Tiêu thổ kháng chiến và chiến tranh du kích Thái Nguyên
Với vị trí chiến lược "Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ", thế mạnh nhân hòa và địa lợi, địa hình có núi rừng hùng vỹ, Định Hóa - Thái Nguyên đã vinh dự trở thành trung tâm của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 – 1954). Việc xây dựng ATK tại Định Hóa - Thái Nguyên có ý nghĩa to lớn trong đường lối chiến lược, thực hiện Chiến tranh nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Đồng thời tạo ra những điều kiện quan trọng phát triển phong trào cách mạng tại Thái Nguyên.
Từ cuối năm 1946, đầu năm 1947, bên cạnh việc xây dựng căn cứ địa tuyệt mật tại Định Hóa, Thái Nguyên thực hiện tiêu thổ kháng chiến ở vùng đô thị, đồng bằng, đồng thời bố trí du kích, xây dựng trận địa chiến đấu.
Những ngày đầu kháng chiến, Đảng và Chính phủ đã chủ trương phá hoại để kháng chiến lâu dài theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Phá cho rộng, phá cho sâu, phá cho bọn Pháp không lợi dụng được". Thái Nguyên thực hiện tiêu thổ kháng chiến ở vùng đô thị, đồng thời bố trí du kích, xây dựng trận địa chiến đấu. Nhân dân Thái Nguyên đã tay tự dỡ bỏ, phá hoại tất cả công trình cơ quan công sở, đường giao thông, cầu cống, và nhà cửa của mình để ủng hộ kháng chiến. Với tinh thần "triệt để làm cho địch đói, khát, què, mù, câm, tiêu hao, mệt mỏi, chán nản...", ngay cả 1 bức tường cũng được phá đi, cùng với đó là nhiều chướng ngại vật được dựng lên. Trên mặt đường số 3, lực lượng dân quân đã đào chi chít các hố chữ chi. Ở các vùng nông thôn tiêu biểu như ở huyện Phổ Yên và Phú Bình, phong trào toàn dân làm vườn không nhà trống diễn ra rất sôi nổi. Công tác đào hầm hào, công sự, xây dựng trận địa chiến đấu được thực hiện khẩn trương.
Người viết bài này từng có dịp được đọc một cuốn sổ đã ố màu thời gian. Năm khai sinh của cuốn sổ này là 1947, đúng vào lúc không khí đón tiếp các cơ quan trung ương và đồng bào tản cư kháng chiến tại Thái Nguyên đang vào lúc sôi nổi nhất. Khi đó, nó được đặt tại UB kháng chiến hành chính thị xã và những ai qua đó đều có thể ghi lại vài dòng cảm nhận về Thị xã Thái Nguyên trong những ngày “tổng di chuyển”, những ngày đầu kháng chiến toàn quốc. Cuốn sổ đã cho những thế hệ hôm nay biết thêm nhiều điều thú vị, bất ngờ về Thủ đô gió ngàn – một đô thị tự phá hủy để kháng chiến kiến quốc.
![]() |
Một trang giấy viết tay của đồng chí Trường Chinh được tác giả sưu tầm |
65 năm đã qua, nhưng những dòng chữ viết trong đó thì vẫn chưa phai mờ. Đó là những cán bộ, chiến sỹ, văn nghệ sỹ từ khắp mọi vùng miền có dịp qua Thái Nguyên và dừng chân ghé lại. Và trang viết nào cũng ngập tràn cảm xúc về một Thái Nguyên trong chiến tranh, hoang tàn, đổ nát, mà vẫn rất đỗi gần gũi và ấm áp tình quân dân. Hãy đọc những dòng chữ này: “Tôi có được đi qua Thái Nguyên ba lần: Lần đầu tiên vào hồi Pháp thuộc với nhà cửa đồ sộ của nó. Dân chúng chắc ít người có thể tưởng đến ngày chiến tranh. Lần thứ hai tôi đến nhằm hôm trời nắng: Một đám người đương hì hụi phá nhà; Một tràng tiếng hoan hô giữa những tiếng cười, ai ai cũng sung sướng triệt để phá hoại. Một câu nói của một đồng chí làm tôi nhớ mãi: “Các anh em ơi! Cố lên, ngoài mặt trận các đồng chí đương hy sinh giết giặc, ở hậu phương ta cũng phải cố sức. Mỗi người một công việc. Ta nhất định sẽ thắng”… Lần thứ ba tôi đến sau tết độc lập 1947: đâu đâu cũng là đống gạch, không còn thấy một nhà gác nào nữa. Nhưng sự thấy làm cho chúng tôi tin chắc ở đồng bào ta, ở sự hy sinh của người Việt và chắc chắn phần thắng cuối cùng trong cuộc chiến tranh này sẽ về ta” - (Trích cảm tưởng của Bác sỹ quân y Nguyễn Ngọc Huy). Và còn nhiều, rất nhiều những trang viết khác với những cảm xúc về không khí kháng chiến, tiêu thổ kháng chiến tại Thái Nguyên và niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng của nhân dân ta.
![]() |
Trang ghi cảm tưởng của Bác sỹ quân y Nguyễn Ngọc Huy |
