Lo khó thu hồi 630 tỷ đồng từ ông Đinh La Thăng
Ông Đinh La Thăng tại một phiên toà (Ảnh: TTXVN). |
Như Dân trí đã phản ánh, trong vụ án PVN mất 800 tỷ đồng khi góp vốn vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) vừa kết thúc xét xử sơ thẩm cách đây ít ngày, bị cáo Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch HĐTV PVN - bị TAND Hà Nội tuyên phạt 18 năm tù và buộc bồi thường 600 tỷ đồng. 6 bị cáo khác liên đới bồi thường 200 tỷ đồng.
Trước đó, trong vụ án cố ý làm trái liên quan đến dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, TAND TP Hà Nội cũng xác định các bị cáo đã gây thiệt hại nhà nước khoảng 120 tỷ đồng; trong đó, riêng bị cáo Đinh La Thăng bị tuyên mức án 13 năm tù và phải bồi thường 30 tỷ đồng, các đồng phạm khác của ông Thăng phải bồi thường khoảng 89 tỷ đồng.
Như vậy, tổng số tiền mà ông Đinh La Thăng sẽ phải bồi thường trong hai vụ án lên tới 630 tỷ đồng.
Không bị kê biên, phong toả tài sản
Mặc dù đến nay bị cáo Đinh La Thăng và các bị cáo khác đã nộp đơn kháng cáo hai bản án sơ thẩm nhưng điều dư luận đặc biệt quan tâm là tính khả thi của việc thu hồi số tài sản rất lớn này bởi trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng đã không kê biên bất kỳ tài sản nào của ông Đinh La Thăng và các đồng phạm.
Tại sao lại như vậy? Theo luật sư Phạm Văn Phất (Đoàn luật sư TP Hà Nội), Bộ luật Tố tụng hình sự hiện nay chỉ nói đến biện pháp kê biên, thẩm quyền kê biên, kê biên thế nào, ở giai đoạn nào mà không khẳng định đây là biện pháp bắt buộc.
“Theo quy định hiện hành thì các cơ quan tố tụng chỉ kê biên tài sản khi xác định các hành vi phạm tội có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản. Đối với nhóm tội cố ý làm trái thì có thể kê biên hoặc không kê biên và đây là quyền của cơ quan tố tụng”- ông Phất phân tích.
Ông Phất đánh giá đây là kẽ hở của luật, khiến cơ quan tiến hành tố tụng có thể làm hoặc không làm việc kê biên, phong toả tài sản. Việc này vô hình chung sẽ đẩy khó khăn cho cơ quan thi hành án dân sự khi tiến hành thu hồi tài sản về sau.
Chung quan điểm, TS. Dương Thanh Biểu - nguyên Phó viện trưởng VKSND Tối cao đánh giá việc thu hồi tài sản, khắc phục thiệt hại từ các đại án từ trước tới nay gặp rất nhiều khó khăn do việc quản lý dòng tiền lỏng lẻo, kê khai tài sản thiếu minh bạch và không biết được chính xác người nào đó có bao nhiêu tiền.
Theo ông Biểu, vụ án liên quan đến ông Đinh La Thăng và đồng phạm lớn như thế mà không tiến hành kê biên tài sản đảm bảo thi hành án, thu hồi tài sản về sau là sai sót.
Thách thức quá lớn vì đã có rất nhiều tiền lệ
Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Quang Tiến - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội cho biết, khi bản án có hiệu lực pháp luật sẽ được chuyển cho cơ quan thi hành án để tiến hành xác minh điều kiện thi hành và thu hồi tài sản.
“Về nguyên tắc thì các nhóm tội liên quan đến việc phải bồi thường thiệt hại, đặc biệt các tội về kinh tế, thì trong quá trình điều tra, truy tố đều có thể phong toả tài sản của người liên quan. Khi đó cơ quan điều tra phải chứng minh được người đó có tài sản, thuộc sở hữu của họ thì mới kê biên được; nếu không xác định được tài sản thì khó kê biên. Nếu cơ quan tố tụng không áp dụng các biện pháp đảm bảo, kê biên tài sản từ trong quá trình điều tra, truy tố thì việc thi hành dân sự sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì số tiền phải thu hồi quá lớn”- ông Tiến cho hay.
Cục Thi hành án dân sự Hà Nội mới ra quyết định chưa có điều kiện thi hành đối với số tiền trên 1.300 tỷ đồng phải thu hồi của bà Phạm Thị Bích Lương- nguyên Giám đốc Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội. |
Ông Tiến dẫn chứng vụ việc mà Cục Thi hành án dân sự Hà Nội phải thu hồi số tiền lớn nhất từ trước tới nay lên tới 2.500 tỷ đồng cho ngân hàng Agribank, trong đó riêng bà Phạm Thị Bích Lương- nguyên Giám đốc Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội gần 1.400 tỷ đồng nhưng đến nay chưa thực hiện được bao nhiêu. Không những vậy, mới đây sau khi thu hồi được trên 1 tỷ đồng và xác minh thấy bà Lương đã hết tài sản, cơ quan thi hành án đã phải ra quyết định “chưa có điều kiện thi hành” với số tiền còn lại lên tới trên… 1.300 tỷ đồng (!).
Việc thu hồi tài sản trong các vụ án lớn những năm qua luôn khiến Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp)… đau đầu. Nguyên nhân chủ yếu là bởi số tiền phải thi hành án rất lớn nhưng tài sản đảm bảo, bị kê biên phong toả để thi hành chiếm tỷ lệ rất nhỏ hoặc thậm chí không có (?!). Việc xử lý của cơ quan tố tụng tập trung chủ yếu vào trách nhiệm hình sự của các cá nhân liên quan, chứ chưa quan tâm đúng mức tới việc thu hồi tài sản.
Ví dụ điển hình thường được cơ quan thi hành án dân sự đưa ra trong suốt nhiều năm qua là vụ Vinashin và Vinalines. Khoảng 1.000 tỷ đồng trong đại án xảy ra tại Vinashin không có khả năng thu hồi được. Cựu Chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình bị toà tuyên phải bồi thường thiệt hại hơn 500 tỷ đồng nhưng đến nay chả “nộp lại” được bao nhiêu.
Trong năm 2017 Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội đã ra quyết định không có điều kiện thi hành án đối với khoản tiền trên 88,5 tỷ đồng của Dương Chí Dũng - cựu Chủ tịch Vinalines vì xác minh thấy “không còn tài sản”.
Chi cục Thi hành án dân sự quận Đống Đa (Hà Nội) cũng đã ra quyết định chưa có điều kiện thi hành án khoản tiền trên 38 tỷ đồng của ông Trần Hữu Chiều - cựu Phó Tổng giám đốc Vinalines vì lý do tương tự.
Trong đại án liên quan đến “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như- nguyên quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Vietinbank chi nhánh TP HCM có khoảng 9.000 tỷ đồng không có khả năng thi hành án.
Chính vì thế, việc ông Đinh La Thăng và đồng phạm không bị kê biên, phong toả tài sản đang đặt ra thách thức rất lớn cho cơ quan thi hành án dân sự trong thời gian sắp tới.