Những “chiến sỹ áo trắng” trên dặm dài biên cương Nậm Pồ, Điện Biên
Hơn 5 năm chia tách, huyện biên giới Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên vẫn còn nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội, cũng như chất lượng đời sống của nhân dân. Riêng với công tác y tế, tỷ lệ y bác sỹ trên 1 vạn dân của địa phương cũng chỉ bằng một nửa so với tỷ lệ chung của toàn tỉnh.
Mặc dù vậy, vượt qua mọi khó khăn, những bác sỹ trẻ trên dặm dài biên cương ở Nậm Pồ vẫn nỗ lực từng ngày thực hiện tốt nhất công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Bác sỹ Tạ Thị Thu Nguyệt đã chọn cho mình một hướng đi khó khăn, vất vả |
Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Y dược Thái Nguyên, nữ bác sỹ trẻ Tạ Thị Thu Nguyệt quyết định không lựa chọn công tác ở vùng thuận lợi là thành phố Điện Biên Phủ - nơi mình sinh sống, mà chuyển đến công tác tại huyện Nậm Pồ, địa phương nhiều khó khăn nhất của tỉnh Điện Biên.
Hơn 3 năm công tác khoa Nội Nhi, Trung tâm Y tế Nậm Pồ, những khó khăn về giao thông cách trở, cơ sở vật chất thiếu thốn đã được lấp đầy bằng sự cảm thông với những khó khăn của đồng bào các dân tộc nơi đây. Trong tâm trí của nữ bác sỹ trẻ này luôn là hình ảnh những đứa trẻ thiếu quần áo ấm khi động về, những người phụ nữ Mông còn nhiều e dè khi được vận động đến cơ sở y tế sinh nở... Tất cả là động lực để chị phấn đấu trong công tác chuyên môn.
Bác sỹ Tạ Thị Thu Nguyệt chia sẻ, điều trăn trở nhất đối với các chị là cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ở Nậm Pồ còn rất nhiều thiếu thốn. Có thời điểm, mỗi ngày có tới 90 bệnh nhân tới khám, chữa bệnh, trong khi phòng điều trị rất ít. Ngoài ra, trình độ dân trí thấp cùng những rào cản về ngôn ngữ, cũng khiến các y bác sỹ phải cố gắng nhiều hơn trong công tác tuyên truyền, giúp người dân nắm được những kiến thức cơ bản về phòng chống bệnh tật, cũng như các kỹ năng chăm sóc sức khỏe cho gia đình.
“Địa bàn của chúng tôi, cuộc sống của người dân còn rất khó khăn, ngay cả về ăn uống, mặc... Do đó ở đây chúng tôi thường xuyên tổ chức các đợt tình nguyện, phát động nấu cơm tình nguyện 1 tuần 1 buổi để giúp đỡ người dân hoặc các chương trình áo ấm mùa đông, áo ấm tặng trẻ. Đấy là những cái rất nhỏ thôi nhưng có thể mang lại những cái ấm cúng cho người dân. Có thể chưa làm được bằng các nơi khác nhưng chúng tôi sẽ rất cố gắng để người dân, các bệnh nhân được phục vụ đến mức tốt nhất”, bác sĩ Thu Nguyệt nói.
Là người tham gia công tác khám chữa bệnh từ những ngày đầu mới thành lập huyện, bác sỹ Chuyên khoa I Nguyễn Giang Binh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ cho biết, mình thực sự rất ấn tượng, cảm phục tinh thần cống hiến của các bác sỹ trẻ nơi đây.
Những câu chuyện trắng đêm cấp cứu người bệnh, những bữa ăn trưa vội vàng bên đường, hay hình ảnh những nữ bác sỹ lội bộ hàng chục km đường rừng vào mùa mưa đến tuyên truyền, khám chữa bệnh cho người dân vẫn thường được lãnh đạo Trung tâm nêu tại các cuộc họp giao ban để động viên, khuyến khích tinh thần cho những “chiến sỹ áo trắng”.
Những bác sỹ trẻ trên dặm dài biên giới Nậm Pồ vẫn ngày đêm nỗ lực chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. |
Hiện Trung tâm Y tế Nậm Pồ có 37 bác sỹ, trong đó có 6 bác sỹ Chuyên khoa I, nhưng đều là các bác sỹ trẻ mới ra trường. Khi mới về công tác, đa phần đều bỡ ngỡ trong tiếp cận với công việc. Tuy nhiên, với nhiệt huyết của sức trẻ trên dặm dài biên cương, các y bác sỹ của đơn vị đều đã vượt qua được mọi khó khăn, tận tình phục vụ nhân dân.
“Thực sự tôi ấn tượng nhất là ca ở Nậm Tin, sản phụ này đẻ nhưng rau không bong. Hôm đó đường đi rất là vất, bị sạt, ô tô không vào được. Chúng tôi mới điện cho các bác sỹ ở ngoài phòng khám tăng cường đi vào để đón dọc đường. Từ bản đi xuống chỗ con đường mất 2 tiếng, xuống đến con đường rồi để đi ra đến chỗ ô tô đón mất 2 tiếng nữa là 4 tiếng. Họ mất máu nhiều quá, phải hồi sức thì chúng tôi đã tiến hành cấp cứu và hướng dẫn cho các bác sỹ bóc rau nhân tạo ngay tại đó, sau đó hồi sức lại. Cái ca đó chúng tôi đã thành công và chuyển ra đến phòng khám khu vực là gần mất 6 tiếng”, bác sỹ Gia Binh nói.
Hiện nay, tỷ lệ yêu cầu trung bình bác sỹ trên địa bàn tỉnh Điện Biên là khoảng 12 người/vạn dân, trong khi đó tại huyện Nậm Pồ, con số này mới chỉ đạt khoảng một nửa, đồng nghĩa với việc thiếu rất nhiều bác sỹ đảm bảo cho công tác khám chữa bệnh của địa phương này. Hiện toàn huyện chỉ có 6/15 xã là có bác sỹ thường xuyên ứng trực tại địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên cho biết, dù còn nhiều khó khăn cả về con người và cơ sở vật chất, nhưng đội ngũ y bác sỹ của huyện luôn triển khai nhiệm vụ với tinh thần rất cao, cơ bản phục vụ tốt nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Tuy nhiên, việc thiếu y bác sỹ vẫn là điều bất cập.
“Trong thời gian vừa qua, đội ngũ y bác sỹ của huyện đã triển khai nhiệm vụ với tinh thần rất cao. Các mục tiêu y tế, các chương trình y tế rồi kế hoạch phát triển ngành y tế cũng như chăm sóc sức khỏe nhân dân đều được thực hiện rất tận tâm, tận lực. Tình trạng bác sỹ thiếu thế nhưng nhìn chung trong điều kiện hiện nay chúng tôi thấy cơ bản đã đáp ứng được nhiệm vụ. Sắp tới khi điều kiện trang thiết bị được tăng cường hơn thì chắc chắn Sở Y tế Điện Biên sẽ có những biện pháp để tăng cường thêm cán bộ y tế có trình độ cao về đáp ứng theo yêu cầu khám chữa bệnh trong tình hình mới này”, ông Văn Thái chia sẻ.
Dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, song có thể thấy những nỗ lực không mệt mỏi trong công tác khám chữa bệnh, đảm bảo sức khỏe nhân dân của các y bác sỹ đóng chân trên dặm dài biên giới Nậm Pồ đã được chính quyền đặc biệt đề cao, tạo niềm tin vững chắc cho đồng bào các dân tộc nơi đây./.