Thực phẩm Tết: Muôn nẻo tuồn hàng lậu
Tết Nguyên đán là dịp nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân tăng cao. Trong “cơn bão” thịt chứa chất cấm, rau tắm thuốc sâu sản xuất trong nước thì những loại thực phẩm nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ còn phong phú hơn về chủng loại, đa dạng hơn về mức độ nguy hại đến sức khỏe.
Thực phẩm thẩm lậu dịp Tết vô cùng phong phú, tập trung vào một số mặt hàng như bánh kẹo mứt, hoa quả, hải sản tươi sống. |
Các loại bánh, kẹo, mứt, nước ngọt màu sắc bắt mắt. Các món nhậu khoái khẩu lòng lợn, chân gà. Những nồi lẩu hấp dẫn, giò chả thơm ngon nhờ phụ gia, măng nấm tẩm ướp lâu hỏng. Đó đều là những thực phẩm người tiêu dùng thấy và ăn hàng ngày mà không hề biết nguồn gốc xuất xứ.
Nếu như thực phẩm đã chế biến trong nhiều quán ăn nhà hàng “khuất mắt” thực khách thì các loại thực phẩm đóng gói, đồ khô, phụ gia bảo quản, chống ôi thiu lại rất dễ dàng tìm mua tại nhiều chợ dân sinh, từ Hà Nội cho đến các tỉnh lân cận. Không nhãn mác, không hạn sử dụng, câu trả lời chung của người bán là nhập từ Trung Quốc.
Càng đến gần Tết, càng không thể thống kê có bao nhiêu thực phẩm bẩn nhập lậu như vậy trôi nổi trên thị trường, xâm nhập vào bàn ăn, đến dạ dày người tiêu dùng. Ngược đường đi của thực phẩm lậu theo tuyến Hà Nội - Hưng Yên - Hải Dương, chúng tôi tới biên giới Quảng Ninh, đây được coi là 1 trong những địa bàn trọng điểm với nhiều cửa khẩu Móng Cái, Hoành Mô, Bắc Phong Sinh, các điểm thông quan như Lục Lầm, Ka Long, Bắc Luân và hàng chục điểm mở lớn nhỏ trên biên giới.
Tại TP Móng Cái, dạo qua các chợ giáp biên như chợ 3, Asean,… không khó bắt gặp các loại thực phẩm đóng gói mang nhãn Trung Quốc tràn ngập: xúc xích, cá viên, bánh khoai môn, củ cải muối, thạch xanh đỏ...
Theo nhiều người dân địa phương, thực phẩm tươi sống như thịt bò, cá, rau củ “hàng Tàu” cũng không thiếu: “Người đi chợ quen, nhìn là biết ngay cá nào Trung Quốc, cá nào Việt Nam. Cũng có nhiều người mua nhưng nhà tôi thì chỉ mua cá Việt Nam, chính dân Trung Quốc quen biết phát ngôn ra là cá cho ăn hóa chất gì đấy, không tốt đâu”.
Những thực phẩm đóng gói như xúc xích, bánh khoai môn, củ cải muối toàn chữ Trung Quốc rất dễ tìm mua tại nhiều chợ vùng biên Móng Cái. |
Tuy vậy, đó cũng chỉ là số hàng nhỏ lẻ được “xách” về nhờ lợi dụng chính sách cư dân biên giới. Còn phần lớn thực phẩm lậu cung cấp cho nội địa lại được “tuồn” qua biên bằng các đường mòn lối mở, thậm chí “ngụy trang” để đi đường chính ngạch. Theo tiết lộ của một cửu vạn chuyên “chạy” hàng thuê cho các đầu nậu với chúng tôi, tại đường mòn lối mở dọc các bãi cạn trên sông Ka Long, hàng đêm có hàng chục cửu vạn đón hàng từ đò lên, chất lên xe máy hoặc xe tải loại nhỏ“chạy như bay” từ biên về các điểm tập kết: “Khi nào có hàng ở Trung Quốc chuyển về thì đợi ở biên, lúc ở chỗ này lúc ở chỗ kia, tùy theo thời điểm, bốc lên đường chất lên xe luôn, đến điểm nào nó (đầu nậu) bảo”.
