Những chính sách nổi bật có hiệu lực trong tháng 10
Bắt đầu từ 15/10 tới, hàng loạt chính sách mới trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội sẽ được áp dụng như: Mua thuốc cho con không phải khai số CMND; dùng tay trần bán thức ăn bị phạt, quy định bổ sung trường hợp tinh giản biên chế; Đơn giản hóa thủ tục nhập khẩu phế liệu...
Trường hợp tinh giản biên chế sai phải hoàn trả lại tiền
Thông tin quan trọng này được thể hiện tại Nghị định 113/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 108/2014 về chính sách tinh giản biên chế, có bổ sung thêm một số trường hợp bị tinh giản biên chế.
Theo đó, Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo thôi giữ chức vụ do sắp xếp tổ chức bộ máy, tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.
Những người đã là cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền điều động sang công tác tại các hội được giao biên chế và ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí để trả lương…
Đặc biệt, Nghị định cũng quy định khi thực hiện tinh giản biên chế không đúng đối tượng, người đã hưởng chính sách tinh giản biên chế phải hoàn trả số tiền đã thực nhận.
Nếu người đó đã mất thì số kinh phí này sẽ do cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp người đó sử dụng kinh phí thường xuyên để thanh toán, ngân sách Nhà nước không bổ sung kinh phí.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/10.
Bỏ quy định mua thuốc cho con phải khai số CMND
Cũng có hiệu lực từ 15/10, thông tư 18/2018/TT-BYT sửa đổi thông tư 52/2017/TT-BYT về đơn thuốc và kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú.
Từ 15/10, bố, mẹ mua thuốc cho con không phải khai số CMND. |
Thông tư 52 yêu cầu khi kê đơn thuốc cho trẻ dưới 6 tuổi phải ghi số tháng tuổi, ghi tên và số CMND hoặc sổ căn cước công dân của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ.
Quy định này đã gây nên nhiều tranh cãi trong dư luận, vì nhiều người cho rằng việc cha mẹ đi mua thuốc cho con phải khai số CMND gây nhiều phiền phức, bất tiện.
Thông tư mới đã bỏ quy định trong đơn thuốc của trẻ dưới 6 tuổi phải ghi số CMND hoặc sổ căn cước công dân của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ mà chỉ yêu cầu ghi số tháng tuổi, cân nặng, tên bố hoặc mẹ hoặc người đưa trẻ đến khám, chữa bệnh.
Dùng tay trần bán thức ăn bị phạt đến 1 triệu đồng
Từ ngày 20/10 tới, các quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm sẽ được áp dụng theo Nghị định 115/2018 của Chính phủ.
Người bán thức ăn đường phố không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, ăn ngay bị phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng (trước đây chỉ phạt từ 300.000-500.000 đồng)…
Dùng tay trần trực tiếp bán thức ăn bị phạt đến 1 triệu đồng. Ảnh minh họa. |
Phạt 1-3 triệu đồng đối với cửa hàng ăn uống, nhà hàng ăn uống của khách sạn sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay…
Phạt 5-10 triệu đồng với hành vi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có khuyến cáo thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh…/.