Xây dựng đạo đức, lối sống từ trong mỗi gia đình
Thời gian qua, tình trạng xuống cấp, suy thoái văn hóa, đạo đức được dư luận xã hội lên án mạnh mẽ. Những nghịch cảnh với luân thường đạo lý như con đánh, giết cha mẹ, vợ chồng sát hại nhau; xâm hại trẻ em… có chiều hướng tăng cả về số vụ và mức độ nguy hiểm. Chính vì vậy, trong phiên chất vấn của kỳ họp Quốc hội vừa rồi, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần có giải pháp cấp bách để nâng cao chất lượng đạo đức, lối sống từ trong mỗi gia đình, nhằm xây dựng nền tảng vững chắc cho một xã hội lành mạnh, văn minh.
Xum họp gia đình tạo nên nền nếp trong gia đình. (Ảnh minh họa). |
Theo thống kê, từ năm 2012 đến năm 2016, cả nước đã xảy ra hơn 127.000 vụ bạo lực gia đình. Trẻ em sống trong gia đình có hành vi bạo lực, khả năng học tập bị suy giảm nghiêm trọng, một bộ phận các em có xu hướng sử dụng bạo lực khi giải quyết mâu thuẫn, xung đột với bạn bè. Vì thế, thời gian qua số vụ bạo lực học đường gia tăng đáng kể. Đây là một trong những nguyên nhân của sự xuống cấp văn hóa, đạo đức trong gia đình, xã hội hiện nay.
Thực tế cho thấy, trước sự phát triển và biến đổi không ngừng của cuộc sống, nhiều gia đình quá chú tâm vào việc tạo dựng các giá trị vật chất mà xem nhẹ giá trị tinh thần, dẫn đến tình trạng cha mẹ thiếu quan tâm đến con cái, gia đình không hòa thuận.
Chị Nguyễn Thanh Hà, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cho rằng: sự lệch lạc về nhận thức, lối sống của một bộ phận lớp trẻ, tình trạng chung sống không kết hôn, lối sống buông thả, thiếu lành mạnh… đang để lại hậu quả nghiêm trọng, làm mất đi nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.
“Khi mà bố mẹ bị cuốn vào công việc bận rộn hàng ngày không còn thời gian để chăm chút cho con cái mà chỉ cần chi một khoản tiền thuê bảo mẫu hoặc người giúp việc về gia đình nhưng con cái thiếu đi sự chăm sóc, quan tâm và bảo ban dạy dỗ trực tiếp từ cha mẹ thì sẽ có những tác động ngược lại ý muốn của gia đình. Bố mẹ không dành thời gian để quản lý sát sao thì con bị sa đà vào những tệ nạn xã hội, nhẹ thì chơi điện tử, nặng thì hút bóng, chơi những chất kích thích… đây cũng là nguyên nhân dẫn đến những hậu quả khó lường”- Chị Hà nói.
Có một thực tế trong không ít gia đình hiện nay, mối quan hệ giữa các thành viên ngày càng thiếu bền chặt. Họ dành khá nhiều thời gian, tiền bạc cho ăn uống, đi tham quan, du lịch, nhưng lại ít quan tâm đến giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho con trẻ. Sau giờ học, giờ làm, bố mẹ và các con ít trò chuyện, quan tâm, chia sẻ với nhau.
Ông Hoa Hữu Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho rằng: “Thách thức lớn nhất hiện nay là cái nhịp sống, lối sống, đạo đức và giáo dục đạo đức trong gia đình và ngoài gia đình đang gặp phải nhiều vấn đề đáng phải nói. Cái tiêu chí của một người con ngoan trong nhiều gia đình hiện nay thì hình như nó quy vào cái giấy khen và điểm 10. Còn trong nhà trường, giáo dục đạo đức cũng đang chưa thực sự tiếp cận với các nội dung dạy về luân lý, về đạo đức và điều này cần phải có sự phù hợp ở từng lứa tuổi và từng cấp học hơn”.
