Nghỉ Tết quá dài làm gián đoạn kỷ luật lao động
Bộ Nội vụ vừa có công văn gửi Bộ LĐTB&XH thống nhất với phương án nghỉ Tết Âm lịch “2 ngày cuối năm Bính Thân và 3 ngày đầu năm Đinh Dậu”. Theo đó, thời gian công chức, viên chức được nghỉ là 7 ngày, không hoán đổi ngày nghỉ để kéo dài thời gian nghỉ Tết (dự kiến lên 10 ngày).
Theo đó, công chức, viên chức nghỉ Tết Âm lịch từ Thứ năm, ngày 26/1/2017 đến hết Thứ tư ngày 1/2/2017. Tuy nhiên, phương án nghỉ lễ, Tết 2017 chính thức sẽ được Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Phóng viên VOV.VN phỏng vấn chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty InvestConsult Group (chuyên về tư vấn đầu tư và kinh doanh) về nội dung này.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty InvestConsult Group |
PV: Thưa ông, là Tổng Giám đốc một công ty, ông nghiêng về phương án nghỉ tết 7 ngày hay 10 ngày? Vì sao?
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt: Tôi nghĩ, chúng ta nghỉ dài hay ngắn là phụ thuộc vào trình độ phát triển của xã hội. Năng suất lao động thấp, lao động giá rẻ nhiều thì thời gian lao động càng dài càng tốt. Còn khi xã hội đã phát triển đến mức cao ngày nghỉ càng nhiều càng tốt. Vậy chúng ta phải đánh giá xem mình ở mức nào trong đời sống phát triển để chọn mô hình nghỉ ngắn hay dài?
Vài ba tết gần đây chúng ta thấy chuyện kết hợp nghỉ tết nối dài ra, ví dụ như tết Giáp Ngọ nghỉ đến 9-10 hôm. Kỳ nghỉ quá dài sẽ làm gián đoạn thói quen lao động và kỷ luật lao động.
Theo tôi, Chính phủ nên qui định ngày nghỉ Tết như trước đây là vừa đủ. Nghỉ dài quá tức là kéo dài sự ăn chơi, trong khi chúng ta lại có một khoảng cách giàu nghèo rất lớn, người giàu ăn chơi nhiều quá làm cho người nghèo tủi thân. Có thể chúng ta kéo dài ngày nghỉ Tết với ý định kích cầu, nhưng tôi cho rằng cũng không kích cầu gì được bằng việc kéo dài ngày nghỉ Tết, bởi vì đại bộ phận người Việt vẫn còn nghèo. Mua sắm lớn liên quan đến tiền nhiều, chứ không liên quan đến nghỉ nhiều.
Hơn nữa không nên kích cầu theo kiểu đó, bởi vì mua sắm là đòi hỏi thường xuyên của con người, không nên mua sắm trong sự kích động.
Lý thuyết về mua sắm trong việc tổ chức ngày nghỉ cần phải xem xét lại cho hợp lý hơn và cần phải làm cho con người bình tĩnh mua sắm, chứ không phải là rối loạn nhu cầu mua sắm. Người tiêu dùng càng bình tĩnh trong mua sắm bao nhiêu thì càng thông thái bấy nhiêu.
Sự thông thái của người tiêu dùng xuất hiện trong việc lựa chọn chất lượng sản phẩm, kể cả lựa chọn số lượng để có sự tiết kiệm trong quá trình mua sắm.
PV: Có ý kiến cho rằng, nghỉ tết 10 ngày sẽ bớt tốn kém cho ngân sách nhà nước và cũng là thời gian để cho người dân hoàn thành những việc gia đình mà họ chưa làm được trong năm. Ông có đồng tình với ý kiến này không?
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt: Ý kiến cho rằng để cho cán bộ, viên chức nhà nước nghỉ nhiều ngày đỡ tốn kém chi phí là không có cơ sở khoa học. Tôi nghĩ là tất cả mọi hoạt động cung cấp dịch vụ công, dịch vụ tư đều phải hoạt động bình thường và người lao động thay phiên nhau làm. Không thể ngừng cung cấp dịch vụ cho xã hội tới 10 ngày.
Đặc biệt, chúng ta cần phải siết chặt lại kỷ luật ở các cơ quan của Nhà nước và tổ chức lại kỷ luật xã hội để đảm bảo những khu vực dịch vụ hoạt động thường xuyên.
PV: Thưa ông, lâu nay vẫn có những tranh luận về lộ trình gộp tết nguyên đán vào tết Tây bởi khoảng thời gian nghỉ hai tết gây ảnh hưởng ghê gớm tới hoạt động sản xuất. Nhiều người cho rằng chúng ta nên nghỉ tết Tây giống nước bạn. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt: Tôi không thể ủng hộ ý kiến ấy. Quên tết Âm lịch của người Việt đi để đảm bảo chúng ta làm việc với người nước ngoài dễ hơn hoặc quên tết Dương lịch đi để đảm bảo giữ gìn bản sắc của chúng ta, cả hai khuynh hướng ấy đều cực đoan và sai.
Chúng ta là con người, chúng ta có đặc trưng văn hóa của mình, chúng ta giữ gìn các truyền thống của mình với một thái độ nhân nhượng lẫn nhau giữa các đòi hỏi văn hóa.
Cứ thử mà xem, người ta sẽ vẫn nghỉ cả hai tết, dù có cho nghỉ hay không. Vấn đề là bố trí thời gian nghỉ vừa đủ cho cả hai cái tết ấy. Ở Việt Nam những năm gần đây cả hai tết ấy đều được nghỉ dài hơn mức cần thiết, đặc biệt là cho phép nối các ngày nghỉ thông thường với Tết. Điều đó rất có hại. Ngày nghỉ quá dài tức là trạng thái nghỉ lao động kéo dài, làm sao nhãng những thói quen và cả tâm lý sản xuất.
Nghỉ thế nào cho hợp lý là một vấn đề. Tôi nghĩ rằng cần phải có những kết luận dựa trên các phân tích khoa học về cấu trúc của thời gian nghỉ ảnh hưởng như thế nào đến quá trình sản xuất của người lao động cụ thể hoặc của cả bộ máy.
PV: Nếu thay đổi về kế hoạch thì chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi được, nhưng thay đổi về nhận thức thì không đơn giản như vậy, thưa ông?
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt: Tôi nghĩ, tất cả các nhận thức đều có thể thay đổi, nếu không thay đổi tức là không nhận thức mà không có nhận thức là chết và đứng yên. Sự thay đổi chính là động lực sống của nhận thức. Chúng ta cứ thay đổi, cứ suy nghĩ và đi tìm điểm hợp lý của quá trình dịch chuyển các nhận thức, kể cả nhận thức về ngày nghỉ./.