Một đầu nậu khẳng định, “hàng” có đủ loại, từ cá trắm giòn, cá quả cá chuối cho tới ếch, baba, chim bồ câu,… chứa trong các thùng xốp đông lạnh. Đầy kho và chờ thời cơ thích hợp, số hàng này lại tiếp tục được chuyển vào nội địa: “60-70 thùng xốp 1 ngày đấy, một xốp khoảng 40-50 cân. Từ kho chạy tiếp về Hòn Gai, Cẩm Phả”.
Không ít các đường dây thực phẩm lậu đã hình thành, như hồi năm 2015 nổi lên gà loại thải, gà trọc ồ ạt tuồn vào. Sau đó là các loại cá, ếch được “chuốc thuốc” để vẫn tươi rói sau nhiều ngày vận chuyển. Đầu mối tiêu thụ là rất nhiều nhà hàng quán ăn ở Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương với lượng cực lớn.
Thực phẩm lậu được vận chuyển tinh vi không kém các loại hàng lậu khác, thậm chí hình thành nên các đường dây ồ ạt thời gian dài. |
Cảnh sát môi trường Quảng Ninh cho biết, việc ngăn chặn thực phẩm lậu gặp không ít khó khăn bởi lực lượng chức năng càng tăng cường kiểm soát thì thủ đoạn của các đối tượng càng tinh vi hơn. Thực phẩm lậu được chở theo xe khách giường nằm, xe tải thùng kín chạy tuyến Móng Cái vào tất cả các tỉnh nội địa, thậm chí cũng gia cố các loại hầm vách thủy lực điện tử không thể mở được từ bên ngoài. Nhiều vụ chỉ được phát hiện, bắt giữ khi các đối tượng đang vận chuyển hoặc bày bán sâu trong nội địa. Đại úy Bùi Trung Kiên, Phó đội trưởng đội 4, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Các đối tượng chủ đầu nậu thường đưa hàng hóa nhập từ Trung Quốc vào nội địa Việt Nam bằng các phương thức thủ đoạn là chia nhỏ xé lẻ, gửi các phương tiện xe khách xe tải thùng kín, hoạt động chính diễn ra vào ban đêm, gây khó khăn cho sự kiểm soát của các lực lượng chức năng”.
Chỉ cần nhìn vào số vụ bị bắt giữ và xử lý trên địa bàn Quảng Ninh thời gian qua đã thấy được mức độ xâm nhập ồ ạt của thực phẩm bẩn nhập lậu. Năm 2016, riêng cơ quan Quản lý thị trường Quảng Ninh đã phát hiện, xử lý gần 700 vụ vi phạm về ATTP, trong đó có gần 200 vụ nhập lậu thực phẩm, hơn 240 vụ thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đợt cao điểm chống buôn lậu cuối năm từ ngày 17/11/2016 đến nay, Công an Quảng Ninh bắt gần 20 vụ, QLTT bắt hơn 50 vụ vi phạm ATTP trong đó có hơn 30 vụ nhập lậu, phạt hơn 100 triệu, tiêu hủy hơn hơn 230 triệu. Hàng chục tấn bánh kẹo hoa quả, bột sắn, hải sản, hàng tạ củ cải, mù tạt,… trong số đó nhiều thùng tôm cá bốc mùi hôi thối dù đã cấp đông.
Đơn cử, chỉ trong ngày 10/1 vừa qua, QLTT Quảng Ninh đã bắt 5 vụ thực phẩm lậu tại khắp các huyện thị từ tuyến biên giới vào nội địa, tiêu hủy hàng tấn sò lông, hơn 4 tạ xúc xích, chả mực, khoai môn, nho khô, 5 tạ lê, táo, gần 300 hộp mứt quá hạn sử dụng,…
Có thể thấy, mặc dù có sự “giăng mắc” của rất nhiều lực lượng chức năng, từ Hải quan, Biên phòng trên biên giới, Công an, QLTT ở nội địa, nhưng trên thực tế, có không ít thực phẩm bẩn vẫn “lọt lưới”, vào các cơ sở chế biến, đi lòng vòng để rồi “phù phép” thành món ngon bán cho người tiêu dùng. Bài toán chặn đứng thực phẩm bẩn ngay từ cửa ngõ vẫn đang khiến các ngành chức năng đau đầu./.