Thống kê của Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (389) thành phố Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, ngành chức năng thành phố đã xử lý trên 12.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại (tăng hơn 1000 vụ so với cùng kỳ năm ngoái). Thực tế này cho thấy, công tác đấu tranh với loại tội phạm này trên địa bàn Hà Nội vẫn còn rất nhiều khó khăn.

gia tang thu doan buon lau gian lan thuong mai
Số hàng lậu bị lực lượng QLTT Hà Nội thu giữ trong một vụ buôn lậu.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội, thời gian qua, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp. Hàng lậu, hàng cấm được vận chuyển theo các đường dây, ổ nhóm, có cấu kết từ các tỉnh biên giới vào tiêu thụ trong nội thành Hà Nội. Hoạt động buôn lậu thường tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, được tiêu thụ mạnh như thuốc lá, rượu, hoa quả, nông sản, quần áo may sẵn, đồ điện tử, sản phẩm công nghệ, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm các loại, gia cầm…

Thiếu tướng Đinh Văn Toản, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, 6 tháng đầu năm 2017, Công an thành phố Hà Nội đã xử lý trên 1300 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, với số tiền phạt 49 tỷ đồng và truy thu thuế 264 tỷ đồng.

“Qua khám phá một số chuyên án chúng tôi thấy hiện nay, các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại lợi dụng triệt để công nghệ thông tin để đặt hàng, có những hợp đồng thông qua mạng. Thủ đoạn không phải như xưa nữa. Đồng thời trong các hợp đồng đối tượng cũng có những thủ đoạn để xóa những thông tin trong việc gom hàng từ nước ngoài, sản xuất hàng từ nước ngoài. Cái này rất là tinh vi”, Thiếu tướng Đinh Văn Toản cho biết.

Qua đấu tranh của lực lượng chuyên trách cho thấy, các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại khi bị kiểm tra thường dùng hóa đơn mua hàng với giá trị thấp hơn so với giá bán trên thị trường, quay vòng hóa đơn; kê không đúng số lượng, chủng loại, mã hàng hóa. Hàng hóa được vận chuyển, gom ở các tỉnh ven Hà Nội, từ đó đi vào thành phố theo nhiều cung đường, địa điểm, thời gian khác nhau. Trong đó, tập kết nhiều ở quận Hoàng Mai - địa bàn có nhiều bến xe, bến tàu và hàng trăm kho chứa hàng hóa. Đó là các điểm tập kết ở bãi Lưu Xá (phường Thanh Trì), Bãi xe 785 Trương Định, cảng Khuyến Lương, các điểm trung chuyển hàng hóa ở ga Giáp Bát, Bến xe phía Nam, Bến xe tải Thanh Trì.

gia tang thu doan buon lau gian lan thuong mai
Quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ một vụ buôn hàng lậu.

Bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàng Mai cho biết, hầu hết các kho chứa hàng trên địa bàn quận đều không đủ kiều kiện chứa hàng chuyên dùng. Hàng hóa tập kết tại các bãi này chủ yếu xuất xứ từ Trung Quốc như kim khí, đồ điện phụ tùng ô tô, các chất tẩy rửa.

Từ thực tế trong việc quản lý kho bãi dẫn đến hiệu quả đấu tranh với tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại chưa cao, bà Nguyễn Kiều Oanh đề nghị: Ban chỉ đạo 389 quận Hoàng Mai đề xuất xem xét đưa ra các quy định về điều kiện kinh doanh kho bãi, điều kiện về quy chuẩn về các kho lưu trữ hàng hóa, phù hợp với các đối tượng hàng hóa khác nhau. Điều này nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa và phòng chống cháy nổ.

“Cũng kiến nghị với đoàn kiểm tra liên ngành thành phố hỗ trợ công tác tăng cường phối hợp, kiểm tra kiểm soát chặt chẽ hơn nữa trong chống buôn lậu và gian lận thương mại đối với các kho bãi trên địa bàn quận”, bà Oanh nói.

Một trong những khó khăn trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại được Ban chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội lý giải là do hệ thống văn bản pháp luật thiếu đồng bộ, chồng chéo, chế tài không rõ ràng, nên khó áp dụng trong quá trình phát hiện bắt giữ, điều tra, xử lý.

gia tang thu doan buon lau gian lan thuong mai
Một vụ sản xuất nước Lavie giả bị CA quận Hai Bà Trưng bắt giữ.

Tuy nhiên, từ thực tế của ngành Hải Quan, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội cho rằng, nguyên nhân của tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn chưa được kiềm chế, đẩy lùi là do sự phối hợp chưa hiệu quả giữa các ngành chức năng. Ông Nguyễn Văn Hồng viện dẫn, mặc dù Chính phủ đã có quy định về việc cung cấp thông tin đối với các cơ quan hoạt động tại cảng hàng không, nhưng trên thực tế sự phối hợp lại rất khó khăn, nhất là hồ sơ rủi ro đối với hành khách, hàng hóa.

“Cơ quan nào cũng bảo có bí mật riêng. Công an, an ninh đều nói có bí mật riêng nên việc chia sẻ rất hạn chế, mặc dù đã có quy chế phối hợp rồi. Theo tôi một trong những giải pháp chống buôn lậu có hiệu quả chính là việc chia sẻ thông tin, đồng thời tin cậy lẫn nhau. Tôi nghĩ quy chế phối hợp có hết rồi mà không chia sẻ thông tin, không tin cậy lẫn nhau, tôi nghĩ không làm được cái gì cả…”, ông Hồng cho biết.

Thông tin từ đại diện Cục Hải quan Hà Nội cho thấy, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn là vấn đề thách thức. Chừng nào việc chia sẻ thông tin, hợp tác giữa các ngành chức năng chưa được thực hiện nghiêm túc, thì rất khó để trả lời câu hỏi về hiệu quả chống buôn lậu, buôn bán hàng giả trên địa bàn thành phố Hà Nội./.