Ai đã mua tranh Việt trị giá triệu đô la Mỹ tại các sàn đấu giá quốc tế?
Người Việt mua tranh Việt
Tranh Việt có giá triệu đô là thực tế đã diễn ra trên các sàn đấu giá quốc tế. Gần đây nhất là phiên đấu giá tranh “Modern art evening sale”, diễn ra ngày 30-9 tại nhà đấu giá tranh Sotheby’s Hongkong, 5 bức tranh Việt đã được bán tổng cộng gần 2,5 triệu USD càng khẳng định sức hấp dẫn của tranh Việt trên thị trường quốc tế. Và người sở hữu các bức tranh có mức giá lên tới cả tỷ đồng ấy không ai khác chính là các nhà sưu tầm Việt. Nhờ nhu cầu sở hữu các tác phẩm nghệ thuật của họ, giá trị tranh Việt trên sàn quốc tế đã được nâng tầm.
Vào tháng 5/2018, tại phiên đấu giá "Nghệ thuật châu Á thế kỷ 20 và đương đại" của nhà đấu giá Christie’s Hong Kong (Trung Quốc), bức tranh "Em bé cho chim ăn" của danh họa Nguyễn Phan Chánh đã được nhà sưu tầm người Việt đấu giá thành công với mức 853.000 USD (tương đương 20 tỷ đồng).
Với mức giá này, bức tranh được xếp vào Top 5 bức tranh cao giá nhất của Việt Nam trên sàn quốc tế. Và như vậy, sau thời gian chu du trên thế giới, kiệt tác hội họa của Nguyễn Phan Chánh đã trở về Việt Nam bằng sự mạnh tay của nhà sưu tầm Việt.
Danh họa Nguyễn Phan Chánh bên bức tranh lụa "Chơi ô ăn quan" |
Chưa hết, nhà sưu tập Trần Tuấn Linh (Hà Nội) cũng đấu giá thành công bức tranh "Mẹ và con ở trong vườn" của danh họa Lê Phổ tại nhà Sotheby’s Hồng Kông vào ngày 1-10-2017 với mức 35.211 USD. Cũng tại phiên đấu giá này, gần 10 bức tranh Việt khác cũng được bán cho nhà sưu tập người Việt.
Ngày 23/10/2017, tại nhà đấu giá Aguttes (Paris - Pháp), một nhà sưu tập ở Hà Nội đã đấu thành công bức tranh "Hai thiếu nữ ngồi thêu" của Vũ Cao Đàm với mức giá 226.950 euro (hơn 6 tỷ đồng). Trước đó, tại phiên đấu giá của Christie’s Hongkong (2017), nhà sưu tầm Phạm Văn Thông đã đấu giá thành công bức tranh “Mèo vờn nhau” của danh họa Nguyễn Sáng với giá 41.000 USD.
Xu hướng ra thế giới để góp mặt tại các sàn đấu giá quốc tế đang ngày càng trở nên phổ biến đối với giới chơi tranh và sưu tầm nghệ thuật Việt Nam. Trong đó có thể kể tới một số tên tuổi như: Nguyễn Phan Huy Khôi, Phùng Quang Việt, Kevin Việt, Lê Thái Sơn, Nguyễn Văn Lâm, Nguyễn Hoàng Việt, Nguyễn Hải Yến…
Giới nghiên cứu mỹ thuật đều nhận định, xu hướng bỏ ra cả triệu đô la Mỹ để có trong tay một kiệt tác hội họa Việt Nam đang trở nên phổ biến và không bất ngờ với những dõi theo. Bởi đây là kênh đầu tư chắc chắn, sinh lời hấp dẫn và rất hiếm khi có chuyện lỗ. Tất nhiên, dòng tranh mà các nhà sưu tầm hướng tới sẽ là mỹ thuật Đông Dương với những họa sỹ thành danh như Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên…
Kênh đầu tư hấp dẫn
Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông, dòng tranh của mỹ thuật Đông Dương sở dĩ hấp dẫn nhà sưu tầm trong nước và quốc tế là bởi độ hiếm, sự ổn định về tên tuổi đã được ghi nhận rộng rãi ở thế giới và tinh thần Á Đông rất mạnh mẽ, thuần khiết – điều các dòng tranh sau này không có được. Nếu đem so sánh giữa tranh Đông Dương và tranh đương đại thì dòng tranh của các họa sỹ trẻ tiềm ẩn nhiều rủi ro trong đầu tư.
Bức tranh "Em bé cho chim ăn" của danh họa Nguyễn Phan Chánh được một "đại gia" Việt mua về với giá 853.000 USD, tương đương 20 tỷ đồng |
Còn với nhà sưu tầm Nguyễn Minh (Minh “Hàng Chỉ”), ông thích ra nước ngoài mua tranh là bởi độ tin cậy. Phong cách làm việc chuẩn mực và minh bạch trong thẩm định khiến ông cảm thấy an tâm khi không tiếc tay bỏ ra cả tỷ đồng để đưa về nước một bức tranh. Hiện nay nhà sưu tập này đang có trong tay khoảng 200 bức tranh nhưng có tới hơn 1 nửa là đấu giá thành công từ nước ngoài mang về.
Cũng theo nhà sưu tập Nguyễn Minh, đầu tư cho nghệ thuật – sẵn sàng chịu chơi, bỏ ra cả triệu đô la Mỹ để mua tranh đang là một trong những kênh đầu tư hấp dẫn các “đại gia” Việt. Chính bản thân ông đã hướng dẫn cho không ít những người bạn của mình sử dụng đồng tiền tích cực và khôn ngoan.
“Nhìn cách chơi tranh tưởng như không ăn thua nhưng cứ hãy dè chừng với những tác phẩm để đời của các họa sỹ Việt được xuất hiện tại các phiên đấu giá quốc tế. Chỉ cần sở hữu và chờ đợi thời cơ quay vòng vốn, rất có thể, một người khá giả bỗng chốc lại trở thành “đại gia” trong nay mai” - ông Nguyễn Minh nhấn mạnh.
Theo nhà sưu tập Phạm Việt Phương: "Chơi tranh vừa là thú chơi vừa là cái nghề. Kinh tế ngày càng phát triển, cuộc sống được nâng cao thì nhu cầu chơi văn hóa nghệ thuật cũng phát triển hơn. Bây giờ lực lượng chơi tranh rất đông đảo, tạo nên sân chơi vừa lành mạnh vừa sôi động, vừa lan tỏa sức chơi ngày một rộng hơn trong cộng đồng người Việt, vừa nâng tầm giá trị nghệ thuật của các tác phẩm hội họa và trả nó về đúng vị trí xứng tầm của các tác giả nổi tiếng”.