Mỗi sáng kiến là tâm huyết, trách nhiệm

Thiếu tá Nguyễn Phương Trình, Phó chủ nhiệm Kỹ thuật của lữ đoàn giới thiệu với chúng tôi: “Khó khăn nhất trong công tác bảo đảm kỹ thuật của đơn vị là VKTBKT đã qua nhiều năm sử dụng, phụ tùng thay thế, sửa chữa khan hiếm, thời tiết khí hậu khắc nghiệt. Để bảo đảm hệ số kỹ thuật của VKTBKT, lữ đoàn đã thực hiện tốt chế độ quản lý, bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, tiến hành kiểm tra chặt chẽ tình trạng kỹ thuật vũ khí, phương tiện trước, trong và sau khi huấn luyện. Cán bộ, chiến sĩ lữ đoàn đã có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật giúp tiết kiệm cho đơn vị hàng trăm triệu đồng”.

Trước đây, công tác bảo quản, bảo dưỡng, thay thế các loại bộ lửa, ngòi nổ mới đạn pháo 76,2mm ở lữ đoàn còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả công việc chưa cao, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra mất an toàn. Trải qua quá trình thực nghiệm, Thượng úy QNCN Nguyễn Quốc Lập, Thủ kho quân khí Phòng Kỹ thuật của lữ đoàn đã sáng chế ra “Giá kiểm tra, bảo quản, bảo dưỡng, tháo lắp bộ lửa, ngòi nổ, đầu đạn pháo 76,2mm”. Sáng kiến đã góp phần giảm nhân công làm việc từ ba người xuống còn một người và tiết kiệm được thời gian, xăng dầu, công đi lại.

phat huy sang kien lam chu vu khi trang bi
Đội ngũ cán bộ Tiểu đoàn Tăng 8 kiểm tra, đôn đốc bộ đội thực hiện tốt “Ngày kỹ thuật”.
phat huy sang kien lam chu vu khi trang bi
Các thành viên kíp xe Tiểu đoàn Tăng 8, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 416 tham gia bảo quản, bảo dưỡng xe tăng PT-76 trong “Ngày kỹ thuật”.

Còn sáng kiến “Dụng cụ chuyên dùng tháo lắp xi-lanh đóng mở cửa phản lực xe thiết giáp lốp DM2” của Trung úy QNCN Nguyễn Văn Tiến, thuộc Đại đội Sửa chữa 11 đã giúp cho công việc sửa chữa, bảo quản dễ dàng, bảo đảm an toàn tuyệt đối, rút ngắn thời gian và không ảnh hưởng đến xi-lanh. Anh Tiến chia sẻ: “Là thợ trực tiếp sửa chữa, tôi nhận thấy khi muốn tháo hai ốc dầu của xi-lanh mở cửa phản lực xe DM2 rất khó khăn, phải dùng búa đục, dễ gây hư hỏng và mất an toàn. Qua quá trình nghiên cứu, được sự động viên của đơn vị, tôi đã mạnh dạn thực hiện sáng kiến này. Tôi rất vui khi sáng kiến được áp dụng vào quá trình thực hiện nhiệm vụ của đơn vị”.

Thực tế phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã trở thành nền nếp, là nhu cầu tự thân của đơn vị. Mỗi sáng kiến, cải tiến chứa đựng tâm huyết, sự trăn trở từ thực tiễn, trách nhiệm lớn của cán bộ, nhân viên. Từ năm 2009 đến nay, lữ đoàn đã có 20 sáng kiến kỹ thuật được công nhận ở các cấp. Thiếu tá Phạm Văn Triều, Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Bảo quản 9 nêu kinh nghiệm: “Chúng tôi luôn phát động trong cán bộ, nhân viên kỹ thuật ý thức chủ động tự học tập, tự nghiên cứu sáng tạo, đưa ra những giải pháp hay để thực hiện nhiệm vụ. Những công trình, sáng kiến mang tên cá nhân hay tập thể, nhưng đó đều là sản phẩm chung của nỗ lực thi đua, vì mục tiêu nâng cao chất lượng sửa chữa, bảo quản, bảo dưỡng VKTBKT của đơn vị”.

Không ngừng làm chủ vũ khí trang bị

Với phương châm "yêu xe như con, quý xăng như máu” nên ngoài huấn luyện, các thành viên của kíp xe đều chăm chút bảo dưỡng từng chi tiết của xe, kiểm tra từng chiếc đinh ốc dù nhỏ nhất. Đơn vị cũng duy trì nghiêm chế độ “Giờ kỹ thuật” và “Ngày kỹ thuật” trong tuần. Do đơn vị đóng quân ở địa bàn khí hậu khắc nghiệt, công tác bảo đảm kỹ thuật cũng bám sát điều kiện thực tế để tiến hành cho phù hợp. Chẳng hạn, mùa mưa độ ẩm cao, dễ gây ẩm mốc cho các trang thiết bị điện, quang học, khí tài thông tin liên lạc thì đơn vị kéo dài thời gian phơi nắng, sấy khô, thông gió. Còn mùa khô, bụi bẩn bám nhiều vào hệ thống cung cấp không khí, nhiên liệu thì đơn vị chú ý vệ sinh thật kỹ.

Chứng kiến "Ngày kỹ thuật" ở Tiểu đoàn Tăng 8, chúng tôi nhận thấy đội ngũ cán bộ các cấp, nhân viên kỹ thuật luôn đồng hành với các kíp xe để kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn kịp thời. Trung tá Vũ Ngọc Hồng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Tăng 8 chia sẻ: “Khi xe tăng vận hành như một cơ thể sống, chúng tôi luôn nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ phải hiểu được “tính nết” của xe để hạn chế đến mức thấp nhất sự cố, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ”.

Đại tá Tô Văn Vinh, Chính ủy Lữ đoàn Tăng thiết giáp 416 cho biết: “Là đơn vị binh chủng, cấp ủy, chỉ huy lữ đoàn thường xuyên giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ biết yêu mến, quý trọng, giữ gìn, bảo quản, bảo dưỡng và khai thác VKTBKT, không ngừng xây dựng, củng cố công tác kỹ thuật theo hướng chính quy, hiện đại, phù hợp với điều kiện thực tế chiến đấu. Trong đó, đơn vị thường xuyên kết hợp thực hiện CVĐ 50 với các cuộc vận động, Phong trào Thi đua Quyết thắng, tạo nên sức mạnh tổng hợp để hoàn thành nhiệm vụ chính trị trung tâm, nhất là những nhiệm vụ cao điểm như vượt sông, bắn đạn thật, diễn tập…".