Đến giữa năm 1947, công tác phá hoại căn bản hoàn thành. Khung cảnh lúc đó và những gì đã diễn ra trên mảnh đất Thái Nguyên khiến cho một vị thuyết khách phương Tây cũng phải bất ngờ và trở nên hoài nghi vào những gì mình vẫn nghe về cuộc chiến tranh mà những người đồng hương của ông ta đang thực hiện tại Việt Nam, và hoài nghi cả những điều mà ông ta với cương vị là Cố vấn cao ủy Pháp tại Đông Dương sẽ trao đổi với người đứng đầu Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa trong cuộc hội kiến tại Thị xã Thái Nguyên vào một buổi tối tháng 5/1947. Cuộc gặp gỡ vào khoảng 22h ngày 11/5/1947 giữa Pôn Muýt và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã diễn ra không như mong đợi của cá nhân ông và cả thế lực mà ông ta đại diện. Dẫu vậy, lại có những điều khiến Pôn Muýt suy ngẫm. Một thị xã tự phá hủy, một căn phòng tiếp đón không nguyên vẹn nhưng vẫn rất khả quan, một nhà lãnh đạo bình dị, gần gũi nhưng cũng rất thông tuệ và cương quyết… Sau này, Pôn Muýt đã không ngại ngần bày tỏ sự khâm phục của mình: “Tôi vừa sửng sốt, vừa khâm phục… Những người dân đã tự tay phá sập nhà mình. Khó có sức mạnh nào khuất phục nổi một dân tộc có tinh thần hy sinh như vậy”.
Vào thời điểm cuối năm 1946, tổng số quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương lên tới khoảng 90.000 quân, là lực lượng vừa chiến thắng trong chiến tranh thế giới thứ II, lại được trang bị những vũ khí hiện đại nhất của phương Tây. So với ta là một khoảng cách mang tính thời đại. Trong tình thế đó, chỉ có thực hiện “vũ trang toàn dân”, “phối hợp sự chiến đấu của bộ đội và sự chiến đấu của dân quân và toàn dân” thì mới làm cho giặc bị tê liệt, bị vây hãm, bị khốn cùng về cả mọi mặt. Đó chính là phương thức của một loại hình chiến tranh mới: Chiến tranh nhân dân!
Trong thời kỳ chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền (1939 – 1945), Thái Nguyên đã xây dựng được lực lượng tự vệ khá mạnh. Các huyện trong tỉnh đều thành lập được các đơn vị tự vệ tập trung. Từ năm 1946, việc phát triển lực lượng du kích để làm nhiệm vụ bảo vệ chính quyền và chuẩn bị kháng chiến được đặc biệt quan tâm. Các đội du kích Phổ Yên, Phú Bình, Đồng Hỷ, Đại Từ được trang bị tương đối tốt, có tổ chức chỉ huy chặt chẽ. Việc tham gia xây dựng, củng cố lực lượng dân quân, du kích địa phương cũng thường xuyên được quan tâm, thực hiện tuần tra cánh gác, phối hợp tác chiến với bộ đội chủ lực. Chỉ tính riêng trong 2 năm từ 1948 đến 1949, lực lượng dân quân, du kích Thái Nguyên đã phát triển từ 20 nghìn người lên đến trên 27 nghìn người, bảo vệ vững chắc căn cứ địa và chiến đấu tiêu diệt quân thù. Thái Nguyên cũng đã đóng góp sức người sức của, xây dựng Trung đoàn độc lập 22 (Thái Nguyên – Phúc Yên) thuộc Chiến khu I. Ngày 15/4/1947, Ban chỉ huy Tỉnh đội bộ dân quân được thành lập, là cơ quan tham mưu, phụ trách về quân sự địa phương, củng cố, phát triển lực lượng vũ trang, xây dựng kế hoạch tác chiến, sẵn sàng đập tan mọi mưu mô và hành động quân sự của địch.
Chiến tranh du kích Thái Nguyên đã gây cho quân Pháp không ít khiếp đảm. Trong Chiến dịch Việt Bắc thu đông 1947, trực tiếp đương đầu với cuộc hành binh Xanh tuya của địch, quân dân Thái Nguyên đã cùng các đơn vị bộ đội chủ lực đánh 123 trận lớn nhỏ, tiêu diệt gần 500 tên địch, làm bị thương hơn 100 tên khác, riêng "du kích Thái Nguyên đã độc lập chiến đấu 68 trận, tiêu diệt 96 tên Pháp (...), phối hợp với bộ đội chủ lực đánh 21 trận, tiêu diệt 80 tên...”. Tháng 9/1950, địch thực hiện cuộc hành quân Phoque đánh lên Thái Nguyên nhằm cứu nguy cho mặt trận biên giới Cao - Lạng, quân và dân Thái Nguyên đã chiến đấu “trên 60 trận lớn nhỏ, tiêu diệt gần 600 tên địch, làm bị thương hơn 350 tên khác, bắn rơi 1 máy bay, phá hủy 3 ca nô..."
Tận mắt chứng kiến sự đổi thay trên quê hương gió ngàn, tận mắt chứng kiến sự phát triển năng động của thành phố Thái Nguyên hôm nay, ít ai có thể tin rằng thành phố này được xây dựng lại trên đống đổ nát "tiêu thổ kháng chiến" cách đây 65 năm. Trên mảnh đất này, không chỉ có 1 thủ đô kháng chiến, mà còn có cả 1 thế trận lòng dân, sẵn sàng hy sinh vì kháng chiến. Với việc thực hiện tiêu thổ kháng chiến và chiến tranh du kích, quân - dân Thái Nguyên đã góp phần quan trọng đánh thắng 2 cuộc tấn công của giặc lên ATK, bảo vệ tuyệt đối an toàn Trung tâm căn cứ địa, góp phần làm nên Thảm họa Đông Dương cho quân đội viễn chinh Pháp.
Tố Hương
Tin mới hơn


