“Giảm biên chế cứ nói đồng tình nhưng đụng tới mình lại không được“
Chiều 16/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và thảo luận về báo cáo Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2016.
Bộ máy phình ra về tổ chức và biên chế là do đâu?
Sau khi nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi: Với tổ chức bộ máy hiện nay có đảm bảo hiệu lực hiệu quả? Bộ máy phình ra cả về tổ chức và biên chế là do yêu cầu quản lý hay lý do nào khác?
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định |
Thay mặt đoàn giám sát trả lời câu hỏi trên, Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định cho biết, trong nhiều văn bản đã đánh giá bộ máy trong những năm qua có hiệu lực hiệu quả tăng lên, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.
Còn bộ máy phình ra cả về tổ chức và biên chế trước hết có nguyên nhân do yêu cầu quản lý tăng, quy mô nền kinh tế, dân số... tăng nên đội ngũ tăng. B
ên cạnh đó có lý do không chấp hành không đúng văn bản của trên, thậm chí có văn bản của Bộ quy định không thống nhất với văn bản của Chính phủ dẫn đến có nơi áp dụng Nghị định, có nơi áp dụng Thông tư.
Một nguyên nhân nữa được Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội chỉ ra là do trình độ cán bộ thấp nên có nơi nói đáng lẽ một việc giao cho một người thì phải cần tới hai người làm.
Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân thẳng thắn cho rằng bộ máy hành chính đến giờ này còn cồng kềnh. Thông thường giao đầu mối phân cấp quản lý mà chưa tính cơ cấu bên trong cơ quan chuyên môn nên vừa qua đầu mối không tăng nhiều nhưng bên trong lại tăng nhiều cục, chi cục, phòng. Do đó, sắp tới phải kiểm soát cơ cấu này.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân |
Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, hiện một việc phải trải qua quá nhiều cấp hành chính nên tiến tới phân cấp mạnh. Như ở địa phương thì giao theo thẩm quyền chuyên môn chứ không “đùn” việc lên UBND, từ đó cũng giúp giảm bộ máy.
Ngoài ra, đối tượng tinh giản cần mở rộng và có sàng lọc và cơ cấu đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.
Quy định rõ để tránh việc lãnh đạo nhiều hơn nhân viên
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, số lượng cơ quan cấp tỉnh vừa qua quy định “phần cứng” nhiều quá nên những địa phương có đặc thù riêng muốn thành lập đơn vị nào đó cho phù hợp cũng khó. Do vậy, Bộ Nội vụ tham mưu giảm “phần cứng” và tăng “phần mềm” để địa phương sáp nhập hay lập mới theo yêu cầu đặc điểm địa phương.
Với cấp Phòng cũng vậy, sắp tới giao cho tỉnh bình quân không quá bao nhiêu, còn lĩnh vực nào quan trọng theo đặc điểm địa phương thì có thể tự bố trí như có nơi cần 4 mà có nơi chỉ cần 1 hoặc 2.
Trong cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp Bộ thì quy định số lượng bao nhiêu người thì thành lập phòng, như: Không quá 5 người thì chỉ có trưởng phòng, 7 người có thêm 1 phó,... để đảm bảo không có chuyện lãnh đạo cao hơn chuyên viên.
Người đứng đầu ngành Nội vụ cũng cho biết, hiện tỷ lệ tinh giản biên chế còn thấp. Chỉ thị của Chính phủ giao trách nhiệm người đứng đầu, xem đây là tiêu chí đánh giá và nếu không thực hiện tốt thì sẽ xem xét xử lý.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên giám sát |
Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định Quốc hội đã chọn chủ đề giám sát rất đúng và rất trúng; đồng thời đánh giá báo cáo giám sát công phu, thể hiện khá toàn diện, phản ánh thực trạng bộ máy hành chính chúng ta hiện nay.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng báo cáo mới chú ý nói về cải cách, sắp xếp mà chưa phân tích về mối liên hệ tới hiệu quả hoạt động của bộ máy. Sau 2 năm, số biên chế tinh giản còn thấp và trong làm rõ nguyên nhân chưa đi sâu làm bật lên được nguyên nhân chủ quan.
“Nói tinh giản biên chế ai cũng đồng tình nhưng khi nói tới cơ quan mình, địa phương và lĩnh vực mình thì ai cũng không đồng ý, thậm chí còn đòi tăng. Cái này là chủ quan, đụng tới cơ quan nào cũng nói còn đang thiếu phải xin thêm” – Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn chỉ rõ./.