Hơn 10 năm, Hà Nội vẫn loay hoay tìm cơ chế cải tạo chung cư cũ
Sở Xây dựng Hà Nội vừa lấy ý kiến các chuyên gia để tìm cơ chế khung cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội và những rào cản cần tháo gỡ.
Theo thống kê của Sở Xây dựng, hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 1500 chung cư cũ (xây từ những năm 1960 – 1990) tại 76 khu và 306 khu chung cư độc lập có quy mô từ 2-5 tầng. Phần lớn chung cư cũ này đã hết niên hạn sử dụng và phân bố chủ yếu tại 4 quận nội đô.
Trên địa bàn Hà Nội có khoảng 1500 chung cư cũ nằm chủ yếu ở 4 quận nội thành |
Từ năm 2003, UBND TP Hà Nội đã giao nhiệm vụ cho các nhà đầu tư phối hợp với chính quyền quy hoạch lại 26 khu chung cư tập trung, 67 nhà chung cư độc lập. Tuy nhiên, đến nay mới có 14 chung cư cũ được xây dựng mới và đưa vào sử dụng, 5 chung cư cũ đang phá dỡ, triển khai xây dựng. Có 4 khu chung cư cũ nguy hiểm cấp D đang tổ chức di dời nhưng chưa có phương án xây dựng lại, nhiều người dân chưa ủng hộ việc cải tạo.
Theo ông Nguyễn Trần Nam - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam - để cải tạo chung cư cũ cần linh động cho phép tăng số tầng của dự án. Ngoài ra, để bù đắp chi phí tài chính cho chủ đầu tư tại các dự án cải tạo chung cư cũ có thể quy hoạch thành dự án trung, cao cấp.
Để đảm bảo an toàn cho người dân, ông Nguyễn Trần Nam cho rằng, với chung cư hết niên hạn thì cần đưa vào cải tạo ngay chứ không cần kiểm định. Cơ quan chức năng cần quy hoạch tổng thể khu nào làm trước, khu nào làm sau. Để tạo sự đồng bộ về cảnh quan, với những tòa chưa đến hạn sử dụng nhưng đã xuống cấp thì cũng phải tính tới yếu tố quy hoạch để làm mới lại cho hiện đại.
Ông Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, cải tạo chung cư cũ cần phải được lập quy hoạch cho toàn khu chung cư cứ không nên làm từng nhà riêng lẻ. Ngoài ra, quy hoạch này cũng phải tôn trọng quy hoạch chung của thành phố với các tiêu chí cần đảm bảo là mật độ dân số, không gian và hệ số sử dụng đất.
Nhiều chung cư xuống cấp nghiêm trọng nhưng Hà Nội chưa tìm được cơ chế để cải tạo |
Để cải tạo chung cư cũ, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề xuất 6 cơ chế chính sách khung, trong đó có chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư như hoàn trả diện tích căn hộ tái định cư với hệ số k=1; Trường hợp diện tích căn hộ tái định cư tại chỗ lớn hơn thì chủ sở hữu phải trả tiền mua diện tích tăng thêm cho nhà đầu tư với giá thành xây lắp cộng 10% lợi nhuận định mức cho nhà đầu tư.
Với những hộ tại tầng 1 đang kinh doanh được bố trí thuê 1 ki ốt để kinh doanh khi dự án cải tạo, xây dựng mới nhà chung cư hoàn thành, đối với nhà thấp tầng giá trị bồi thường theo thực tế diện tích sử dụng hợp pháp. Trường hợp nếu di chuyển ra ngoài vành đai 3 thì được ưu tiên mua căn hộ với hệ số k = 2 tại dự án nhà ở thương mại do doanh nghiệp thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư làm chủ đầu tư.
Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thừa nhận việc cải tạo chung cư cũ đang gặp nhiều khó khăn do những vướng mắc về pháp lý chưa được tháo gỡ đầy đủ. Hiện nay, thành phố đã giao cho 18 nhà đầu tư tham gia nghiên cứu, lập quy hoạch 26 khu chung cư thành những khu đô thị đa chức năng. Tùy khu vực sẽ có cơ chế hỗ trợ, đối ứng đi kèm đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng, quy hoạch đóng vai trò quan trọng trong cải tạo chung cư cũ. Muốn có cơ chế rõ ràng, các đơn vị cần đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch, từ đó thành phố và các cơ quan chức năng mới xem xét và đưa ra được cơ chế thực hiện.