TP Phổ Yên: Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ 4 tháng đầu năm 2025

Cụ thể hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Thái Nguyên tiếp tục là 1 trong 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước

Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ 51, khóa XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025
Tin bài khác

Thái Nguyên: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ môi trường

Gỡ khó cho các đơn vị khai thác vật liệu xây dựng

Sớm đưa vào sử dụng đường Bắc Sơn kéo dài

Khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV

Hội nghị Ban Thường vụ Đảng ủy các cơ quan Đảng tỉnh lần thứ 4, nhiệm kỳ 2020-2025
Đọc nhiều

Cách dịch biển số xe xấu-đẹp tại Việt Nam

Tự soi mình theo Nghị quyết Trung ương 4 để liên hệ, kiểm điểm, khắc phục
![[Megastory] Phát hiện 11 ca nhiễm COVID-19, Thái Nguyên nâng cao các giải pháp ứng phó](https://thainguyentv.vn/stores/news_dataimages/phanletung/112021/02/10/medium/2612_d49d1cca37d4ff8aa6c5.jpg?rt=20211102102614?211102104719)
[Megastory] Phát hiện 11 ca nhiễm COVID-19, Thái Nguyên nâng cao các giải pháp ứng phó

Khu cách ly tập trung đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sẵn sàng hoạt động

Thái Nguyên: 99 ca nghi nhiễm Covid-19, ghi nhận 57 ca mắc Covid-19 (ngày 30/11)
Multimedia
![[Photo] Ấn tượng Khai mạc mùa du lịch Thái Nguyên năm 2025](https://thainguyentv.vn/stores/news_dataimages/2025/042025/27/22/croped/medium/z6545516939579-2461e58882e9442779047235bbba6dd120250427222134.webp?rt=202505071825?250427104257)
[Photo] Ấn tượng Khai mạc mùa du lịch Thái Nguyên năm 2025

"Sau giờ tan ca" - Gắn kết đồng nghiệp, lan tỏa năng lượng tích cực

Khai mạc Giải Đua thuyền truyền thống và Giải Ván chèo đứng Quốc gia năm 2025
![[Photo] Thái Nguyên rực rỡ cờ hoa mừng đại lễ 30/4](https://thainguyentv.vn/stores/news_dataimages/2025/042025/24/16/croped/medium/dji-010720250424163045.webp?rt=202505071825?250424110816)