Người bị oan sai nói về quy định phải viết đơn mới được xin lỗi
Dự thảo Luật Trách nhiệm Bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), quy định người bị oan phải có đơn yêu cầu thì cơ quan, tổ chức Nhà nước mới xin lỗi công khai và phục hồi danh dự cho họ, đang được thảo luận trên nghị trường Quốc hội. Quan điểm của Dự thảo đang tạo nên dư luận nhiều chiều trong xã hội.
Vấn đề này, ông Hàn Đức Long (SN 1959, trú tại thôn Yên Lý, xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên, Bắc Giang) người vừa được Tòa án Cấp cao tại Hà Nội tổ chức xin lỗi công khai về việc bị quy kết hai tội Hiếp dâm trẻ em và Giết người cho rằng, sau khi trả tự do cho người bị oan, cơ quan Nhà nước phải tổ chức xin lỗi công khai, kể cả việc bồi thường chứ không phải chờ có đơn yêu cầu mới thực hiện.
Ông Hàn Đức Long (trái) và ông Huỳnh Văn Nén nêu quan điểm về việc phải viết đơn yêu cầu xin lỗi công khai. |
“Ai làm sai thì người đó phải tự nguyện, tự giác đứng ra xin lỗi, bồi thường cho người bị oan thì hợp lý hơn”, ông Hàn Đức Long nêu ý kiến.
Đồng quan điểm, ông Huỳnh Văn Nén (SN 1962, trú ở thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) cũng cho rằng, cơ quan Nhà nước làm oan sai phải có ý thức công khai xin lỗi chứ không phải chờ đến khi người bị hàm oan viết đơn yêu cầu rồi mới tổ chức.
Ông Huỳnh Văn Nén là “người tù thế kỷ” bị giam oan hơn 17 năm về 2 tội danh Giết người, Cướp tài sản. Ông Nén được trả tự do, sau đó được minh oan vào cuối năm 2015.
Cũng đưa ý kiến về việc xin lỗi công khai, và bồi thường cho người bị oan sai, luật sư Vũ Thị Nga – Văn phòng Luật sư Công Lý Việt, người đang trợ giúp pháp lý cho ông Hàn Đức Long cho hay, người bị hàm oan phải viết đơn yêu cầu cơ quan Nhà nước xin lỗi công khai là không cần thiết, vì ngay khi cơ quan gây oan sai ra những quyết định để phục hồi danh dự, nhân phẩm cho người bị oan thì việc oan sai đã được chứng minh.
Với vấn đề bồi thường, luật sư Nga cho rằng, vẫn cần phải có đơn yêu cầu để xác định những tổn thất về vật chất theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, như: Thiệt hại vật chất, thiệt hại tinh thần, thu nhập thực tế…
Bà Nga đề xuất, đối với những trường hợp oan sai lâu như ông Hàn Đức Long, tổ chức công khai xin lỗi phải thực hiện càng sớm càng tốt, cũng có thể tổ chức công khai xin lỗi vào ngày công bố quyết định minh oan (PV- công bố quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can).
Đối với trường hợp ông Hàn Đức Long, bà Nga cho hay, ngoài hai tội Hiếp dâm trẻ em và Giết người được minh oan, xin lỗi, người tù oan ở Bắc Giang còn bị VKS Bắc Giang truy tố tội Hiếp dâm.
Các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm đều xác định ông Long không phạm tội nhưng phải gần 10 năm sau (tức ngày 20/12/2016), VKS Bắc Giang mới ra quyết định đình chỉ, minh oan.
Ông Long đã hai lần đưa đơn lên VKS yêu cầu công khai xin lỗi cũng không được trả lời
“Rõ ràng, VKS Bắc Giang đã vi phạm Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Theo luật, sau 5 ngày nhận đơn, VKS phải thụ lý đơn. Nếu đơn yêu cầu xin lỗi không đủ điều kiện thì cơ quan này phải hướng dẫn làm đơn thế nào cho đủ. Nếu không phải đối tượng làm oan sai thì VKS Bắc Giang cũng phải trả lời ông Hàn Đức Long. Ông Long đã hai lần viết đơn yêu cầu nhưng hàng tháng trời nay chưa có thông báo đã thụ lý đơn… Như vậy rõ ràng quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thôi mà VKS Bắc Giang không thực hiện”.
