Số người thanh toán bảo hiểm xã hội một lần gia tăng ở Thái Nguyên
Theo lãnh đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Nguyên, tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần gia tăng có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có yếu tố liên quan đến quy định về chính sách, pháp luật và thủ tục hành chính như: Hồ sơ, thủ tục thanh toán đơn giản, dễ dàng, mức hưởng cao; thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu dài.
Đa số người lao động trẻ nghĩ đến quyền lợi trước mắt mà chưa lo cho tương lai khi hết tuổi lao động. Đặc biệt là trong giai đoạn 2022-2023 kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp ở các ngành nghề sử dụng nhiều lao động như du lịch, khách sạn, vận tải, giáo dục, may mặc... hoạt động cầm chừng nên người lao động thiếu việc làm, thu nhập giảm, mất việc làm không có cơ hội tái tham gia thị trường lao động là nguyên nhân làm gia tăng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần để trang trải cuộc sống trước mắt.
Anh Dương Văn Thao, ở xã Kha Sơn, huyện Phú Bình (Thái Nguyên) vừa rút bảo hiểm xã hội một lần, tâm sự: "Do áp lực về tài chính khi bắt đầu tự lập, tiếp tục đầu tư học tập nâng cao trình độ nghề, lập gia đình, nuôi con nhỏ... và sự thay đổi, gián đoạn trong công việc nên tôi đã rút bảo hiểm xã hội một lần dù rất trăn trở”.
Phân tích của Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Nguyên cho thấy, số lượng người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần từ đầu năm 2022 đến nay chủ yếu tập trung ở nhóm tuổi từ hơn 20 đến 40 tuổi. Việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần trên địa bàn thời gian tới vẫn có thể tiếp tục gia tăng. Bởi ở độ tuổi từ hơn 20 đến 40, nhiều lao động quan tâm đến nhu cầu trước mắt hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già.
Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Nguyên Lò Thị Hoán cho biết: “Để hạn chế tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần, chúng tôi đã và đang triển khai nhiều giải pháp như tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành liên quan để đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội qua các phương tiện truyền thông, các trang thông tin của tỉnh và ngay tại bộ phận một cửa của Bảo hiểm xã hội từ tỉnh đến huyện, thành phố”.
Bảo hiểm xã hội tỉnh và Bưu điện tỉnh Thái Nguyên ra quân tuyên truyền Bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bảo hiểm xã hội hộ gia đình. |
Bảo hiểm xã hội tỉnh cử cán bộ tư vấn và tuyên truyền cho người lao động khi đến thanh toán bảo hiểm xã hội một lần để người lao động nhận thức rõ hơn về ý nghĩa của chính sách, tuyên truyền những thiệt thòi khi người lao động nhận chế độ bảo hiểm xã hội một lần như: Nếu nhận bảo hiểm xã hội một lần, sau này tham gia lại bảo hiểm xã hội sẽ không được cộng nối thời gian đóng bảo hiểm xã hội; số tiền bảo hiểm xã hội nhận được ít hơn nhiều so với số tiền đóng; mất cơ hội hưởng lương hưu khi về già, cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí khi hưởng lương hưu; người thân không được nhận trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất hằng tháng.
Đồng thời Bảo hiểm xã hội tỉnh tăng cường sự liên kết giữa các chính sách bảo hiểm xã hội, chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng hỗ trợ người lao động duy trì việc làm, sớm đưa người thất nghiệp trở lại thị trường lao động; tổ chức các hội nghị tại xóm, tổ dân phố, xã, phường để tuyên truyền, vận động người đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Thời gian vừa qua, Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Nguyên cũng tích cực tham gia đóng góp ý kiến với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, hoàn thiện các chế độ chính sách bảo hiểm xã hội, trong đó xem xét sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu ở mức tối thiểu từ 20 năm như hiện nay xuống còn 15 năm, thậm chí là 10 năm.
Qua đó sẽ góp phần tăng mức độ hấp dẫn của chính sách bảo hiểm xã hội, trong đó có bảo hiểm xã hội tự nguyện, giúp người lao động dễ dàng đạt được điều kiện để hưởng lương hưu, hạn chế nhận bảo hiểm xã hội một lần; tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách bảo hiểm xã hội.
Bên cạnh đó Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Nguyên phối hợp với sở, ngành chức năng thực hiện tốt công tác giải quyết trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề kịp thời cho người lao động mất việc làm, kết nối cung-cầu để lao động tái tham gia làm việc nhằm tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội, góp phần bảo đảm an sinh xã hội bền vững cho người lao động./.