Xe sang phơi nắng tại cảng, xe Trung Quốc “gặp thời” ở Việt Nam
Audi, Volkwagen xếp hàng dài chờ nhập
Theo thông tin hiện có hàng trăm chiếc xe Audi, Volkwagen đang được tập kết tại cảng Hiệp Phước để chờ thông quan, trong khi đó các xe của Honda, Chevrolet đã được thông quan thành công và làm các thủ tục đăng kiểm.
Đây là lô xe sang Audi, Volkwagen đầu tiên được nhập về Việt Nam sau khi Nghị định 116 được ban hành và cũng là lô xe đầu tiên năm 2018 về được Việt Nam.
Các mẫu Audi gồm Q2, A6, A5 và A3… còn các dòng xe của Volkwagen chủ yếu là các bản sedan và hachback quen thuộc nhập từ Đức hoặc Mexico.
Các loại xe Honda nhập về cảng Hiệp Phước dịp này chủ yếu là City và Accord. Trong đó Chevrolet nhập khẩu về chủ yếu là dòng bán tải Colorado và dòng xe đa dụng Trailblazer.
Trong tháng 6/2018 này, các hãng xe Toyota và Mitsubishi có thể tiến hành nhập các mẫu xe vào Việt Nam với các mẫu quen thuộc là Fortuner (Toyota); Pajero hay Triton (Mitsubishi). Cùng với đó là các dòng xe mới giá rẻ hơn như sedan Wigo hoặc có thể là dòng xe 7 chỗ Avanza cạnh tranh trực tiếp với Innova tại Việt Nam.
Xe Trung Quốc “gặp thời” ở Việt Nam
Trong tuần qua, thông tin đáng quan tâm nhất là lượng lớn xe con dưới 9 chỗ ngồi từ Trung Quốc được nhập khẩu thành công và làm các thủ tục hải quan ở Việt Nam.
Được biết, các dòng xe này chủ yếu là xe nội địa Trung Quốc với giá không quá 700 triệu đồng đang được một số người yêu thích vì vẻ bề ngoài bắt mắt cùng động cơ được giới thiệu là hãng Mitsubishi của Nhật Bản.
Các dòng xe này chủ yếu là thương hiệu xe Baic, Zotye và Haima. Việc xe Trung Quốc nhập tịch thành công ở Việt Nam cho thấy thị trường Việt khá dễ tính và đa dạng xe.
Đáng nói, xe Trung Quốc nhập thành công vào Việt Nam lần này hoàn toàn khác so với cách đây khoảng 10 năm. Tuy nhiên, thời điểm này xe Trung Quốc không được đánh giá cao và sớm thất bại khi những chiếc xe nhỏ, giá rẻ bị người tiêu dùng Việt xa lánh.
Lần nhập thứ 2 này, các thương hiệu và chủng loại ô tô Trung Quốc xâm nhập vào Việt Nam với cách khác. Hầu hết họ đưa các dòng xe đa dụng, thiết kế đẹp đẽ và “lai” các công nghệ, động cơ của Nhật, kết hợp với khung sườn, nội thất Trung Quốc.
Tuy nhiên, để hợp nhất chiếc ô tô máy Nhật, vỏ và nội thất Trung Quốc không phải là điều dễ chấp nhận đối với người tiêu dùng Việt Nam, nhất là khi xe hơi vẫn được xem là tài sản của đại đa số người dân.
Trường Hải thu hơn 12.000 tỷ đồng từ bán xe
Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2018 cho thấy, trong kỳ vừa rồi, doanh nghiệp này đạt được 13.246,8 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng khoảng 3,6% so với cùng kỳ.
Trong cơ cấu doanh thu thuần của Thaco, doanh thu bán xe đạt 12.312,8 tỷ đồng, tăng 1.068,2 tỷ đồng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nguồn thu từ mảng kinh doanh bất động sản lại thụt lùi. Theo đó, doanh thu cung cấp dịch vụ và bất động sản của Thaco quý I/2018 chỉ còn 783,6 tỷ đồng, chỉ bằng phân nửa so với cùng kỳ.
Tổng doanh thu mặc dù tăng, song do giá vốn hàng bán đã chiếm tới hơn 81% doanh thu và tốc độ tăng giá vốn nhanh hơn tốc độ tăng của doanh thu nên đã dẫn tới lợi nhuận gộp của Thaco chỉ còn 2.485,5 tỷ đồng, giảm 3,6% so với cùng kỳ.
"Ngâm" hơn 5 thập kỷ, xe sang Ferrari có giá nghìn tỷ đồng
Một chiếc Ferrari cổ vừa được bán sang tay với mức giá kỉ lục thế giới là 70 triệu USD (tương đương gần 1,6 nghìn tỷ đồng). Tờ New York Post thông tin, chiếc Ferrari 250 GTO có tuổi đời khá già cỗi khoảng 55 tuổi (năm 1963) giành giải Tour de France năm 1964 đã được bán với giá đắt nhất lịch sử xe hơi.
Chiếc xe này có giá trị bởi nó là chiếc xe hơi nổi tiếng nhất trong lịch sử thế giới và được ví là Chén Thánh trong dòng xe cổ. Đây là một chiếc xe đua hợp pháp với vận tốc 174 dặm/giờ và là một trong số 36 chiếc được sản xuất từ năm 1962 đến năm 1964.
Trong nhiều năm qua, chiếc xe này được ví như bức tranh nổi tiếng của danh họa Picasso trong thế giới xe hơi. Được biết chiếc xe được đặt tại Đức và qua nhiều năm nó được đem đi dự triển lãm và lái thử tại các sự kiện ở khắp nơi trên thế giới.