Những “bóng hồng” tham gia gìn giữ hòa bình
Thiếu tá QNCN Bùi Thị Xoa, điều dưỡng viên BVDC được các chị em gọi là chị cả, bởi là người lớn tuổi nhất trong số 13 nữ y sĩ, bác sĩ, nhân viên của BVDC, cùng với sự chu đáo, ân cần, luôn quan tâm hỗ trợ các nữ quân nhân khác vượt qua những ngày tháng huấn luyện vất vả. Chị Xoa còn là người có nhiều tài lẻ về nữ công gia chánh, nhất là biết nấu nhiều món ăn ngon. Là người quê gốc Hải Dương, chị nấu được nhiều món ăn và thường xuyên chia sẻ, hướng dẫn các nữ quân nhân trong bệnh viện cách chế biến và nấu các món ăn truyền thống.
Các nữ quân nhân Bệnh viện Dã chiến cấp 2, số 1 của Việt Nam. Ảnh: Phạm Hoàng Long |
Ngày lên đường nhận nhiệm vụ ở Phái bộ Liên hợp quốc không còn xa, hành trang mang theo của Thiếu úy Sa Minh Ngọc, nhân viên hành chính BVDC còn có thêm những lọ màu và dụng cụ vẽ. Chị Ngọc quê ở Hà Nội, với vẻ dịu dàng, thanh lịch, khuôn mặt ưa nhìn, chia sẻ với tôi: “Tôi yêu thích môn vẽ từ nhỏ và được bố mẹ cho theo các lớp học vẽ. Từ khi tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình (GGHB) của Việt Nam để học tập, rèn luyện sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ, tôi đã tham gia cuộc thi vẽ do Bộ Tổng Tham mưu tổ chức. Bức tranh có chủ đề quân đội với nhiệm vụ môi trường, thể hiện hình ảnh những chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp cùng các sĩ quan GGHB của các quốc gia thực hiện nhiệm vụ thu dọn vệ sinh ở địa bàn đóng quân. Khi ra nước ngoài thực hiện nhiệm vụ, vẽ tranh sẽ giúp tôi giải tỏa bớt căng thẳng, vất vả, nỗi nhớ nhà và cũng là thể hiện được khát vọng, tài năng của các nữ quân nhân Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế".
Bên cạnh những nội dung tập huấn, huấn luyện chuyên môn, các nữ quân nhân BVDC được trang bị, huấn luyện môn học khá đặc biệt, đó là múa dân tộc và biểu diễn các tiết mục văn nghệ. Thiếu úy QNCN Tô Thị Kiều Trinh, điều dưỡng sản khoa, là người có năng khiếu múa đẹp và giỏi nhất đơn vị, chia sẻ: "Để thực hiện những tiết mục dân tộc, như: Múa trống cơm, múa hoa đăng… chúng tôi phải luyện tập rất nhiều kỹ năng. Mọi người chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ, phối hợp biểu diễn tiết mục múa đẹp nhất, để lại ấn tượng khi tham gia các chương trình giao lưu văn hóa văn nghệ ở Phái bộ Liên hợp quốc".
Trong chuyến thăm BVDC cấp 2, số 1 của Việt Nam mới đây, Trung tá Cecilie Konradsen, Trưởng đoàn Kiểm tra tiền triển khai BVDC cấp 2, số 1 Việt Nam của Liên hợp quốc dành nhiều lời ngợi khen các nữ quân nhân BVDC: “Tôi rất vinh dự được gặp những nữ quân nhân Việt Nam nhỏ nhắn và đầy tài năng. Họ đều vượt qua mọi khó khăn, đáp ứng tốt các yêu cầu khắt khe của Liên hợp quốc. Tôi tin tưởng, những nữ quân nhân BVDC của Việt Nam với những tài năng và tính cách dịu dàng, ân cần sẽ thực hiện xuất sắc nhiệm vụ”.
BVDC có bốn nữ quân nhân đã xây dựng gia đình, số còn lại đều đang trong độ tuổi khá trẻ. Tham gia hoạt động GGHB xa nhà, xa gia đình, thiếu kinh nghiệm thực tiễn ở nước ngoài, nên sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ, gần gũi sẻ chia của chị em để cùng vượt qua khó khăn có ý nghĩa rất lớn. Điều đáng mừng là các nữ quân nhân, thành viên BVDC đều nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ hậu phương, gia đình, nhất là Đảng ủy, Ban giám đốc Bệnh viện Quân y 175 và các cơ quan cấp trên.
Thiếu tướng, PGS, TS, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, đơn vị triển khai BVDC cấp 2, số 1 cho biết: "Không chỉ chú trọng đào tạo, huấn luyện về chuyên môn, chúng tôi thường xuyên mời các chuyên gia, nghệ sĩ tên tuổi trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn kỹ thuật và cách thức tổ chức hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ... Cùng với đó, chúng tôi còn tổ chức tập huấn các quy tắc ứng xử, những kỹ năng mềm, qua đó mong muốn các nữ quân nhân thể hiện được những nét đặc trưng, cốt cách của người phụ nữ Việt Nam. Những việc làm cụ thể ấy không chỉ giúp các nữ quân nhân hoàn thành nhiệm vụ, mà còn góp phần quảng bá văn hóa, hình ảnh, đất nước Việt Nam với bạn bè thế giới, nhất là hình ảnh người phụ nữ Việt Nam".