Tiếp tục triển khai hoạt động dạy nghề, tạo việc làm cho vùng dân tộc miền núi
Sau 3 tháng học nghề may công nghiệp, từ đầu năm 2023, chị Phan Thị Thu, dân tộc Nùng, ở xã Phú Cường, huyện Đại Từ được nhận vào làm việc ngay tại một nhà máy ở địa phương. Được biết, lớp May công nghiệp trên được Trung tâm giáo dục thường xuyên và Giáo dục nghề nghiệp huyện Đại Từ tổ chức vào tháng 9/2022 từ nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc miền núi. Từ lớp học may này, 18 chị em người dân tộc thiểu số đã có việc làm, với mức thu nhập ổn định.
Lớp May công nghiệp do Trung tâm giáo dục thường xuyên và Giáo dục nghề nghiệp huyện Đại Từ tổ chức |
Chị Phan Thị Thu, Công nhân Nhà máy May TDT Đại Từ chia sẻ: “Qua lớp học tôi đã biết đến nghề may công nghiệp, hiện tại tôi đã được nhận vào làm tại Nhà máy may TDT huyện Đại Từ, với thu nhập khá ổn định”.
Cũng từ lớp dạy nghề theo chương trình mục tiêu quốc gia này, bà Hoàng Thị Thanh ở xóm Đồng Mây, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ đã nắm được các kiến thức, biện pháp khoa học kỹ thuật nuôi gà. Từ chỗ chỉ nuôi nhỏ lẻ, chủ yếu tự cung tự cấp, trong thời gian qua, bà Thanh còn xuất bán nhiều lứa gà thịt, đem lại nguồn thu nhập không nhỏ cho gia đình.
Bà Hoàng Thị Thanh, xóm Đồng Mây, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ cho biết: “Lúc đầu tôi nuôi ít, gà hay bị chết… sau khi được tập huấn, bây giờ tôi đã mạnh dạn nuôi 200 con. Tôi mong muốn tiếp tục được tập huấn, được học hỏi nhiều hơn, để có thể nuôi đến 1-2000 con”.
Lớp chế biến chè do Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp huyện Đồng Hỷ tổ chức năm 2022 |
Hoạt động đào tạo nghề là một trong những nội dung thành phần trong tổng thể chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc miền núi giai đoạn 1, từ năm 2021- 2025. Năm 2023, tỉnh Thái Nguyên giao trên 26,8 tỷ đồng vốn chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc miền núi cho ngành lao động để thực hiện các nội dung giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ giải quyết việc làm đối với vùng dân tộc miền núi.
Ông Hà Huy Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp huyện Đồng Hỷ: “Năm nay chúng tôi dự kiến tổ chức đào tạo cho bà con về kỹ thuật chế biến thức ăn; trồng chè, chế biến chè đen, chè xanh; nuôi và phòng trừ bệnh cho gà…”.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp huyện Đại Từ: “Trong thời gian tới Trung tâm tiếp tục phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn huyện để tuyển sinh đào tạo và tạo đầu ra cho người lao động có việc làm ổn định”.
Có thể nhận thấy, dù là nghề phi nông nghiệp hay nông nghiệp, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo nghề, đã giúp các học viên vận dụng kiến thức được học, áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi tại gia đình hoặc tham gia làm việc tại doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đây là giải pháp căn bản để các địa phương thực hiện mục tiêu ổn định và nâng cao đời sống của đồng bào DTTS, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền./.