Nạn đổ trộm rác thải tại khu đô thị: Ngăn chẳng được, cấm không xong
Những túi rác thải sinh hoạt bốc mùi được chủ nhân tiện đâu vứt đó, những đống phế thải vật liệu xây dựng được đổ trộm ven đường chất đống cao ngất... Thực trạng này tại các khu đô thị mới ở TP. Hà Nội như một câu chuyện không có hồi kết.
Phế thải vật liệu xây dựng chất đống, khu đô thị Văn Khê, phường La Khê, Hà Đông. Ảnh: P.V |
Ra đường gặp... rác
Theo khảo sát của nhóm phóng viên Báo TNVN tại các quận nội thành Hà Nội như: Hoàng Mai, Hà Đông, Cầu Giấy..., tình trạng rác thải sinh hoạt và rác thải vật liệu xây dựng được đổ tràn lan ra đường gây mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn tai nạn giao thông và ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân đang khiến người dân bức xúc.
Tại Khu đô thị Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai cách đây chục năm về trước được xem là khu đô thị kiểu mẫu xanh sạch đẹp bậc nhất Thủ đô Hà Nội, với những tiện ích công cộng là niềm tự hào của những người dân sinh sống ở đây: Hồ điều hòa trong sạch chạy quanh bán đảo, cây xanh bao phủ, không khí trong lành, đường phố khang trang…
Thế nhưng, niềm tự hào đó chỉ còn là quá khứ khi giờ đây, môi trường sống tại Khu đô thị này đang bị ô nhiễm môi trường đến mức báo động. Những tòa nhà cao tầng như khu HH của đại gia điếu cày Lê Thanh Thản, hay tòa nhà cao tầng Rainbow được đưa vào sử dụng kéo theo sự gia tăng dân số chóng mặt. Ngày càng nhiều những căn hộ chung cư được chủ cải tạo, sửa chữa cho hợp ý, hợp phong thủy… Tỷ lệ thuận với đó, “bãi” tập kết phế thải VLXD nằm sát tường tòa nhà HH cũng cao dần lên. Cảnh quan khu đô thị kiểu mẫu trở nên nhếch nhác.
Trên con phố Linh Đường chạy dài ra tận ngã ba Pháp Vân - Giải Phóng, chất đầy hai bên đường là những đống rác thải cao cả mét do người dân đổ trộm rác sinh hoạt và phế thải VLXD. Ngổn ngang từ bê tông, cát, vữa, gạch... đến những chiếc tủ, giường, bồn rửa tay, bồn lavabo... cũ, hỏng được người dân tập kết trên các bãi đất trống quanh khu đô thị.
Bác Hạnh sống trong khu Linh Đàm cho biết: “Người dân trong khu thường xuyên đem rác thải sinh hoạt, phế thải VLXD ra đây vứt tràn lan. Nơi đây dần trở thành núi rác lộ thiên che kín vỉa hè. Công nhân của công ty môi trường họ chỉ đi thu gom rác trong các tòa nhà chung cư chứ họ không thu gom các phế thải VLXD này đâu. Còn con đường chạy quanh ven hồ, cách quãng một lại là vài túi rác thải sinh hoạt để sẵn”.
Bác L, một cán bộ đảng viên đã nghỉ hưu cho hay, hồ điều hòa Linh Đàm đang bị ô nhiễm do chất thải và rác thải ngày đêm tống xuống hồ. Cách đây không lâu, cá chết nổi trắng mặt hồ. Không giấu được sự tiếc nuối, bác L thở dài: “Năm 2004, tôi chuyển về Khu đô thị Linh Đàm sinh sống bởi thích môi trường trong sạch ở đây. Giờ khu này ngày đêm xe chạy rầm rập phục vụ các công trình đang xây dựng, khói bụi ô nhiễm ngày đêm bủa vây khu đô thị. Chưa kể đến sự “tấn công” từ rác thải sinh hoạt, phế thải VLXD tràn lan quanh khu”.
Tại khu đô thị Định Công - láng giềng của khu đô thị Linh Đàm - con đường “đau khổ” ven Sông Lừ, phố Định Công lầy lội mùa mưa, bụi mù mùa nắng. Chạy dọc ven bờ Sông Lừ là những đống phế thải VLXD được đổ tràn lan cao quá đầu người…
Cùng chung cảnh ngộ là khu đô thị Văn Khê ở phường La Khê, quận Hà Đông. Tình trạng phế thải VLXD được tập kết thành đống ngay đường vào khu đô thị, chiếm hết cả lối đi ảnh hưởng xấu tới môi trường sống và tiềm ẩn tai nạn giao thông của hàng ngàn người dân sinh sống tại đây. “Tình trạng phế thải VLXD bủa vây khu đô thị Văn Khê đã tồn tại nhiều năm nay. Dân cũng đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền và công ty môi trường Hà Đông nhưng sau khi công ty môi trường dọn sạch sẽ thì chỉ vài hôm sau, đâu lại vào đấy”, anh H, cư dân khu đô thị cho hay.
