Non thiêng Yên Tử - Ấn tượng ngày khai hội
Cứ mỗi dịp đầu Xuân, núi Yên Tử, ngọn núi cao 1.068m so với mực nước biển, nơi được coi là Trung tâm Phật giáo Việt Nam lại thu hút hàng trăm ngàn lượt khách muôn phương đổ về lễ Phật cầu một năm mới bình an…
Sáng 25/2 (tức mùng 10 tháng Giêng, âm lịch), non thiêng Yên Tử chính thức khai hội. Đây là lễ hội lớn của cả nước vào đầu xuân và kéo dài trong 3 tháng liên tục.
Để đáp ứng nhu cầu đi lại của du khách, BTC đã bố trí 70 xe điện phục vụ du khách di chuyển trong khuôn viên Trung Tâm lễ hội Yên Tử. |
Hàng chục nghìn người nườm nượp về Yên Tử du Xuân bất kể thời gian, không gian nào. Tất cả các phương tiện vào Yên Tử đều đỗ tại 2 bãi đỗ xe đã được mở rộng và bố trí hợp lý thuộc khu vực dốc Hạ Kiệu, cách chân núi Yên Tử gần 1km.
Từ đây, du khách có thể hành hương về vùng lõi di tích Yên Tử bằng xe điện hoặc đi bộ vào Trung tâm văn hóa Trúc Lâm Yên Tử - được coi là cánh cửa chính chào đón du khách.
Từ ngày mùng 1 Tết âm lịch, Yên Tử đón 250.000 lượt khách đến thăm quan, lễ Phật và vãn cảnh chùa. |
Sau nhiều năm xa quê, anh Nguyễn Công Phương, đến từ thành phố Cẩm Phả đã chọn lên non Yên Tử về đêm để có những trải nghiệm thú vị: “Quang cảnh trên Chùa Đồng rất đẹp. Vào buổi đêm thì những ánh đèn khiến ngôi chùa Đồng càng trở lên lung linh và linh thiêng hơn. Nhiều người cho rằng đi lễ chùa ban đêm vì ban đêm yên tĩnh và họ hy vọng những cầu mong của họ được trở thành hiện thực. Quá trình đi ban đêm, Ban tổ chức cũng bố trí các đèn để bước chân du khách được an toàn và không bị vấp ngã”
Để đảm bảo giao thông thông suốt, BTC đã bố trí thêm 2 tuyến cáp treo mới phục vụ tăng ni phật tử và du khách. |
Tính từ ngày mùng một Tết đến nay, non thiêng Yên Tử đã đón 250.000 lượt khách du lịch và phật tử tới vãn cảnh, chiêm bái lễ phật. Riêng ngày khai hội (mùng 10 tháng Giêng), Yên Tử ghi nhận lượng khách du lịch nhiều nhất với khoảng 40.000 lượt người.
Để đáp ứng nhu cầu đi lại của du khách, tuyến cáp treo mới từ chùa Hoa Yên lên đến nhà ga số 4 mới (cách chùa Đồng 520m) đã đưa vào hoạt động được gần 20 ngày qua. Điều này giúp giảm bớt quãng đường so với từ nhà ga số 4 cũ đến Chùa Đồng xuống còn một nửa, việc phân luồng giao thông cũng được thông suốt hơn trong dịp lễ hội.
Các phòng bán vé hoạt động hết công suất. |
Mặc dù lượng người đổ về Yên Tử tăng theo ngày nhưng công tác ANTT, ATGT từ đầu xuân luôn được đảm bảo. Đặc biệt Ban tổ chức đã chú trọng đến công tác vệ sinh môi trường, đảm bảo một mùa du lịch không xả rác bừa bãi.
Bên cạnh những khẩu hiệu tuyên truyền được treo ở dọc hai đường với lời nhắc nhở “đường lên chùa Đồng, nói không với rác” để nâng cao nhận thức của người dân về với cõi Phật liêng thiêng, Ban tổ chức còn bố trí hàng trăm nhân viên môi trường miệt mài nhặt và thu gom rác tại các điểm chùa, giữ vệ sinh khu di tích Yên Tử.
Nhiều người lựa chọn lên non Yên Tử về đêm để có những trải nghiệm thú vị. |
“Tôi chưa bao giờ thấy ý thức của du khách đến với Yên Tử được tốt đến thế. Mọi năm mà khách đông như thế này thì bẩn và rác xả rất nhiều. Nhưng năm nay, Ban tổ chức đã xử lý rất tốt về công tác môi trường, bố trí các thùng rác rải khắp nơi và được dọn liên tục. Chính vì những sạch sẽ như vậy, nên du khách không dám xả rác tại nơi có những cảnh quan đẹp như vậy”, ông Mạc Văn Kiệm, người đã 20 năm kinh doanh tại khu di tích và danh thắng Yên Tử cho biết.
Lễ hội Xuân Yên Tử 2018 được cho là quy mô hơn cả bởi lần đầu tiên được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử với không gian mới, hiện đại thuộc dự án Khu trung tâm lễ hội Yên Tử rộng 17ha, được xây dựng trên 1.000 tỷ đồng.
Măng tre - món ăn ngon, dân dã, sản vật của non thiêng Yên Tử. |
Trên cơ sở nghi thức truyền thống, lễ khai hội năm nay có một số điểm mới như tăng quy mô phần rước lễ với 7 bát kiệu trở các sản vật của địa phương dâng lên Phật Hoàng Trần Nhân Tông; ngắn gọn các phát biểu; nghi lễ đóng dấu thiêng do 2 đại biểu Phật giáo, chính quyền cử hành; đại biểu dự khai hội mặc trang phục truyền thống trang trọng…
Đến với lễ hội năm nay, du khách không chỉ ngỡ ngàng về sự quy củ trong công tác tổ chức, mà còn cảm nhận sự đổi thay tích cực trong việc thực hiện nếp sống văn minh của người dân khi đi lễ chùa.
“Nhiều năm trước có việc đưa cả một mâm xôi, lợn quay lên chùa. Từ năm ngoái đến năm nay chưa có đoàn nào dâng lễ mặn vào trong chùa. Tất cả là do công tác tuyên truyền sâu rộng. Đối với việc thực hiện văn minh đi lễ, chúng tôi cũng vận động nhân dân cúng đồ chay và niệm Phật, thắp hương ngoài lầu hương và hóa sớ đúng nơi quy định. Đặc biệt Yên Tử không có ăn xin, ăn mày cũng như là hầu đồng, xóc thẻ, mê tín dị đoan...”, ông Lê Tiến Dũng, Trưởng Ban quản lý rừng Quốc gia Yên Tử nói.
Mùa du lịch Yên Tử mới bắt đầu. thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đã lên kế hoạch tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác tổ chức lễ hội, như: Bố trí các ki-ốt thông tin du lịch; thiết kế tờ rơi, tờ gấp giới thiệu sản phẩm, dịch vụ tại các điểm tham quan; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ…suốt 3 tháng trẩy hội ở Yên Tử./.