Báo chí Mỹ chia rẽ sâu sắc về cuộc “so găng” Trump-Clinton lần 2
Kỳ phùng địch thủ
Khi thảo luận về thư điện tử cá nhân, bà Clinton tuyên bố không có bằng chứng rằng các thư điện tử đã bị hack nhưng đây là sự bảo vệ yếu kém khi trên thực tế thì FBI đã chứng minh bà Clinton phạm luật nhưng không buộc tội vì đây không phải là lỗi cố ý.
Cả ông Trump và bà Clinton đều không nổi trội hơn so với đối thủ trong lần tranh luận thứ 2. Ảnh: AP |
Điểm sáng nhất trong phiên tranh luận lần này của bà Clinton là câu trả lời của bà rằng chiến dịch tranh cử là ví dụ tốt cho giới trẻ. Ngoài ra, thay vì lái mũi nhọn sang ông Trump, bà Clinton tiếp tục đặt trọng tâm vào chiến dịch tranh cử của mình cũng như nêu ra những điều mình muốn làm cho nước Mỹ.
Ở phía bên kia chiến tuyến, đại diện của đảng Cộng hòa đã chuẩn bị tốt hơn rất nhiều so với cuộc tranh luận trước đó. Điểm hạn chế của ông Trump là dồn quá nhiều thông tin vào những câu trả lời quá ngắn gọn. Ngoài ra ông Trump cũng đưa ra một số câu hỏi thừa thãi trong cuộc đối đầu giành giật từng phút.
Đổi lại, điểm mạnh của ông Trump là trả lời trực tiếp đối với các câu hỏi, lái vấn đề sang các nội dung được cử tri quan tâm và đây được xem là cách thức tốt nhất để kiểm soát tình hình. Tỷ phú Mỹ cũng đã tận dụng chính những ví dụ mà đương kim Tổng thống Obama từng nêu ra để đánh bại bà Clinton trong cuộc chạy đua năm 2008.
Tuy nhiên, về một số khía cạnh nhất định, đối với cách thức tranh luận như trên, là một diễn viên truyền hình thực tế, ông Trump có phần lợi thế hơn khi phải trả lời trực tiếp những câu hỏi bất ngờ mà cử tri đưa ra. Trong khi đó, bà Clinton là một chính khách chuyên nghiệp, các câu trả lời được tư vấn và chuẩn bị kỹ lưỡng với đội ngũ cố vấn hùng hậu.
Báo chí đánh giá 2 ứng cử viên rất khác nhau
Điều này thể hiện khá rõ khi theo thăm dò của hãng tin CNN, có tới 63% số người được hỏi cho rằng, ông Trump đã thể hiện tốt hơn kỳ tranh luận trước. Trong khi đó, con số này đối với bà Clinton chỉ là 39%.
Các kết quả khảo sát của các tờ báo, trang mạng của Mỹ cũng có sự khác biệt về việc ai là người thắng cuộc trong buổi tranh luận lần thứ hai. Theo khảo sát của CNN ngay sau cuộc tranh luận, bà Clinton đã giành phần thắng với 57% so với 34% của ông Trump.
63% người cho rằng ông Trump làm tốt hơn so với buổi tranh luận trước, 21% làm kém hơn và 15% không có gì thay đổi. 39% ý kiến của những người được phỏng vấn cho rằng bà Clinton làm tốt hơn so với lần tranh luận trước, 26% kém hơn và 34% không có gì thay đổi.
Theo thăm dò trên mạng của một số báo khác thì ứng cử viên Trump lại giành chiến thắng trước bà Clinton. Trang Drudge Report cho biết, ngay sau phần tranh luận thì có tới 92% cho rằng ông Trump đã giành chiến thắng trong khi con số này đối với bà Clinton chỉ là 7%.
Theo trang Variety.com thì trong số gần 100 nghìn người ấn nút bầu chọn, có tới 58% ủng hộ ông Trump, chỉ có 40% đứng về phía bà Clinton. Các kết quả khác nhau như vậy bởi vì các kết quả thăm dò trên mạng chưa chắc đã chính xác, ngoài ra cũng còn phụ thuộc vào quan điểm của mỗi tờ báo khác nhau.
Tuy nhiên, trên thực tế, không có sự chênh lệch lớn giữa hai ứng cử viên và tỷ lệ là 50-50. Với tư cách là người thắng cuộc ở buổi tranh luận trước nhưng bà Clinton không thực sự nổi trội, không có được sự chuẩn bị tốt và phong cách của bà không được tự tin như lần trước.Trong khi đó, ông Trump cũng không có được các câu trả lời thực sự thuyết phục, thay vào đó ông vẫn tiếp tục ngắt lời và chỉ trích đối thủ.
Chờ đợi lần so găng quyết định
Nhìn chung cuộc tranh luận lần này tương đối cân tài cân sức và do đó mọi chuyện sẽ ngã ngũ trong lần tranh luận cuối cùng và then chốt vào ngày 19/10 tại Nevada.
Tuy nhiên, theo truyền thống, các cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình không có nhiều ảnh hưởng tới quyết định của cử tri. Dựa trên thông tin do các ứng cử viên đưa ra tại các cuộc tranh luận thì các cử tri còn lưỡng lự sẽ có thêm cơ sở để đưa ra quyết định cuối cùng sẽ chọn ai.”
Hai ứng cử viên đã trải qua 2 cuộc tranh luận trực tiếp và đã phần nào thể hiện được quan điểm của mình về các chính sách trong nước, đối ngoại và cả các vấn đề cá nhân trong thời gian qua.
Từ nay tới ngày 19/10 vẫn chưa rõ các chủ đề cụ thể mà các ứng cử viên có thể sẽ đưa ra tranh luận vì sát tới ngày tranh luận chắc chắn sẽ có những thông tin, các yếu tố bất ngờ được cả hai phía đưa ra.
Tuy nhiên, các vấn đề cử tri quan tâm và sẽ giúp các ứng cử viên giành được sự ủng hộ của cử tri đó là họ sẽ làm được điều gì có ích cho người dân, cho đất nước.
Buổi tranh luận tới sẽ trở lại với hình thức truyền thống đó là các ứng cử viên trả lời các câu hỏi do người điều phối chương trình đưa ra, và vì thế nội dung có khả năng sẽ xoay quanh những chính sách, giải pháp đối với những vấn đề nước Mỹ đang cần giải quyết.
Các chính sách của họ như thế nào, kế hoạch cụ thể ra sao và ứng cử viên nào đưa ra được các giải pháp thiết thực, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của người, chắc chắn người đó sẽ giành được lợi thế trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng./.