cửa cho người dân tại xã Long Hòa, thị trấn Cần Thạnh và xã đảo Thạnh An, TP.HCM. Đồng thời tổ chức tuần tra kiểm soát kêu gọi, cưỡng chế đối với bất cứ phương tiện ghe tàu cố tình trốn trạm kiểm soát biên phòng ra khơi vào thời điểm này.
Thượng tá Nguyễn Thanh Đức, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ đội biên phòng TP.HCM cho biết: “Đến thời điểm này, các đơn vị đã được chỉ đạo rà soát tất cả phương án phòng chống bão. Bộ đội biên phòng đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương và lực lượng chức năng tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao ý thức, cảnh giác tránh trú, phòng tránh bão, sẵn sàng thực hiện chỉ đạo khi có lệnh di dân vào các vị trí tạm cư kiên cố theo kế hoạch”./.