Báo động tình trạng nhiễm uốn ván từ những vết thương nhỏ
Ngày 21/4, tại khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực Chống độc Người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, TPHCM đang điều trị gần 30 bệnh nhân. Trong số đó có tới 15 trường hợp được bác sĩ xác định mắc bệnh uốn ván với mức độ nặng nhẹ khác nhau.
Người nhiễm bệnh nhẹ phải nằm điều trị khoảng nửa tháng, người mắc bệnh nặng phải điều trị thở máy, kết hợp kháng sinh cả tháng, nguy cơ tử vong cao.
Điểu Thị Ng. đã phải điều trị hơn 2 tuần nhưng diễn tiến bệnh còn bất lợi |
Nhìn cô con gái Điểu Thị Ng. (16 tuổi, đồng bào Stiêng ngụ tại Bù Đăng, Bình Phước) trong tình trạng mê man, chân tay co cứng, đang phải thở máy, bà Điểu Thị Gi. (mẹ bệnh nhân) nghẹn ngào cho biết: ngày 3/4, con bé gặp tai nạn giao thông, bị một vết thương ở mu bàn chân trái, thương tích không nặng nên gia đình tự chăm sóc tại nhà.
Tuy nhiên 5 ngày sau, Điểu Ng. lên cơn gồng giật, co quắp chân tay, tím tái, gia đình vội chuyển đến bệnh viện địa phương. Tại đây, bác sĩ xác định bệnh nhân bị nhiễm uốn ván thể nặng nên lập tức chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, TPHCM. Sau thăm khám và thực hiện các xét nghiệm, bác sĩ đã quyết định mở khí quản hỗ trợ thở máy cho người bệnh và điều trị tích cực.
BS Nguyễn Thành Nguyên, Phó khoa Cấp cứu Hồi sức Tích cực Chống độc Người lớn cho hay, qua khai thác bệnh sử từ gia đình ghi nhận, từ trước đến nay bệnh nhân chưa được chích ngừa uốn ván. Sau 2 tuần điều trị, bệnh nhân vẫn không đáp ứng với thuốc an thần, chúng tôi đang cho người bệnh dùng thuốc giãn cơ, thở máy, kết hợp điều trị kháng sinh. Đến nay, vẫn chưa nói trước được tiên lượng điều trị cho bệnh nhân.
Một trường hợp khác là bệnh nhân Kim Tuấn A. (27 tuổi, đồng bào Khơ me, ngụ tại Cà Mau) được chuyển đến bệnh viện ngày 11/4/2017. Gia đình bệnh nhân cho hay, trước nhập viện 3 ngày Tuấn A. bị một vết thương hở ở chân. Khi vết thương sưng tấy, chảy mủ, bệnh nhân có biểu hiện cứng hàm cứng cơ, cứng cổ, sau khi đến bệnh viện địa phương cấp cứu, Tuấn A. được người nhà chuyển thẳng lên Nhiệt Đới.
Hơn nửa số ca bệnh tại Cấp cứu Người lớn của bệnh viện bị nhiễm uốn ván |
Đây cũng là trường hợp chưa chích ngừa uốn ván từ trước đến nay. Bệnh nhân hiện đang phải thở máy, điều trị kháng sinh tích cực nhưng có biểu hiện của biến chứng rối loạn thần kinh, tiên lượng điều trị khá khó khăn.
Báo động tình trạng người lớn mắc bệnh
Từ thực tế đang diễn ra, BS Thành Nguyên cho hay, đa số trường hợp nhiễm uốn ván điều trị tại khoa đều là bệnh nhân được chuyển đến từ các tỉnh, nơi đời sống còn nhiều khó khăn, người dân chưa được tiếp cận nhiều với các dịch vụ y tế. Nếu trước đây, số ca bệnh chỉ xuất hiện lẻ tẻ thì hiện nay số người mắc bệnh nhập viện ngày càng nhiều, đây là vấn đề đáng báo động trong công tác dự phòng tại các địa phương.
Phân tích chuyên môn của BS Thành Nguyên chỉ ra, uốn ván là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván (Clostridium tetani ) gây ra. Thời gian ủ bệnh từ 4 - 21 ngày. Trực khuẩn này phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí, sau đó giải phóng ngoại độc tố vào máu và tấn công vào các bản vận động thần kinh - cơ làm cho bệnh nhân bị co cứng cơ, xuất hiện các cơn co giật.
Người nhiễm bệnh nặng có thể tử vong do suy hô hấp, rối loạn thần kinh thực vật và ngưng tim. Trước đây, bệnh có tỷ lệ tử vong cao, hiện nay các phương pháp điều trị hiện đại giúp đa số bệnh nhân qua được nguy kịch nhưng chi phí điều trị tốn kém (trung bình từ 40 đến 60 triệu đồng).
Bác sĩ khuyến cáo bệnh uốn ván đã có vắc xin dự phòng, để tránh nguy cơ nhiễm cộng đồng nên đi chích ngừa. Đặc biệt những người bị vết thương, phụ nữ mang thai, có nguy cơ nhiễm bệnh cao, cần chủ động chủng ngừa sớm. Liệu trình chủng ngừa uốn ván thường chia thành 3 liều, sau khi chích mũi thứ nhất, cách 1 tháng bệnh nhân chích mũi thứ 2, cách 6 tháng bệnh nhân chích mũi thứ 3, chích nhắc lại từ 3 đến 5 năm một lần.