Cán bộ y tế xã và nhân viên y tế thôn bản thường xuyên đến thăm hỏi tại các hộ gia đình.

Gia đình chị Nguyễn Thị Hà ở xóm Bản Trương là một trong số ít gia đình của xã Sảng Mộc, huyện Võ Nhai có trẻ bị suy dinh dưỡng. Chính vì vậy, cán bộ y tế xã và nhân viên y tế thôn bản thường xuyên đến thăm hỏi, động viên và hướng dẫn cách cho trẻ ăn bổ sung hợp lý.

Chị Nguyễn Thị Hà - Xóm Bản Trương, xã Sảng Mộc, Võ Nhai cho biết: "Em cũng được cán bộ y tế thường xuyên đến tuyên truyền cách ăn uống, đi tiêm đúng lịch như thế nào cho khỏe mạnh".

Với trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo còn trên 29%, vì vậy chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em được triển khai tại Sảng Mộc cũng có nhiều linh hoạt. Các buổi truyền thông dinh dưỡng tại hộ gia đình có trẻ bị suy dinh dưỡng được thực hiện thường xuyên, kết hợp với các chiến dịch cân đo, khám sàng lọc được tổ chức tại trạm y tế đã giúp phát hiện những trẻ bị suy dinh dưỡng và có nguy cơ bị suy dinh dưỡng, từ đó kịp thời có các biện pháp tư vấn, giáo dục dinh dưỡng cho các bà mẹ hoặc người nuôi dưỡng trẻ. Điều này đã góp phần giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trên địa bàn xã xuống còn 14 % thể nhẹ cân và 20% thể thấp còi.

Bác sĩ Nông Văn Ánh - Trưởng Trạm y tế Sảng mộc, Võ Nhai cho biết: "Công tác truyền thông đã làm thay đỏi nhận thức người dân, đặc biệt là đồng bào người dao, người Mông. Chúng tôi đã lồng ghép với chương trình tiêm chủng làm thực hành tô màu bát bột cho trẻ. Kết quả trong tháng 6 vừa rồi chúng tôi đã khám và đã đạt được chỉ tiêu đề ra là mỗi năm giảm 1% tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng".

Chỉ còn 5,8% trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và 5,4% trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi song phường Tân Lập, thành phố Thái Nguyên cũng như các khu vực thành thị khác lại phải đối mặt với tỷ lệ trẻ béo phì có xu hướng gia tăng. Đây cũng là một trong những khó khăn khi thực hiện công tác phòng chống suy dinh dưỡng trên địa bàn.

Y sỹ Trương Thị Mai Anh - Thư ký chương trình PC SDD phường Tân Lập, TP Thái Nguyên cho biết: "2 năm gần đây chúng tôi thấy số trẻ béo phì có tăng lên, chúng tôi cũng chú trọng đến chế độ dinh dưỡng của các trẻ thừa cân béo phì nhiều hơn, cho nên chúng tôi phải chú trọng về cách tuyên truyền nhiều hơn".

Bác sĩ Hoàng Thị Minh Toàn - Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thái Nguyên cho biết: "Chúng tôi tôi cũng sẽ tích cực tăng cường năng lực về chuyên môn chăm sóc sức khỏe sinh sản cũng như là chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em cho các cơ sở y tế tại các tuyến, nâng cao chuyên môn cho các cán bộ liên ngành tham gia về công tác dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em, vận động sự tham gia của các cấp ngành, đặc biệt với vai trò quan trọng tham gia của ngành giáo dục và Sở Nông Nghiệp hay vai trò của hội phụ nữ, Hội nông dân và Đoàn Thanh niên".

Có thể nhận thấy, với những hoạt động đã và đang triển khai, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân của tỉnh Thái Nguyên đến nay giảm còn 9,4% và tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm còn 13%. Trong thời gian tới Thái Nguyên sẽ hướng trọng tâm can thiệp ưu tiên cho những xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em trên địa bàn./.