Không ít các tuyến đường trong nội đô Hà Nội, hàng đoàn xe rác của các công ty môi trường tập kết trên các vỉa hè, bốc mùi hôi thối nồng nặc khiến người tham gia giao thông qua đây phải nhăn mặt, phóng xe qua cho nhanh.
Phường làm ngơ hay bất lực?
Rác thải bủa vây đường bán đảo Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai. ( Ảnh: P.V). |
Để làm rõ những vấn đề về rác thải nêu trên, phóng viên Báo TNVN đã đến làm việc với các UBND phường sở tại. Dù khu đô thị Văn Khê thuộc địa bàn quản lý của phường La Khê, quận Hà Đông, song ông Nguyễn Hữu Hiển - Chủ tịch UBND phường La Khê vẫn không hay biết về tình trạng phế thải VLXD chất đống từ ngày này sang ngày khác tại khu đô thị này bởi “chưa nhận được thông tin phản ánh nào từ người dân”.
Theo ông Hiển, nếu có tình trạng xả phế thải VLXD gây ảnh hưởng xấu đến vệ sinh môi trường như phản ánh của phóng viên, là bởi hiện Khu đô thị Văn Khê đang trong quá trình xây dựng, các hạng mục công trình còn dở dang.
Khi được hỏi về trách nhiệm quản lý của phường sở tại trong việc xử lý những vi phạm xả thải rác trên địa bàn, ông Hiển tỏ ra sốt sắng: “Ngay sau buổi làm việc này, chúng tôi sẽ sang Khu đô thị Văn Khê để kiểm tra thực tế. Nếu có tình trạng này, tôi sẽ trực tiếp làm việc với nhà thầu đang thi công”.
Ông Hiển cũng cho hay, trước đây, đã có tình trạng nhà thầu đổ bừa VLXD ở các đường nhánh và chúng tôi đã nhiều lần phải thuê người dọn. Chúng tôi đi kiểm tra ban ngày nhưng tối họ mới đổ trộm, hoặc đợi lúc chúng tôi không có mặt thì đổ trộm rác phế thải. Không thể bắt anh em trực cả ngày cả đêm để bắt vi phạm.
Trong Chỉ thị số 08-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác đảm bảo trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn Thủ đô, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở tập trung thực hiện tốt, có nhiệm vụ duy trì đảm bảo vệ sinh môi trường; xây dựng nếp vệ sinh hằng ngày, hằng tuần tại các hộ gia đình, tổ dân phố, khu dân cư; quy hoạch, bố trí đủ các thùng rác nơi công cộng. Nghiên cứu bổ sung chế tài và xử lý nghiêm việc vứt rác, xả rác trên đường phố, nơi công cộng, việc tập kết vật liệu, đổ phế liệu, phế thải không đúng quy định. Bố trí lực lượng định kỳ thu gom rác trên các tuyến phố; áp dụng cơ giới hóa khâu thu gom rác, hút bụi đường phố.
Tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, ông Nguyễn Mạnh Hà, cán bộ quản lý đô thị phường Hoàng Liệt thừa nhận có nhiều đống phế thải VLXD trên dọc tuyến phố Linh Đường như phóng viên phản ánh. Ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết, tình trạng đổ trộm phế thải tại địa điểm này là nhức nhối nhất trên địa bàn phường. Việc bắt quả tang xe đổ trộm phế thải không phải dễ dàng bởi việc này thường xảy ra vào ban đêm và diễn ra rất nhanh, gây khó khăn cho phường trong công tác xử lý. Đó cũng là một nguyên nhân khiến tình trạng đổ trộm rác thải chưa thể chấm dứt hoàn toàn.
Có thời gian Công an phường đã phải cắm, phục để bắt những xe đổ trộm phế thải, đưa về phường lập biên bản xử lý và xử phạt hành chính theo quy định. Tuy vậy, địa bàn phường rộng mà lực lượng chức năng mỏng nên phường không thể quán xuyến 24/24h.
Khi được hỏi về biện pháp xử lý tình trạng đổ rác thải không đúng nơi quy định, ông Nguyễn Mạnh Hà cho hay: “Lãnh đạo phường đã chỉ đạo các lực lượng thường xuyên tuần tra. Khi phát hiện trường hợp đổ trộm rác thải, chúng tôi sẽ cùng 4 đơn vị, xí nghiệp phụ trách thu gom rác trên địa bàn phường lập biên bản, kiểm tra khối lượng để xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nhà nước, sau đó tổ chức thu dọn”.
Với những biện pháp mang tính giải quyết phần ngọn mà các phường sở tại đưa ra, thì tình trạng tràn lan các loại rác sẽ vẫn còn là câu chuyện không có hồi kết./.