Thái Nguyên quan tâm bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống vùng dân tộc thiểu số
CLB giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ trong 1 buổi luyện tập |
Được thành lập từ đầu năm 2021, đến nay, câu lạc bộ Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ đã có 300 hội viên. Tham gia luyện tập, trình diễn các tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc là niềm vui cũng như sự tự hào về truyền thống dân tộc của những bà con người Dao ở đây. Câu lạc bộ là một điểm sáng trong hoạt động bảo tồn văn hóa người Dao ở cơ sở.
Ngoài hỗ trợ phát triển kinh tế của mỗi gia đình, câu lạc bộ còn là nơi tập hợp và tuyên truyền cho người Dao hiểu về giá trị, lợi ích của việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết, các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, các hoạt động tín ngưỡng, phong tục, tập quán, các nghi lễ truyền thống đúng bản sắc, cùng nhau thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa. Được biết, thành viên câu lạc bộ cũng có những hạt nhân văn hóa văn nghệ được lựa chọn tham gia trình diễn tại ngày hội văn hóa người Dao toàn quốc lần thứ nhất năm 2017 diễn ra tại tỉnh Tuyên Quang và đang tiếp tục luyện tập để tham dự ngày hội lần thứ 2 dự kiến tổ chức tại tỉnh Thái Nguyên vào năm 2022.
Chị Dương Thị Thảo, Câu lạc bộ Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ chia sẻ suy nghĩ: “Chúng tôi ở đây thường tập với nhau những điệu múa như múa chuông, múa ngày mùa. Hát dân ca, hát tiếng dân tộc ca ngợi về người Dao cùng nhau phát triển sản xuất. Khi đi nương, khi ra vườn chúng tôi cùng nhau”.
Ông Triệu Văn Phương, Chủ nhiệm câu lạc bộ Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ thông tin: “Trong Ban chủ nhiệm câu lạc bộ có 12 người, có mặt ở 9 xóm. Khi cần tập thì chỉ cần thông tin đến các thành viên phụ trách thì bà con sẽ có mặt đầy đủ tham gia hoạt động của câu lạc bộ tích cực”.
Cũng như cộng đồng người Dao ở xã Hợp Tiến, cộng đồng dân tộc Sán Dìu trên địa bàn tỉnh trong những năm qua cũng đã thành lập nhiều câu lạc bộ bảo tồn văn hóa, đặc biệt là bảo tồn làn điệu Soọng Cô và các nghi lễ tín ngưỡng. Đến nay, người Sán Dìu ở Thái Nguyên đã có 2 di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia là nghi lễ cấp sắc Đại Phan và dân ca Soọng Cô.
Một buổi tập hát dân ca Soọng Cô của người Sán Dìu ở Thái Nguyên |
Theo số liệu thống kê đợt tổng điều tra dân số năm 2019, dân tộc Sán Dìu ở Thái Nguyên có khoảng 5 vạn người, sinh sống tập trung thành cộng đồng ở các huyện Đồng Hỷ, Phú Bình, Đại Từ, Phú Lương, thị xã Phổ Yên, thành phố Thái Nguyên. Số lượng người dân tộc Sán Dìu ở Thái Nguyên đông nhất so với các tỉnh thành trong cả nước, chiếm khoảng 30%. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời kỳ hội nhập, nhiều giá trị văn hóa bị mai một, nhất là về ngôn ngữ, trang phục, phong tục tập quán, đặc biệt là trong thế hệ trẻ dân tộc Sán Dìu.
Để tăng cường và thống nhất các hoạt động bảo tồn, sau một thời gian dài chuẩn bị, được sự cho phép của UBND tỉnh Thái Nguyên, tháng 10 vừa qua, những nghệ nhân và bà con Sán Dìu đã tổ chức đại hội thành lập Hội bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Sán Dìu tỉnh Thái Nguyên. Tổ chức hội là tập hợp những người có kiến thức về văn hóa dân tộc, nhiệt tình tham gia hoạt động bảo tồn.
Nghệ nhân ưu tú Diệp Minh Tài, xóm Tam Thái, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ cho biết về hoạt động bảo tồn ở địa phương mình: “Ngoài tập luyện các làn điệu và sưu tầm các tài liệu Soọng Cô thì chúng tôi sưu tầm tất cả tài liệu liên quan đến dân tộc mình”.
Ông Trần Bình Dưỡng, Chủ tịch Hội bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Sán Dìu tỉnh Thái Nguyên cho biết tổng quát: “Để bảo tồn tiếng nói của mình là quan trọng hàng đầu. Kết hợp với đó chúng tôi tổ chức các lớp dạy cho các cháu thiếu niên, giao lưu nội bộ, giao lưu với tỉnh bạn. Như vậy, tiếng nói, làn điệu của dân tộc được bảo tồn”.
