Lên kịch bản vỡ đập thủy điện trong mùa mưa bão
Theo báo cáo của Sở Công Thương Quảng Nam, quy hoạch thủy điện tỉnh Quảng Nam gồm 46 dự án đã được phê duyệt, với tổng công suất hơn 1.726MW, điện lượng bình quân hơn 6,530 triệu kWh/năm, bao gồm 10 thủy điện bậc thang do Bộ Công Thương phê duyệt và 36 dự án thủy điện vừa và nhỏ do UBND tỉnh phê duyệt.
Việc triển khai đầu tư các dự án thủy điện đối với 10 công trình thủy điện thuộc bậc thang hệ thống sông Vu Gia-Thu Bồn, đến nay đã có 8 công trình phát điện với tổng công suất 958MW và 2 công trình đang xây dựng. 36 thủy điện vừa và nhỏ đã có 12 công trình phát điện với công suất 153,96 MW; 3 công trình đang thực hiện đầu tư xây dựng và 21 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
Tỉnh Quảng Nam làm việc với các chủ hồ chứa thủy điện và các địa phương chiều 10/8 |
Tổng số các thủy điện được phê duyệt đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã phải thu hồi và chuyển đổi mục đích hơn 12 nghìn ha đất của nhà nước và nhân dân. Trong đó, có 9 công trình thủy điện lớn có di dân tái định cư cho hơn 1.000 hộ tái định cư tại chỗ và 688 hộ di dân tự do…
Trong thời gian vừa qua, việc quản lý, vận hành và chế độ thông tin báo cáo của các công trình hồ chứa thủy điện thực hiện cơ bản đảm bảo theo quy trình vận hành liên hồ chứa được ban hành và quy chế phối hợp được ký kết, qua đó cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra, góp phần giảm lũ, chậm lũ cho hạ du trong mùa lũ và đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt.
Tính đến tháng 8/2018, mực nước hồ A Vương là 348,83 m, cao hơn mức quy định 36,27 m; hồ Sông Bung 4 là 206,29 m, cao hơn mức quy định là 1,29 m; hồ Đăk Mi 4 là 248,03 m, cao hơn quy định 2,41 m; hồ Sông Tranh 2 là 144,79 m, cao hơn quy định là 18,84 m…
Ông Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu |
Một số hồ chứa có mực nước rất cao so với quy định, nếu không kịp thời có biện pháp xả lũ trước mùa mưa sẽ không thể cắt lũ trong đầu mùa mưa lũ, nguy cơ tạo nên tình trạng “lũ chồng lũ” khó tránh khỏi.
Ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam - kiến nghị thủy điện Sông Bung 4 và Đak Mi 4 thực hiện lắp đặt bổ sung các trạm quan trắc mưa trên lưu vực để nâng cao công tác cảnh báo, dự báo lũ về hồ, thực hiện tính toán hoặc thuê đơn vị tư vấn tính toán, xây dựng các kịch bản điều tiết lũ ứng với từng trận mưa gửi về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh để phục vụ cho công tác theo dõi, chỉ đạo vận hành, điều tiết hồ trong mùa mưa lũ; tiếp tục đầu tư xây dựng tháp báo lũ, trạm loa phát thanh phục vụ cho công tác thông tin, truyền tin vận hành, điều tiết trong mùa mưa lũ để nhân dân biết và chủ động theo dõi và ứng phó.
Đáng chú ý, tại buổi làm việc, ông Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu - cho biết, hiện tượng động đất xảy ra thời gian qua tại các huyện miền núi Quảng Nam là do hoạt động thủy điện. Cụ thể ở đây là do việc tích nước.
Theo ông Anh, thời điểm thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My) tích nước, từ tháng 9-12/2012, hiện tượng động đất ở huyện này xảy ra dày đặt. Theo thời gian đã giảm độ lớn nhưng không giảm tần suất. Tuy nhiên, việc dự báo hiện tượng động đất rất khó, chỉ báo tin khi xảy ra.
Thủy điện Sông Tranh 2 xả lũ |
Ngoài động đất ở huyện Nam Trà My và Bắc Trà My, mới đây tại huyện Phước Sơn, từ ngày 14-31/5, đã có 6 trận với độ lớn từ 2-3 độ richter. Đáng nói, Phước Sơn hiện có thủy điện Đăk Mi 3 và Đăk Mi 4 đã tích nước. Điều này khiến nhiều đại biểu quan tâm và yêu cầu cần xem lại huyện Phước Sơn có phải động đất kích thích do tích nước hay không.
Kết luận tại buổi làm việc, ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - đề nghị phải khẩn trương kiểm tra lại tất cả các phương án, kể cả phương án đã phê duyệt rồi và chưa được phê duyệt các phương án về vận hành phòng chống bão lũ để đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du, nhất là việc tính toán phương án xấu nhất khi xảy ra sự cố, đặc biệt là phương án vỡ đập.
Ông Thanh cũng đề nghị các chủ dự án thủy điện mời các chuyên gia, các đơn vị tư vấn nghiên cứu để tư vấn cho các phương án vỡ đập xảy ra để có kịch bản cần thiết; yêu cầu các chủ hồ, chủ thủy điện thuê đơn vị tư vấn để đánh giá lưu vực hồ, đánh giá đặc điểm về thời tiết, khí tượng thủy văn ở trên địa bàn lưu vực hồ của mình, từ đó để xác định cần thiết lắp đặt bao nhiêu trạm đo cho phù hợp.
Mục đích cuối cùng là vừa đảm bảo an toàn công trình cho chính cái hồ đó và đảm bảo cung cấp thông tin chính xác vào mùa lũ về văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN để căn cứ ra quyết định vận hành.
“Về động đất, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh phải nắm thông tin, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Viện Vật lý địa cầu; đề nghị Viện Vật lý địa cầu thông tin kịp thời chính xác, cảnh báo và dự báo về động đất để cho chính quyền địa phương có cơ sở chỉ đạo, ứng phó kịp thời nhất là ảnh hưởng đến các công trình thủy lợi, thủy điện…”, ông Lê Trí Thanh chỉ đạo.