Những khu du lịch này mọc lên dọc tuyến đường từ Kim Liên đến cửa hầm đường bộ Hải Vân, các công trình được xây dựng rất kiên cố gồm nhà cửa, khu vực đón khách và vui chơi. Dọc suối Lương, nhiều chòi được đúc bằng bê tông mọc lên san sát.

Theo UBND phường Hòa Hiệp Bắc, các trường hợp này phát sinh từ năm 2008 -2014, trước khi Kiểm lâm bàn giao đất rừng cho địa phương quản lý. Họ kinh doanh dịch vụ du lịch, tắm suối, ăn uống nhưng không hề đăng ký kinh doanh.

Ngày 25/5, UBND quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) - cho biết, vừa có báo cáo gửi UBND thành phố về tình trạng dựng lều quán, kinh doanh buôn không phép tại khu vực suối Lương.

hang loat khu du lich khong phep moc len o suoi luong

Các khu du lịch không phép đã tồn tại nhiều năm nay

Theo UBND quận Liên Chiểu, qua kiểm tra thực tế, hiện tại có 9 trường hợp xây dựng lán trại tạm thời hoạt động kinh doanh buôn bán tại khu vực suối Lương. Hoạt động chủ yếu là buôn bán, ăn uống, giải khát, không tổ chức kinh doanh du lịch và tắm suối. Tuy vậy có một số khách đến ăn uống, có đi dạo dọc suối và tắm suối một cách tự phát.

Trong 9 trường hợp xây dựng nêu trên, có 5 trường hợp xây dựng tạm nhưng với quy mô tương đối (kết cấu tường xây gạch, mái lợp tôn, diện tích từ 20 – 100m2), 4 trường hợp dựng lều tạm (kết cấu trụ gỗ, mái lợp lá, diện tích từ 20 – 50m2). Tất cả các trường hợp này đều đã tồn tại từ trước năm 2014.

hang loat khu du lich khong phep moc len o suoi luong

Rất đông du khách đổ về các khu du lịch không phép để vui chơi, tắm suối

Cũng theo UBND quận Liên Chiểu, hầu hết các trường hợp dựng lều quán kinh doanh buôn bán tại khu vực suối Lương là buôn bán nhỏ, đa phần là dân gốc địa phương, thuộc diện giải tỏa các dự án (như khu công nghiệp Liên Chiểu, hầm đường bộ Hải Vân…) không còn đất nông nghiệp để sản xuất, không có công ăn việc làm sau giải tỏa, đời sống kinh tế của nhiều hộ còn gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết công ăn việc làm, nhiều hộ dân đã kết hợp giữa trồng rừng với chăn nuôi, một số hộ tận dụng mặt bằng thuận lợi sát đường công vụ, dọc theo bờ suối để kinh doanh buôn bán, phục vụ nhu cầu đến dã ngoại, nghỉ mát tại khu vực suối Lương nhằm kiếm thêm thu nhập, cải thiện trước mắt.

UBND quận Liên Chiểu cũng cho biết, hướng giải quyết là tạm thời giữ nguyên hiện trạng đối với các trường hợp xây dựng trái phép tại khu vực này; không được cơi nới, xây dựng mới, không được thay đổi hiện trạng theo nội dung đã thống nhất với Chi cục kiểm lâm thành phố. Sau khi có kết luận của Thanh tra thành phố và UBND thành phố chỉ đạo hướng xử lý, UBND quận Liên Chiểu sẽ tổ chức triển khai thực hiện nghiêm theo chủ trương của thành phố; đồng thời tổ chức triển khai rà soát, xử lý và sắp xếp lại toàn bộ hoạt động tại khu vực suối Lương.

Ông Nguyễn Hữu Thiết, Phó chủ tịch quận Liên Chiểu – cho hay, các công trình này xuất hiện và tồn tại đến nay là do yếu tố “lịch sử”. Lúc quận nhận bàn giao đất từ Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Hải Vân thì những công trình này đã có rồi. Trong 1.631ha nhận bàn giao, có 45ha xây dựng vật kiến trúc của các trường hợp nêu trên là quận không nhận.

“Để xảy ra xây dựng và hoạt động du lịch trái phép ở Hải Vân, trách nhiệm là của Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Hải Vân”, ông Thiết nói.