Trong bối cảnh hiện nay, phát huy giá trị nền nếp gia phong sẽ trở thành cốt lõi, là nền tảng để gia đình truyền thống phát triển bền vững, chống lại những suy thoái của lối sống thực dụng, vị kỷ.
Nhà thơ Lê Hùng, ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho rằng, gia đình truyền thống Việt Nam qua đời này sang đời khác đã kết tinh những tinh hoa văn hóa dân tộc như con cháu có hiếu với ông bà, cha mẹ, anh em hòa thuận, vợ chồng thủy chung... từ đó hình thành những chuẩn mực đạo đức và lối sống.
Những giá trị truyền thống tốt đẹp đó được phát huy trong cuộc sống hôm nay sẽ trở thành liều thuốc hữu hiệu đẩy lùi và ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức, lối sống: “Phải sống dựa vào tình cảm là chính. Từ sinh hoạt đến tất cả các thứ trong gia đình thì các cụ cũng phải gương mẫu, có sự bao dung, các con các cháu cũng phải thật sự tôn trọng. Gia đình chúng ta là phải mang tính truyền thống nhưng vẫn phải hiện đại, hiện đại là gì tất cả các con phải có một sự độc lập nhất định. Cái sợ nhất của chúng ta là con cái hư hỏng, phá phách, nghiện hút. Vì vậy, đối với thế hệ trẻ phải có sự hướng dẫn của bố mẹ, ông bà. Thế hệ trẻ cũng phải nghiêm túc, có tôn trọng và tất cả phải có mục đích phấn đấu và mục đích cuộc sống rõ ràng thì mới không chệch hướng được”.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, gia đình ngày nay có thể biến đổi mạnh mẽ về cơ cấu, chức năng, các hình thức và chuẩn mực trong các mối quan hệ nhưng vị trí, vai trò đối với sự phát triển của xã hội thì vẫn không thay đổi. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, bên cạnh việc lưu giữ, phát huy các giá trị văn hóa của gia đình truyền thống cũng cần ngăn chặn những hủ tục, những thói quen xưa cũ lạc hậu.
PGS-TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội, Viện Xã hội học nêu ý kiến: “Chúng ta phải củng cố thiết chế gia đình, phải làm sao để khởi phát trở lại những giá trị tốt đẹp có thể nói từ nghìn đời của người Việt Nam đạo lý, giàu lòng yêu nước thương nòi và tận tụy vì nhau. Bên cạnh xây dựng nếp sống văn hóa, đạo đức trong mỗi gia đình cũng cần phổ quát mạnh mẽ hơn nữa những tri thức của luật pháp để cho những hiểu biết về luật pháp phải ăn sâu vào mỗi gia đình, từng thành viên trong gia đình để trở thành nhận thức chuyển hóa trở thành bản lĩnh hướng tới trở thành văn hóa của xã hội pháp luật”.
Bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng, triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình để kịp thời chấn chỉnh những sai lệch trong nếp sống văn hóa, đạo đức hiện nay.
“Chính gia đình được củng cố, kiện toàn và xây dựng với chủ đề là ấm no hạnh phúc, tiến bộ, bình đẳng và bền vững sẽ đóng góp cho việc xóa đói, giảm nghèo để giải quyết các vấn đề xã hội và tạo ra hưng phấn trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các thành viên của gia đình”.
Trong bối cảnh văn hóa, đạo đức gia đình có biểu hiện xuống cấp, bên cạnh việc đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong nhân dân thì những mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, những tấm gương cha mẹ nuôi dạy con giỏi, con ngoan hay hành vi ứng xử của con cháu thể hiện lễ nghĩa, hiếu thuận với ông bà, cha mẹ cần được nhân rộng, phổ biến để mỗi người dân nhìn nhận, học tập từng ngày, từ đó từng bước đẩy lùi những hành vi sai lệch, góp phần xây dựng nhân cách con người và gia đình văn hóa trong thời kỳ mới./.