Cùng với các hoạt động bảo tồn ngay trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, trong thời gian qua, các cấp ngành tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều đề án, chương trình nhằm hỗ trợ khôi phục các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời tôn vinh các hạt nhân, nghệ nhân đồng bào dân tộc thiểu số, có nhiều đóng góp cho hoạt động bảo tồn. Tiêu biểu trong số các giải pháp này là hoạt động xây dựng mô hình, mẫu hình làng bản văn hóa ở cơ sở.
Theo đó, từ năm 2010 đến nay, Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên đã liên tục tổ chức các mô hình này, trong đó tập trung hỗ trợ khôi phục những làn điệu dân ca, dân vũ, các phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Riêng năm 2021, Trung tâm thực hiện 5 mô hình ở các xóm bản có đông đồng bào Tày, Nùng, đồng bào Dao sinh sống.
Chị Triệu Thị Thủy, xóm Đồng Muốn, xã Phúc Thuận, thị xã Phổ Yên nhận xét: “Tôi được tham gia lớp tập huấn thấy rất phong phú và đặc sắc”.
Ông Triệu Văn Hiền, xóm Lau Sau, xã La Bằng, huyện Đại Từ cho rằng: “Nhà nước đã hỗ trợ để tổ chức thực hiện những mô hình như thế này là chúng tôi rất vui mừng và thấy là bản thân phải học hỏi nhiều hơn nữa”.
Ông Nguyễn Anh Khôi, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Thuận, thị xã Phổ Yên cho biết: “Chính quyền, nhân dân Phúc Thuận và đặc biệt là đồng bào dân tộc Dao rất phấn khởi và hưởng ứng. Đến nay, chúng tôi đã hoàn thiện mô hình”.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: “Vào đến xóm, bà con đều rất yêu quý mô hình. Chúng tôi là những người đi xây dựng phong trào, chỉ cộng tác với bà con. Chủ yếu là bà con ở đây duy trì niềm đam mê, yêu thích rất đáng quý”.
Cùng với xây dựng mô hình văn hóa, đến nay, ngành văn hóa Thái Nguyên đã kiểm kê, lập danh mục lập danh mục theo quy định pháp luật được 550 di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, có 17 di sản tiêu biểu, đặc sắc đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đặc biệt, thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, trong đó có Thái Nguyên đã được UNESCO ghi danh tại danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại năm 2019.
Giai đoạn 2021 – 2025 , tỉnh Thái Nguyên tiếp tục triển khai Đề án “Hỗ trợ hoạt động quản lý, đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh”. Việc triển khai Đề án sẽ góp phần đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả Nghị quyết 33 về xây dựng và phát triển văn hóa. Điều đó sẽ góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng dân tộc thiểu số so với bình quân chung của cả nước.
Thái Nguyên đang tập trung phục dựng các phong tục, lễ hội truyền thống thành lập nhiều CLB trình diễn văn hóa dân gian |
Ông Nguyễn Minh Tú, Chủ tịch UBND huyện Định Hóa khẳng định: “Đợt tới chúng tôi tiếp tục hỗ trợ người dân cải tạo lại nhà cải tạo khu vệ sinh; tập huấn nhóm cộng đồng nấu nướng các món ăn truyền thống hay trang phục, đạo cụ, đội văn nghệ để phục vụ theo cộng đồng".
Bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: "Trong lĩnh vực du lịch, chúng tôi sẽ gắn kết chặt chẽ giữa việc phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của tỉnh Thái Nguyên như các di sản văn hóa phi vật thể, các hệ thống di tích lịch sử, danh thắng trên địa bàn để gắn với phát triển du lịch bền vững".
Ông Hoàng Văn Chính, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi đề nghị đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh sẽ hết sức quan tâm chú trọng đến việc bảo tồn văn hóa nói chung và văn hóa phi vật thể nói riêng của dân tộc mình”.
Di sản văn hóa các dân tộc của Thái Nguyên rất phong phú, đa dạng và mang đậm bản sắc vùng miền. Thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá phi vật thể là một trong những nhiệm vụ được các cấp ngành, nhất là ngành văn hóa của tỉnh quan tâm thực hiện tốt, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh. Tuy nhiên, di sản văn hóa phi vật thể liên quan trực tiếp đến con người cụ thể.
Khi cộng đồng thay đổi, quy định tập quán, phương thức sống của từng địa phương thay đổi thì di sản văn hóa phi vật thể cũng thay đổi theo. Do vậy, việc tích cực triển khai nhiều hoạt động văn hóa trong cộng đồng dân cư. Nhất là phục dựng các phong tục, lễ hội truyền thống; thành lập nhiều câu lạc bộ để luyện tập, giao lưu và trình diễn văn hóa dân gian; tổ chức nhiều lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ, tôn vinh nghệ nhân, những “báu vật sống” lưu giữ di sản văn hóa là giải pháp cần được tiếp tục quan tâm. Điều quan trọng hơn là các hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức phải đẩy mạnh để người dân cảm thấy tự hào, gắn bó và tiếp tục duy trì, phát triển các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng, dân tộc mình như một nhu cầu tự thân.