Mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em bị xâm hại, bạo lực
Theo báo cáo của Bộ Công an, năm ngoái cả nước xảy ra hơn 1.500 vụ xâm hại trẻ em, trong đó, có 1.293 em bị xâm hại tình dục. Lực lượng công an đã xác minh, điều tra xử lý hình sự 1.255 vụ với 1.360 đối tượng. Tuy nhiên tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em có chiều hướng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội.
Gần 60% số trẻ bị xâm hại bởi người quen, hàng xóm |
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ bị xâm hại được phát hiện, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%. Những hành vi, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ chỉ khi chạm ngưỡng hình sự mới bị phát hiện, xử lý. Đáng chú ý là trẻ bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình chiếm tỷ lệ cao với hơn 21%; gần 60% số trẻ bị xâm hại bởi người quen, hàng xóm. Khoảng hơn 68% số trẻ em từ 1-14 tuổi phải chịu ít nhất một hình phạt thể chất hoặc tâm lý bởi các thành viên trong gia đình.
Nếu trước đây, tình trạng xâm phạm tình dục đối với trẻ em chủ yếu xảy ra ở vùng sâu vùng xa, những khu vực dân cư thưa thớt, hẻo lánh, trình độ dân trí thấp, thì hiện nay, ngày càng nhiều vụ xâm phạm tình dục trẻ em được phát hiện ở các khu đô thị, thành phố lớn. Nạn nhân chủ yếu là các bé gái từ 12 đến dưới 16 tuổi, cá biệt có trường hợp nạn nhân mới chỉ 3, 4 tuổi. Gần đây còn có cả tình trạng xâm phạm tình dục đối với trẻ em nam, nhưng các cơ quan chức năng rất lúng túng khi xử lý vì cho rằng pháp luật của ta chưa có quy định.
Tính chất của các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Trẻ em bị bạo lực, xâm hại với nhiều độ tuổi, xảy ra ngay trong môi trường gia đình hoặc trường học, do nhiều đối tượng gây ra. Trong khi đó, quy định pháp luật, chính sách cụ thể liên quan đến bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em vẫn đang trong quá trình rà soát, nghiên cứu, kiến nghị hoàn thiện.
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội Lê Quân cho biết: “Có những cái bộc lộ ra trong thời gian vừa qua. Thứ nhất là thông tin đời tư chúng ta chưa chú ý được nhiều dẫn đến nhiều gia đình sau vụ việc đó thường là lánh đi và không tham gia vào những việc sau này. Thứ hai là chúng ta có những quy định pháp luật về một số hành vi phạm tội, nhất là hành vi dâm ô với trẻ em và một số hành vi khác chưa rõ ràng, do đó việc tranh tụng và giải quyết vấn đề còn nhiều bất cập. Bộ sẽ đưa ra một số giải pháp trong thời gian tới”./.