Giải pháp hạn chế rác thải nhựa từ chương trình "Vòng quay tái chế"
Bức tranh bản đồ Việt Nam của sinh viên lớp k53, Khoa Môi trường được tạo nên sau 2 tuần làm việc từ 2.000 nắp chai nhựa đã qua sử dụng. |
Bức tranh bản đồ Việt Nam của sinh viên lớp k53, Khoa Môi trường được tạo nên sau 2 tuần làm việc từ 2.000 nắp chai nhựa đã qua sử dụng. Ngoài giúp người xem thấy được tổng quát về lãnh thổ quốc gia, cập nhập những thay đổi liên quan đến yếu tố địa hình, dân cư, thổ nhưỡng, khí hậu, hay thời tiết, bức tranh cũng hướng tới việc góp phần nâng cao ý thức về việc tái sử dụng rác thải nhựa, bảo vệ môi trường.
Sinh viên Nguyên Phi Hùng, Khoa Môi trường, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên chia sẻ: "Nhóm em đã tạo ra bức tranh này với mong muốn giảm thiểu ô nhiễm ra bên ngoài. Nhóm em đã chia nhau để đi thu gom chai nhựa tạo thành bản đồ".
Cuộc thi cũng có nhiều tác phẩm thể hiện tính sáng tạo trong thiết kế, tạo dựng những sản phẩm hữu dụng từ các phế liệu nhựa, vật liệu đã qua sử dụng trong sinh hoạt gia đình, học tập, sản xuất. |
Cuộc thi cũng có nhiều tác phẩm thể hiện tính sáng tạo trong thiết kế, tạo dựng những sản phẩm hữu dụng từ các phế liệu nhựa, vật liệu đã qua sử dụng trong sinh hoạt gia đình, học tập, sản xuất như: Vỏ chai nhựa, túi nilon, phế thải nhựa trong quá trình sản xuất… Mục tiêu là hướng tới việc nâng cao ý thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường trong mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên nhà trường.
Tiến sĩ Trần Hải Đăng, Bí thư Đoàn thanh niên Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên cho hay: "Nhà trường và Đoàn thanh niên mong muốn các bạn sinh viên sau khi đã hiểu ý nghĩa của tái chế rác thải nhựa cũng như giảm thiểu rác thải sẽ lan tỏa đối với người thân để cùng xây dựng một xã hội giảm thiểu rác thải nhựa nhiều nhất. Trong thời gian tới, đoàn trường sẽ tổ chức nhiều chương trình tập huấn, cuộc thi hơn nữa để các bạn sinh viên và người dân tham gia".
Đây là hoạt động có tính hội nhập cao với sự tham gia của các tổ chức đoàn thể trong nước và quốc tế, đặc biệt là chương trình dự án SWAP do Liên minh Châu Âu tài trợ, thành viên đến từ 13 trường, trung tâm đào tạo trên thế giới như: Đức,Ý, Hy Lạp, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Duy Hải, Điều phối Dự án SWAP, Đại học Nông lâm Thái Nguyên cho biết: "Các bạn đem đến những sản phẩm có ý nghĩa nhân văn, để tăng khả năng cũng như nâng cao nhận thức của người dân trong việc tái chế chất thải nhựa một cách tốt nhất và bền vững nhất".
Có thể thấy, việc góp phần thay đổi hành vi sử dụng đồ nhựa của mỗi sinh viên, người dân và cộng đồng, góp phần hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần thông qua việc sử dụng các biện pháp thay thế như: tái sử dụng túi nilon khó phân hủy, sử dụng các loại túi giấy, túi vải hoặc túi nilon sinh học dễ phân hủy, thân thiện với môi trường. Đây là quá trình lâu dài và bền bỉ đỏi hỏi sự chung tay của toàn xã hội để thay đổi ý thức dẫn đến thay đổi thói quen. Có vậy mới hạn chề dần tình trạng “ô nhiễm trắng” biến rác thải nhựa thành tài nguyên, bảo vệ môi trường sống của chính chúng ta cho ngày hôm nay và thế hệ mai sau./.