Nghiêm cấm tự ý kiểm tra vấn đề môi trường, an toàn thực phẩm
Bộ Công an vừa đưa ra lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo lần 2 Thông tư quy định chi tiết thi hành Điều 7, Điều 8 Nghị định số 105/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường.
Bộ Công an cho biết thông tư này áp dụng đối với Cảnh sát môi trường các cấp, các đơn vị và các cấp Công an có trách nhiệm trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm.
Cảnh sát môi trường phối hợp với lực lượng chức năng bắt quả tang nhiều người đang bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu (Ảnh minh hoạ: Huỳnh Hải). |
Mỗi cuộc kiểm tra không quá 7 ngày làm việc
Dự thảo thông tư khẳng định, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm phải có quyết định bằng văn bản. Quyết định kiểm tra phải ghi rõ căn cứ, đối tượng, nội dung, thành phần đoàn kiểm tra, thời hạn kiểm tra; họ tên, chức vụ, chữ ký của người ra quyết định và đóng dấu của cơ quan của người ra quyết định.
Khi tiến hành kiểm tra, trưởng đoàn kiểm tra phải công bố quyết định kiểm tra với đối tượng kiểm tra, tiến hành kiểm tra theo nội dung ghi trong quyết định kiểm tra và đề nghị đối tượng kiểm tra cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra; thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến hành vi vi phạm; tiếp nhận ý kiến hoặc văn bản giải trình của đối tượng kiểm tra.
“Mỗi cuộc kiểm tra không quá 7 ngày làm việc kể từ ngày công bố quyết định kiểm tra. Trong trường hợp cần thiết, người ban hành quyết định kiểm tra có thể gia hạn kiểm tra không quá 7 ngày và ghi lý do vào biên bản kiểm tra”- dự thảo nêu rõ.
Theo dự thảo thông tư, trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc cuộc kiểm tra, Trưởng đoàn kiểm tra báo cáo kết quả bằng văn bản cho người ban hành quyết định kiểm tra. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả kiểm tra, người ban hành quyết định kiểm tra có văn bản kết luận kiểm tra.
Trường hợp cần thiết để phục vụ công tác kiểm định, giám định, xác minh, trả lời kiến nghị và kết luận kiểm tra bổ sung (nếu có) thì có thể kéo dài thêm thời hạn ra văn bản kết luận kiểm tra không quá 2 lần, mỗi lần không quá 15 ngày làm việc.
Văn bản kết luận kiểm tra gửi cho đối tượng kiểm tra và gửi báo cáo thủ trưởng cơ quan quản lý cấp trên; kết luận kiểm tra của Giám đốc Công an cấp tỉnh đồng gửi Cục Cảnh sát môi trường để theo dõi.
Nghiêm cấm lợi dụng việc kiểm tra để sách nhiễu, gây khó khăn
Mọi trường hợp kiểm tra phương tiện, đồ vật, địa điểm có liên quan đến tội phạm và vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm phải có quyết định bằng văn bản.
Trong trường hợp địa điểm cất giấu tang vật, phương tiện có liên quan đến tội phạm và vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm là chỗ ở thì đề nghị Chủ tịch UBND cấp huyện nơi đó xem xét quyết định và thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Quyết định kiểm tra phải ghi rõ căn cứ, đối tượng, nội dung, thời hạn kiểm tra; thành phần đoàn kiểm tra; họ tên, chức vụ, chữ ký của người ra quyết định và đóng dấu của cơ quan của người ra quyết định.
Khi tiến hành kiểm tra, trưởng đoàn kiểm tra phải công bố quyết định kiểm tra với chủ phương tiện, đồ vật, địa điểm hoặc người điều khiển phương tiện, người quản lý đồ vật, địa điểm (đối tượng kiểm tra); tiến hành kiểm tra theo nội dung ghi trong quyết định kiểm tra và đề nghị đối tượng kiểm tra cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra.
Trong quá trình kiểm tra, nếu đoàn kiểm tra phát hiện hành vi vi phạm không thuộc nội dung quyết định kiểm tra; hành vi vi phạm vượt quá thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của người ban hành quyết định kiểm tra thì đoàn kiểm tra lập biên bản và đề nghị người có thẩm quyền giải quyết; nếu có dấu hiệu tội phạm thì thực hiện theo quy định của pháp luật.
Bộ Công an đề nghị chấp hành đúng quy định về bảo mật, không được cung cấp cho người không có trách nhiệm các thông tin, tài liệu liên quan đến cuộc kiểm tra.
“Nghiêm cấm việc tiến hành kiểm tra mà không có quyết định của cấp có thẩm quyền hoặc tự ý mở rộng đối tượng, nội dung, phạm vi kiểm tra hoặc lợi dụng việc kiểm tra để sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng kiểm tra”- dự thảo thông tư của Bộ Công an nhấn mạnh.