TPHCM: Xe máy có đáng bị “kết tội” gây kẹt xe?
Chuyên gia giao thông – TS Phạm Sanh cho rằng: Cấm xe máy là câu chuyện không mới và đã nói đến từ 20 năm trước. Trong thời điểm hiện tại, cấm xe máy thể hiện sự bất lực, như một giải pháp tồi, vô trách nhiệm với người dân. “Nếu cấm xe máy thì chúng ta đi bằng xe gì?”, ông Sanh đặt vấn đề.
Cũng theo vị tiến sĩ này, hiện tại phương tiện công cộng ở TPHCM chưa thể đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân. Hơn nữa, di chuyển bằng xe buýt cũng có nguy cơ trễ giờ làm, giờ học… gây bức xúc cho người dân. “Chưa kể, nếu cấm xe máy thì người có điều kiện sẽ đổ xô mua ô tô dẫn đến sự lộn xộn, đi từ bất cập này qua rối loạn khác”, ông Sanh nhìn nhận.
Phương tiện nối đuôi "vượt ải" đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) |
Chuyên gia Sanh cho biết, kẹt xe xuất phát từ nhu cầu đi lại chứ không phải do xe máy hay ô tô, vì đây là phương tiện giao thông. Cần phải có cái nhìn công tâm, không thể kết luận kẹt xe là do xe 2 bánh.
Đồng quan điểm, TS Võ Kim Cương – nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TPHCM – cho biết, bài toán giao thông không phải là bài toán riêng lẻ mà là bài toán chung về đô thị, phải bắt đúng “căn bệnh” mới chữa được.
“Căn bệnh lớn nhất của TPHCM là kiến trúc đô thị không phù hợp với xe ô tô, giao thông công cộng. Bởi vì phần lớn diện tích của TPHCM là phát triển tự phát từ thời chiến tranh, không theo quy hoạch. Phần lớn là cấu trúc đường hẻm, chỉ có một số khu vực trung tâm thành phố có cấu trúc bàn cờ, có đường ô tô. Những cấu trúc như thế không phù hợp cho giao thông công cộng, mà phù hợp với xe gắn máy”, ông Cương nói.
TS Cương đánh giá, ô tô con gây nguy hại cho giao thông đô thị, nếu phát triển ô tô con lên thì sẽ tắc nghẽn giao thông. Bởi vì cấu trúc đô thị cũng không phù hợp cho ô tô con. Ông cho rằng đề xuất cấm xe máy là hoàn toàn sai lầm, không thực tế. Ngược lại, ở một khía cạnh nào đó, xe máy đang làm lợi chứ không phải gây thiệt hại cho kinh tế - như một số ý kiến nói gây hại hàng tỷ đô la.
“Kết tội cho xe máy là thủ phạm gây kẹt xe, gây thiệt hại kinh tế là phiến diện. Nói một cách định tính, nếu không có xe máy thì khó đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố trong những năm qua”, ông Cương nói.
Theo ông, ở chiều ngược lại, xe máy còn có tác dụng giảm tắc nghẽn giao thông. Xe máy nhanh hơn xe buýt, có thể đi vào hẻm. Không những vậy, đi xe máy cũng cho năng suất lao động cao hơn xe buýt khi quỹ thời gian đi xe máy ít hơn so với xe buýt. “Bây giờ nếu lấy xe buýt thay cho xe máy thì cũng không có đường chạy. Xe máy chiếm chỗ nhiều hơn xe buýt nhưng đi xe máy nhanh hơn. Xe buýt không thể cạnh tranh được”, ông Cương nói.
Kẹt xe trên cầu Bình Triệu 2 |
Song ông Cương cho rằng về lâu dài, hạn chế xe máy là cần thiết để thành phố văn minh hiện đại hơn. Xe máy có những bất lợi vì thiếu an toàn, không phù hợp với điều kiện kinh tế của người giàu… Do đó, không nên cấm hoàn toàn xe máy mà chỉ thí điểm cấm một số khu vực.
TS Cương lưu ý, việc cấm xe máy phải có thời gian và lộ trình phù hợp. Khi có tàu điện ngầm, hệ thống xe buýt được kết nối rộng khắp, phù hợp thì lập tức người dân sẽ chọn sử dụng đi phương tiện công cộng nếu thấy có lợi.
“Người dân có quyền lựa chọn phương tiện để đi. Do đó, không thể sử dụng biện pháp hành chính để làm mệnh lệnh bắt người dân phải đi bằng phương tiện này, bỏ phương tiện kia. Khi giao thông công cộng phát triển tốt thì người dân sẽ hưởng ứng”, ông Cương thẳng thắn.
TS Phạm Sanh cho rằng nếu hạ tầng giao thông đảm bảo, tổ chức mạng lưới giao thông công cộng tốt thì người dân sẽ tự động lựa chọn đi xe buýt. “Không ai chạy xe máy lòng vòng ngoài đường để chịu cảnh kẹt xe. Nói cấm xe máy là xúc phạm tới người dân, đặc biệt là người thu nhập thấp”, ông Sanh nói.