Giao thông ở Hà Nội đang bị cao ốc nội đô “bức tử”
Trong khi chung cư cao tầng đang đua nhau mọc lên khắp các khu vực ngoại thành Hà Nội, thì ở khu vực nội đô, nhiều tòa nhà cao vút cũng đã và đang được hoàn thiện. Điều này đã làm tăng dân số cục bộ ở nhiều khu vực, trong khi hệ thống hạ tầng giao thông lại được đầu tư chậm chạp, tỷ lệ đất dành cho giao thông rất thấp.
Hậu quả là tình trạng tắc đường ngày càng trở nên nghiêm trọng, nhất là ở những khu vực có nhiều chung cư cao tầng.
Tại Hà Nội, không chỉ đường nhỏ, phố nhỏ mới tắc, mà ngay cả đường rộng vài chục mét, đường đôi vẫn phải “oằn mình” mỗi ngày vì áp lực giao thông. Một trong những nguyên nhân khiến tắc đường ngày càng nghiêm trọng là việc ồ ạt xây dựng chung cư cao tầng, một tòa nhà đã chất tải cả nghìn dân.
Cao ốc đua nhau mọc trong nội đô |
Trên một đoạn khoảng 6 km từ đầu đường Tố Hữu nối với đường Lê Văn Lương ra Khuất Duy Tiến đã có khoảng 30 tòa nhà cao tầng án ngữ ngay mặt đường. Trên trục đường Trần Phú, hơn 2 năm trở lại đây, có hàng chục khu nhà từ 17 đến hơn 30 tầng mọc lên như tòa nhà Fodacon, Sông Đà, Hồ Gươm Plaza...
Các tòa nhà san sát nhau hoặc chỉ cách nhau vài trăm mét. Bên cạnh đó, các khu đô thị với hàng loạt tòa nhà cao tầng như Royal City, Times City đang để lại hậu quả là ngày nào cũng tắc đường thành hàng dài vào giờ cao điểm. Nhiều người dân Hà Nội rất bức xúc trước thực tế này.
Mặc dù cao ốc mọc lên “như nấm” trên khắp các tuyến phố, nhưng hạ tầng giao thông lại chuyển biến một cách chậm chạp, thậm chí giữ nguyên hiện trạng, nên không thể đáp ứng nhu cầu đi lại khi mật độ dân số tăng cao. Các dự án chung cư tăng nhanh bao nhiêu, thì các dự án giao thông công cộng như đường sắt trên cao, tuyến buýt nhanh… lại ì ạch bấy nhiêu.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia phân tích: “Phát triển giữa đô thị, khu ở và các chức năng đô thị khác và với hệ thống kết nối hạ tầng giao thông không đồng điệu. Tôi lấy ví dụ như khu Royal City làm xong sau khoảng 4-5 năm, đã hình thành thói quen sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân cho cư dân ở đấy rồi, thì đường sắt đô thị bắt đầu mới hình thành và cũng không có sự kết nối nào giữa tuyến đường sắt đô thị với người dân ở đó. Nhà ở, hạ tầng giao thông phải đồng bộ, đi đôi với nhau, nhưng hiện nay chúng ta mới chỉ nhấn mạnh quá nhiều vào nhà ở”.
Việc cho phép xây dựng cao ốc đồng loạt, ồ ạt mà thiếu tính toán về vị trí, áp lực dân số, hạ tầng cơ sở… đang góp phần phá vỡ quy hoạch đô thị ở Hà Nội, và việc khắc phục hậu quả là rất khó khăn.
Bà Vũ Thị Vinh, nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam nhận định, trong các quy hoạch của Hà Nội đều có quy hoạch về giao thông, nhưng thực tế là giao thông vẫn chưa được quan tâm đúng mức mà đang quan tâm quá nhiều đến xây nhà ở.
Quy hoạch các khu đô thị, chung cư cao tầng lại thiếu sự kết nối đồng bộ với giao thông công cộng, nên không hình thành ngay từ đầu thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng cho cư dân, dẫn đến tăng dân số đồng nghĩa với tăng nhanh phương tiện giao thông cá nhân.
Phát triển đô thị ở Hà Nội đang theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, chỉ cần có đất là nhà đầu tư tìm mọi cách thu mua, xây chung cư để bán và thu lợi nhuận “khủng”, còn việc khớp nối giao thông, người dân đi lại thế nào thì chưa được chú ý.
Theo ông Lưu Đức Cường – Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng), việc quan trọng cần làm ngay là nhanh chóng có biện pháp kiểm soát mật độ nhà cao tầng và mật độ dân cư ở từng khu vực tại Hà Nội.
Theo các chuyên gia, bên cạnh giải pháp như có lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, khắc phục những bất cập của giao thông công cộng, thì trong công tác quy hoạch đô thị, giao thông cần được coi là lĩnh vực ưu tiên.
Trong việc quản lý đô thị, các cấp chính quyền thành phố Hà Nội cũng cần nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá lại việc cấp phép xây dựng, phát triển “nóng” chung cư cao tầng. Nếu cứ tiếp diễn tình trạng này, thì việc phát triển đô thị một cách bền vững vẫn sẽ chỉ là những mỹ từ “nằm trên giấy”./.