Trả tiền lẻ khi qua trạm BOT: “Không vi phạm pháp luật, người dân được làm”
Pháp luật không cấm, người dân được làm!
Dự án xây dựng công trình Quốc lộ 1 đoạn tránh thị xã Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn Km 1987+560 - Km 2014+000 có tổng chiều dài 38,5km, tổng mức đầu tư 1.398,2 tỷ đồng. Dự án bao gồm 2 hợp phần: Cải tạo, tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 dài 26,5km, sửa chữa 14 cầu và lắp đặt hệ thống thoát nước trên tuyến; đầu tư tuyến tránh thị xã Cai Lậy dài 12,1km và xây dựng 5 cầu.
Trao đổi với PV Dân trí về vị trí trạm thu phí BOT Cai Lậy được cho là đặt sai đã dẫn đến phản ứng gay gắt của người dân trong những ngày qua, ông Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) - tái khẳng định: “Trạm thu phí Cai Lậy nằm trên Quốc lộ 1 và thuộc phạm vi của dự án”.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông |
Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, quá trình lập và phê duyệt dự án đầu tư, Bộ GTVT đã lấy ý kiến và nhận được sự thống nhất của UBND tỉnh, HĐND tỉnh, Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Tiền Giang và Bộ Tài chính về vị trí đặt trạm thu giá dịch vụ tại Km 1999+600 QL1.
Tuy nhiên, trong suốt 1 năm do không giải phóng được mặt bằng (vì người dân không chấp nhận giá đền bù giải phóng mặt bằng), nên UBND tỉnh Tiền Giang đã có văn bản gửi Bộ GTVT với đề xuất thay đổi vị trí đặt trạm về vị trí hiện nay là Km 1999+300 trên Quốc lộ 1. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính và Bộ GTVT đã có văn bản thống nhất với đề xuất của UBND tỉnh Tiền Giang.
Ngày 16/8, Bộ GTVT, tỉnh Tiền Giang và nhà đầu tư đã thống nhất giảm mức phí qua trạm Cai Lậy, nhưng người dân vẫn phản đối trạm này.
Theo người dân địa phương, lí do không phải vì mức phí cao, mà vấn đề nằm ở chỗ trạm thu phí đặt sai vị trí. Nhiều người vẫn đang gom tiền lẻ để trả phí nếu như trạm này không được di dời.
Bộ GTVT cho biết, người dân có quyền dùng tiền lẻ để trả phí nếu pháp luật không cấm |
Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định: “Những gì không vi phạm pháp luật, người dân được quyền làm. Nếu vi phạm thì phải xử lý hành chính, việc xử lý đã có cơ quan chức năng tại địa phương xử lý. Đảm bảo trật tự an toàn trên tuyến là trách nhiệm của địa phương”.
“Không có chuyện Nhà nước mua lại trạm”
Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, với trạm Cai Lậy không thể đơn thuần giải quyết bằng mệnh lệnh hành chính được mà còn căn cứ hợp đồng giữa các bên, bao gồm hợp đồng Bộ GTVT ký với nhà đầu tư, nhà đầu tư ký với tổ chức tín dụng. Thậm chí, nhà đầu tư thấy không thoả mãn hợp đồng có thể khởi kiện lại cơ quan quản lý, tất nhiên đây là việc không ai muốn” – Thứ trưởng Đông thông tin.
Trước câu hỏi: Liệu Nhà nước có bỏ ngân sách ra để mua lại trạm thu phí Cai Lậy để giải quyết tình hình hiện nay? Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định: “Không có chuyện Nhà nước bỏ tiền ra mua lại trạm”.
Ông Đông cho biết, Ngân sách đang rất khó khăn, không có vốn. Mục tiêu hiện tại là thu hút các nguồn vốn xã hội hoá cả trong nước và quốc tế đầu tư vào giao thông, đây là hướng đi đúng, nhất là trong bối cảnh ngân sách đã chạm ngưỡng trần nợ công.
Theo kế hoạch trung hạn 2016 - 2020, Bộ GTVT chỉ được phân bổ 30% số vốn so với tổng nhu cầu. Trên thế giới, Mỹ hay Hàn Quốc, Trung Quốc… cũng đang phải thu hút vốn từ kênh tư nhân để đầu tư.
Nhà nước sẽ không bỏ tiền ra để mua lại trạm BOT Cai Lậy |
“Dự án PPP là phải hài hoà lợi ích các bên, không thể thiên về ai được. Lợi ích của Nhà nước là không phải bỏ tiền ra nhưng vẫn phát triển được hạ tầng, nhà đầu tư kỳ vọng lợi nhuận và người dân có đường tốt hơn để đi lại, làm ăn” - Thứ trưởng Đông cho biết thêm.
Được biết, dự án nói trên vẫn chưa được quyết toán nhưng đã thu giá phí sử dụng đường bộ, tuy nhiên ông Phạm Huy Hiếu - Phó vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ GTVT) cho hay: Theo quy định hiện hành, dự án chỉ cần hoàn thành và bàn giao sử dụng là đã được thu phí, không cần chờ quyết toán xong.