Xử phạt hút thuốc lá nơi công cộng chưa đủ sức răn đe
Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đã có hiệu lực hơn 3 năm qua. Chính phủ cũng đã ban hành nhiều nghị định hướng dẫn thi hành luật, trong đó quy định rõ địa điểm cấm hút thuốc lá, việc xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm… Thế nhưng, việc cấm hút thuốc cũng chỉ nằm trên bảng hiệu “Cấm hút thuốc lá”, chưa thực hiện xử phạt nghiêm nên tại các địa điểm công cộng, tình trạng hút thuốc lá vẫn diễn ra tràn lan.
Xử phạt chưa nghiêm, người dân vẫn sẽ vi phạm. |
Trong căng tin của Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Thành phố Hồ Chí Minh, thấy một người đang thản nhiên hút thuốc, nhả khói, chúng tôi bắt chuyện với anh:
PV: Anh có biết ở đây cấm hút thuốc lá không?
Không sao đâu, hút vài hơi thôi rồi vứt đi.
PV: Sáng tới giờ anh hút mấy điếu rồi?
Một điếu thôi. Tối giờ nuôi người bệnh, ghiền quá hút điếu à. Xuống mua đồ rồi ăn sáng nên hút vậy thôi cho đỡ tanh miệng.
PV: Trước đây anh hút như thế nào?
Ngày 1 gói, giờ giảm hút còn 3 điếu.
PV: Anh có biết tác hại của thuốc lá không.
Có, nhưng mà giờ ghiền quá không hút không chịu được.
PV: Thế anh có biết có luật cấm hút thuốc lá không?
Có nghe người ta nói.
PV: Vậy anh có sợ bị xử phạt không?
Có. Thôi giờ lỡ rồi thì thôi không hút nữa…
Tại căng tin của Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ đứng trong vòng hơn 10 phút, chúng tôi đã chứng kiến 3 người đàn ông ngồi hút thuốc bên cạnh 3 bảng hiệu "cấm hút thuốc lá", mỗi bảng cách nhau vài bước chân. Trước đó, khi bước vào cổng bệnh viện, người nhà và bệnh nhân cũng có thể nhìn thấy các bảng hiệu dựng trước cổng với biểu tượng không hút thuốc lá.
Theo quy định tại Điều 11 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, thì bệnh viện là nơi cấm hút thuốc lá, cả trong nhà và trong phạm vi khuôn viên. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn diễn ra không phải chỉ có ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Còn các địa điểm công cộng khác thì sao? Chúng tôi cũng đã khảo sát ở một vài bến xe, nhà ga, công viên, cho thấy, người dân vẫn cứ ngang nhiên hút thuốc lá mà không bị xử phạt.
Nhiều người chưa ý thức được tác hại của khói thuốc lá đến sức khoẻ cộng đồng. |
Điều này khiến nhiều người không hút thuốc lá, nhưng cũng phải hít khói thuốc thụ động tỏ ra rất bức xúc. Chị Đào Thị Quyên, một người dân ở quận Bình Thạnh nói:
“Nói chung tôi thấy rất bực mình, đã có bảng cấm rồi thì không nên hút nữa, nhưng người đó hình như không có ý thức. Mà bây giờ biết chắc chắn hút thuốc lá sẽ bị ung thư thì ở chỗ nào cũng nên cấm”.
5 năm qua, tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã có nhiều chương trình, dự án tiên phong nhằm hạn chế số người hút thuốc lá, như xây dựng mô hình không thuốc lá tại 24 phường, xã; hơn 350 nhà hàng, khách sạn cấm hút thuốc lá; 17 điểm du lịch, quán ăn, quán karaoke không thuốc lá; nhiều bệnh viện, trường học không thuốc lá... Đặc biệt, trong ngành y tế cho thấy sự chuyển biến rõ rệt, tỷ lệ nam hút thuốc ngày càng giảm. Tại các địa điểm công cộng, bảng hiệu cấm hút thuốc lá, thông tin về tác hại của thuốc lá cũng xuất hiện dày đặc. Thế nhưng, điều quan trọng là với một thói quen khó từ bỏ thì việc cấm trên bảng không mấy hiệu quả.
Một trong nguyên nhân chính của tình trạng này là chưa thể áp dụng việc xử phạt vi phạm hành chính với người hút thuốc nơi công cộng, mà chỉ đang dừng lại ở biện pháp nhắc nhở và cảnh cáo. Việc xử phạt chỉ có vài nơi thực hiện, chẳng hạn như ở ủy ban nhân dân một số phường của quận Bình Thạnh, xử phạt hành chính người hút thuốc lá nơi công cộng nhưng con số chưa được thống kê đầy đủ.
Theo bác sỹ Trịnh Văn Hiệp, Ban chủ nhiệm Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá, thuộc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, việc xử phạt hiện nay là đang một trở ngại. Theo quy định về xử phạt là các cơ quan thanh tra liên ngành về y tế từ trung ương tới địa phương; cơ quan quản lý thị trường; cơ quan công an và ủy ban nhân dân các cấp. Tuy nhiên, lực lượng chuyên trách còn mỏng, trong khi việc hút thuốc diễn ra quá nhanh nên khó kiểm soát hết.
Trong khi đó, các đơn vị quản lý những địa điểm công cộng như trường học, bệnh viện, bến xe thì không có quyền xử phạt người hút thuốc. Bác sỹ Trịnh Văn Hiệp cho rằng, hiện nay nhiều vi phạm có thể xử phạt như vi phạm về quảng cáo, về tiếp thị, khuyến mãi thuốc lá nhưng chưa bị kiểm tra xử lý. Vì vậy, muốn xử phạt thì phải thực hiện nhiều giai đoạn, nhiều mức độ khác nhau. Đối với những trường hợp tiếp tục vi phạm thì phải áp dụng biện pháp nặng hơn. Việc tổ chức xử phạt phải nghiêm túc, phải có sự chuẩn bị bài bản thì mới nghiêm, mới hiệu quả
Thống kê của ngành y tế cho thấy, có đến 90% nguyên nhân ung thư phổi liên quan đến thuốc lá. Tỷ lệ người chết liên quan các bệnh do thuốc lá ngày càng gia tăng. Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đã có hiệu lực từ tháng 5/2013, nhưng không phạt sẽ không cấm được ai. Đã đến lúc những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần phải thực hiện việc giám sát các trường hợp vi phạm hút thuốc lá tại nơi công cộng một cách nghiêm túc. Cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm thì mới cấm được việc hút thuốc tại nơi công cộng./.