“Nếu bây giờ không có quy định cứng ngay trong quyết định minh oan về kế hoạch xin lỗi công khai dẫn đến việc người bị oan phải đi “xin” được xin lỗi công khai như trường hợp của ông Hàn Đức Long là bất cập”, Luật sư Nga trình bày.
Luật sư Nguyễn Quynh – một trong những người hỗ trợ pháp lý cho ông Huỳnh Văn Nén cũng cho rằng, khởi tố, truy tố, xét xử sai thì cơ quan tố tụng phải chủ động xin lỗi chứ không phải chờ người bị oan viết đơn mới thực hiện.
Bên cạnh đó, luật sư Quynh còn cho hay, việc áp dụng Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong thực tiễn còn nhiều bất cập, vướng mắc. Trường hợp bồi thường cho người thân của người bị án oan như: cha mẹ, anh em, con cái… chưa được xác định rõ ràng, cụ thể như Bộ luật Dân sự năm 2015.
Bộ Luật dân sự năm 2015 phần bồi thường ngoài hợp đồng thể hiện rất rõ ràng đối tượng được bồi thường, mức bồi thường.
“Bộ Luật dân sự năm 2015, quy định rõ như vậy, tại sao trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, chúng ta không áp dụng Bộ Luật dân sự - một đạo luật rất quan trọng, trong khi Luật Trách nhiệm Bồi thường Nhà nước thường khó khăn trong vấn đề như: Xác định tổn thất tinh thần của bố mẹ, vợ con… của người bị hàm oan”, luật sư Quynh nêu vấn đề.
Cụ thể như ông Huỳnh Văn Nén – người mà luật sư Nguyễn Quynh tham gia hỗ trợ pháp lý - mẹ ông Nén mất trước khi “người tù thế kỷ” được giải oan một năm, nhưng việc bố mẹ ông Nén bán bao nhiêu nhà cửa đi kêu oan thì lại không được xác định. Và sau này chỉ được hỗ trợ một khoản rất nhỏ.
“Tôi thấy như vậy là rất thiệt thòi cho họ. Bởi vậy, vấn đề này nên xem xét lại cho thấu đáo”, ông Nguyễn Quynh phân tích.
Đối với oan sai của ông Huỳnh Văn Nén, theo luật sư không có tiền nào là bồi thường, sau khi được minh oan, ông bị ảnh hưởng bởi bệnh thần kinh, tổn hại sức khỏe hơn 63%. Có nhiều trường hợp gia đình tan nát hết. Bởi vậy, chúng ta cần xác định trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước phải làm sao phù hợp, tạo điều kiện cho những người bị oan có cuộc sống mới, ổn định sau thời gian được tuyên bố không phạm tội.
Về vấn đề thương lượng tiền bồi thường oan sai, theo luật sư, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định rất nhiều đối tượng nhưng rất khó thực hiện với người bị kết án oan.
Nếu chúng ta không thống nhất được con số cụ thể đối với người bị kết án oan như các trường hợp khác được quy định trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì rất khó.
“Với trường hợp ông Nén khi chưa bị bắt, đi làm công mỗi ngày được mấy trăm ngàn, nhưng đối với doanh nghiệp, doanh nhân, hay những người khác thì chúng ta tính giá trị như thế nào. Vấn đề này cực kỳ khó”, luật sư Quynh trình bày quan điểm.
Ông Quynh cho biết, có vụ án ông biết, trường hợp doanh nhân bị bắt vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến khoản nợ rất nhỏ. Và trong 3 năm bị bắt, toàn bộ doanh nghiệp phá sản toàn diện, thời điểm đó giá trị tài sản của doanh nhân lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Sau này, doanh nhân chứng minh được mình bị khởi tố, truy tố, kết án oan sai thì đối với trường hợp này bồi thường cho họ làm sao được.
Theo quan điểm của luật sư, chúng ta phải nhìn xa hơn, như ở nước ngoài giam 1-2 ngày thôi, nhưng người ra đã tính ra được hậu quả đó. Bởi vậy trong Dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, chúng ta phải tính được hậu quả, ngăn ngừa được người lạm dụng, lợi dụng quyền lực của Nhà nước giao cho để trả thù hoặc cố tình làm sai lệch vụ việc nhằm triệt hạ doanh nghiệp, doanh nhân hoặc một người nào đó và sau này để lại hậu quả lớn và Nhà nước phải gánh chịu trách nhiệm trong bồi thường./.