Ô tô, xe máy vi phạm bị giữ: Nếu hư hỏng, CSGT sẽ phải bồi thường
Liên quan đến vấn đề hàng nghìn ô tô, xe máy no mưa no nắng tại các bãi giữ xe vi phạm ở Hà Nội, luật sư Đặng Văn Sơn (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) đã có những chia sẻ với PV VTC News.
Ông Sơn cho biết, nhiều năm qua, lực lượng chức năng đã thu giữ hàng nghìn ô tô, xe máy, trong đó có những chiếc trị giá cả tỷ đồng.
Luật sư cho rằng, hàng nghìn phương tiện vi phạm no mưa no nắng là do CSGT thiếu trách nhiệm trong việc bảo vệ tài sản của nhân dân. |
Thế nhưng, những khối tài sản này do không được xử lý kịp thời, bảo quản lại không tốt, dẫn tới tình trạng xuống cấp, hỏng hóc gây lãng phí lớn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo ông Sơn là do sự thiếu trách nhiệm bảo quản tài sản nhân dân của lực lượng CSGT.
“Rõ ràng, việc hàng nghìn phương tiện no mưa no nắng như hiện nay, lỗi thuộc về phía CSGT, họ thiếu trách nhiệm bảo vệ tài sản của nhân dân. Tại Điều 9 Nghị định 15/2013/NĐ-CP về quản lý, bảo quản tang vật phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu đã quy định, người ra quyết định tạm giữ, tịch thu có trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu.
Nếu tang vật, phương tiện bị mất, bán, đánh tráo, hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ, tịch thu chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Trường hợp cơ quan công an ký hợp đồng ủy quyền việc trông giữ xe với chủ bãi giữ xe hoặc tổ chức, cá nhân nào khác thì người đó, tổ chức đó phải chịu trách nhiệm bảo quản cẩn thận. Nếu gây ra hậu quả gì, cá nhân, tổ chức đó phải có trách nhiệm bồi thường cho chủ phương tiện”, ông Sơn cho biết. Tuy nhiên, theo ông Sơn, chủ phương tiện muốn lực lượng chức năng bồi thường thì cần có biên bản đánh giá hiện trạng tài sản để làm căn cứ, nếu không có biên bản đánh giá đó thì không thể yêu cầu bồi thường.
Ngoài ra, để tránh tình trạng quá tải tại các bãi xe vi phạm như hiện nay, ông Sơn cho rằng, CSGT chỉ nên tạm giữ phương tiện đối với những hành vi vi phạm giao thông nghiêm trọng hoặc khi có căn cứ xác định phương tiện vi phạm có nguồn gốc không rõ ràng, hoặc bất hợp pháp.
Bên cạnh đó, cần rút ngắn thời gian “chờ” để thanh lý các xe vi phạm, nếu quá thời hạn này mà chủ phương tiện vi phạm không đến giải quyết thì cơ quan có thẩm quyền có quyền bán đấu giá các xe vi phạm để nộp phạt.
Liên quan đến vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy - Chuyên gia giao thông cho rằng, để hạn chế tình trạng bãi xe vi phạm quá tải cũng như việc các phương tiện no mưa no nắng như hiện nay, cần phải có sự vào cuộc của các bộ, ngành liên quan. Trong đó, cần thực hiện quyết liệt một số vấn đề như phương tiện bị thu giữ quá thời hạn quy định thì có quyền bán đấu giá để xung công quỹ. Tiếp đến, điều kiện để nhận lại xe vi phạm cũng phải “co giãn” hơn, không nên quá cứng nhắc, phụ thuộc vào luật.
“Người ta thường đổ lỗi chuyện này cho luật, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể xử lý được ngay. Thay vì cứ để hàng ngàn phương tiện giá trị lên đến hàng chục tỷ đồng thành cục sắt vụn, các bộ, nghành liên quan cần phải vào cuộc mãnh mẽ hơn”, ông Thủy nêu quan điểm./.