Siết chặt công tác quản lý tránh “hậu quả” trong mùa lễ hội năm 2019
"Hội nghị Triển khai công tác Ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội 2019" diễn ra chiều 9/1 tại Hà Nội với sự tham gia của ông Ngô Văn Qúy - Phó Chủ tịch UBND Hà Nội cùng các khách mời, chủ yếu đề cập đến vấn đề tổ chức và quản lý lễ hội, đưa ra các giải pháp hạn chế tình trạng tranh cướp lộc trong ngày khai hội, xô xát nhau dẫn đến thương tích, chặt chém, lừa đảo.
Toàn cảnh hội nghị Triển khai công tác Ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội 2019 |
Công tác tổ chức và quản lý hoạt động lễ hội năm 2018 có nhiều chuyển biến tích cực.
Năm 2018 vừa qua, Sở VHTT đã tăng cường công tác tổ chức và quản lý hoạt động lễ hội trên địa bàn Thành phố, tổ chức tham gia các hoạt động văn hóa tại Lễ Giỗ tổ Hùng Vương – Lễ hội đền Hùng năm Mậu Tuất 2018; phối hợp UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức Lễ hội kỷ niệm 590 năm Vua Lê Thái Tổ đăng quang; tham mưu, báo cáo UBND Thành phố về việc tổ chức các hoạt động, sự kiện thường niên tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa.
Mùa lễ hội 2018, Thành phố Hà Nội không còn những điểm nóng, hình ảnh phản cảm trong lễ hội của những năm trước: Cướp lộc tại Lễ hội đền Sóc; lộn xộn, tranh giành khi phát lộc tại Lễ hội Chùa Hương...
Có thể nói, công tác tổ chức và quản lý lễ hội 2018 được tổ chức tốt, cơ bản khắc phục được những hạn chế, tồn tại của những năm trước. Hà Nội là địa phương được Bộ VHTTDL biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao về những chuyển biến, kết quả đạt được trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018.
Giải pháp ngăn chặn, loại bỏ những tiêu cực trong mùa lễ hội
Trong năm 2019, công tác tổ chức và quản lý hoạt động lễ hội được chuẩn bị kỹ lưỡng, triển khai chủ động ngay từ những tháng cuối năm 2018. Công tác hướng dẫn, đôn đốc, phối hợp giữa Sở VHTT với các Sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã triển khai kế hoạch tổ chức và quản lý lễ hội sẽ được thực hiện hiệu quả, đặc biệt trong việc: Tổ chức Hội nghị triển khai công tác quản lý lễ hội đến các quận, huyện, thị xã.
Lê hội cướp phết Hiền Quan tại Phú Thọ từng gây nhiều dư luận trái chiều (Ảnh: Tuổi trẻ thủ đô). |
Cùng với đó, việc tuyên truyền, kiểm tra trước - trong và sau thời gian diễn ra lễ hội, rà soát danh mục và quy trình tổ chức, nghỉ lễ trong lễ hội truyền thống nhằm phát hiện, ngăn chặn, kiên quyết loại bỏ những yếu tố gây phản cảm trong thực hành lễ hội cũng sẽ được triển khai tối đa.
Ngoài ra, công tác cấp phép tổ chức lễ hội sẽ được siết chặt. Những lễ hội phi truyền thống, lễ hội truyền thống cho doanh nghiệp đứng ra tổ chức sẽ không được cấp phép. Những lễ hội đã được tổ chức định kỳ mà nảy sinh vấn đề gây bức xúc trong dư luận sẽ được tham vấn ý kiến cộng đồng, chuyên gia để lựa chọn hình thức phù hợp với đời sống văn hóa và xu thế thời đại.
Bên cạnh đó, Sở VHTT Hà Nội sẽ có giải pháp chủ động, quyết liệt hơn để xóa bỏ những hành động phản cảm, tiêu cực như cướp lộc bạo lực, chen lấn xô đẩy, gây thương tích, đốt vàng mã quá nhiều.
Để đảm bảo một mùa lễ hội văn minh, an toàn đồng thời bảo tồn được giá trị truyền thống, bên cạnh những giải pháp mạnh của cơ quan quản lý văn hóa, điều quan trọng hơn cả là tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng nhân dân và khách thập phương, tạo tính bền vững trong tổ chức và quản lý lễ hội./.