Xử lý sau thanh tra vụ Mobifone mua AVG: Phải thượng tôn pháp luật
Trao đổi với phóng viên chiều ngày 19/3, Phó Tổng Thanh tra Bùi Ngọc Lam nhấn mạnh, việc thực hiện, xử lý sau thanh tra vụ Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) phải trên tinh thần thượng tôn pháp luật, bảo đảm khách quan, gắn với thực tế, đúng chỉ đạo của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ.
Lắng nghe, chia sẻ, nhưng phải đúng luật
Phó Tổng thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam |
Theo Phó Tổng Thanh tra, kết luận thanh tra dự án Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của AVG đã được Thủ tướng đồng ý và có ý kiến chỉ đạo từ trước khi cơ quan này công bố vào chiều 14/3 vừa qua.
“Bước tiếp theo, Thanh tra Chính phủ giao Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện kết luận thanh tra theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, bảo đảm khách quan, theo quy định. Từ thực tiễn đôn đốc, kiểm tra đó nếu có phát sinh những tình hình gì thì theo thẩm quyền, Thanh tra Chính phủ báo cáo để Thủ tướng chỉ đạo, xem xét, xử lý toàn diện”, ông Bùi Ngọc Lam nói.
Phó Tổng Thanh tra lưu ý, sau khi ban hành kết luận thanh tra, nếu có ý kiến khác thì cũng là điều bình thường. Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ xem xét các vấn đề trên cơ sở tôn trọng thực tế, nhưng phải bảo đảm chính xác, trung thực, tôn trọng pháp luật, thượng tôn pháp luật.
“Khi ban hành kết luận thanh tra, chúng tôi phải bảo đảm căn cứ theo đúng quy định của pháp luật và chỉ tuân theo pháp luật. Trong quá trình đó, chúng tôi xem xét ý kiến giải trình của các đơn vị có liên quan, đối tượng thanh tra một cách thận trọng toàn diện. Tất cả các vấn đề đều được lắng nghe, chia sẻ để tiếp thu những giải trình có cơ sở, đúng pháp luật. Còn những giải trình không có căn cứ, không có cơ sở, không bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật thì không được chấp nhận”, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.
Phối hợp chặt với Bộ Công an để xử đúng người, đúng vi phạm
Thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG được đánh giá là vụ việc kinh tế rất nghiêm trọng, Thanh tra Chính phủ kiến nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra có thẩm quyền của Bộ Công an. Cùng với đó, chuyển kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương quản lý có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm nêu tại kết luận thanh tra.
Vậy Thanh tra Chính phủ có cần ra thêm văn bản kiến nghị vấn đề này nữa không? Phó Tổng Thanh tra thông tin “Không cần phải có văn bản kiến nghị nữa vì điều này đã được thể hiện trong kết luận và đã được Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình thay mặt Thủ tướng đồng ý”.
Ông cho hay, Thanh tra Chính phủ sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để chuyển toàn bộ, hồ sơ tài liệu để Bộ này xem xét, xử lý, bảo đảm đúng người, đúng vi phạm, đúng quy định.
“Với Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng vậy. Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ để chuyển hồ sơ, tài liệu có liên quan, phục vụ việc xem xét, xử lý trách nhiệm những tố chức, cá nhân thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý theo đúng quy định của Điều lệ Đảng và pháp luật của Nhà nước”./.