Người dân lên tiếng việc kỷ luật cán bộ để heo bị tiêm thuốc an thần
Sau hơn 20 ngày các cơ quan chức năng bắt quả tang 3.750 con heo bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ tại lò mổ Xuyên Á, huyện Củ Chi, TPHCM, Hội đồng kỷ luật Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có báo cáo chính thức đến UBND thành phố về công tác kỷ luật các cán bộ thú y có liên quan.
Tiêu hủy heo bị tiêm thuốc an thần ở lò mổ Xuyên Á. Ảnh: Tiền Phong |
Theo đó, Hội đồng kỷ luật Sở NN&PTNT TPHCM quyết định cảnh cáo đối với ông Phan Xuân Thảo – Chi cục trưởng Chi cục Thú y, đề nghị Ban giám đốc Sở điều chuyển về một đơn vị khác trực thuộc; kỷ luật bằng hình thức khiển trách Chi cục phó Huỳnh Tấn Phát.
Đồng thời, Hội đồng kỷ luật của Chi cục chăn nuôi thú y cũng quyết định giáng chức đối với trưởng và phó trạm chăn nuôi thú y huyện Củ Chi, điều động hai nhân sự này về phòng tổ chức hành chính Chi cục chăn nuôi thú y để bố trí công tác khác.
Ngoài ra, Sở cũng cảnh cáo đối với 16 viên chức trực tiếp kiểm soát giết mổ có mặt trong đêm xảy ra việc heo bị tiêm thuốc an thần. Khiển trách đối với 3 cán bộ có trách nhiệm thực hiện công tác kiểm soát giết mổ nhưng nghỉ ca. Các trường hợp vi phạm này đều không được bố trí công tác kiểm soát giết mổ trong thời gian tới.
Khi biết được thông tin các cán bộ liên quan để xảy ra vụ việc tiêm thuốc an thần bị kỷ luật, Chị Đào Ngọc Bích, ngụ quận 9 TPHCM bày tỏ sự ủng hộ. Đây là điều mà không chỉ riêng gia đình chị, mà còn rất nhiều người dân chờ đợi động thái của cơ quan chức năng xử lý những người có liên quan.
Đã nhiều ngày qua, chị không dám mua thịt heo, mặc dù đây là thực phẩm mà nhiều thành viên trong gia đình chị yêu thích vì lo sợ mua phải thịt heo bị tiêm thuốc an thần.
“Những cán bộ này thiếu trách nhiệm trong việc giám sát cơ sở giết mổ. Về công tác quản lý, yêu cầu các nhà chức trách phải quản lý chặt chẽ, đối với những người làm việc thiếu trách nhiệm thì cần phải xử lý mạnh, có tính răn đe đối với những người này để người đi sau nhìn vào đó mà học tập” – chị Bích cho biết.
Không chỉ riêng người tiêu dùng như chị Bích, mà những tiểu thương nhỏ lẻ cũng rất quan tâm đến việc xử lý số heo bị tiêm thuốc an thần combistress, xử lý các thương lái có hành vi sử dụng chất cấm này trước khi giết mổ heo và cả việc xử lý các cán bộ thú y thực hiện việc giám sát công tác giết mổ.
Chị Nguyễn Thị My, bán thịt heo ở chợ Thủ Đức cho biết, từ khi heo bị tiêm thuốc an thần đến nay, mỗi ngày chị không bán được bao nhiêu hết. Giờ có mấy cán bộ bị giáng chức, cách chức như vậy nên chị rất ủng hộ. Vì họ là người đứng đầu mà không thực hiện giám sát chặt chẽ nên phải xử lý nghiêm. Chị cũng mong phải làm quyết liệt để đảm bảo heo đến tay người tiêu dùng là heo sạch.
23 cán bộ bị kỷ luật theo các mức độ khác nhau. Dư luận lo ngại rằng với cách thực hiện công tác giám sát bấy lâu nay của ngành thú y, chỉ khi thanh tra Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với lực lượng công an mới bắt được những người phạm pháp, thì liệu rằng bao nhiêu lần heo bị tiêm thuốc an thần như vậy rồi? Bao nhiêu lò mổ đã sử dụng chất cấm này để thu lợi bất chính?
Một số người dân vẫn chưa hài lòng với những hình thức kỷ luật này, đặc biệt là đối với các cán bộ trực tiếp đi giám sát công tác giết mổ heo.
Chị Trần Tú Oanh, ngụ quận 3 cho rằng cần phải có hình phạt nặng hơn đối với những cán bộ tắc trách trong vụ heo bị tiêm thuốc an thần.
“Đường đi từ dạ dày đến nghĩa địa ngày càng gần”, đây chính là tâm lý lo sợ chung của người dân trên địa bàn TPHCM và cả nước. Trong vụ việc tiêm thuốc an thần cho heo, dư luận cho rằng cán bộ thú y dường như bị tê liệt, lơ là chức trách, để chủ lò qua mặt. Bởi vậy, những cán bộ thú y, những người gác cổng trong công tác an toàn vệ sinh thực phẩm đều phải đề cao trách nhiệm của mình.
Công tác quản lý an toàn thực phẩm phải thực hiện từ gốc đến ngọn và các ngành cần phối hợp chặt chẽ để cùng quản lý, giảm mối lo ngại trong lòng người dân về thực phẩm bẩn./.