Dự án cấp nước gần 700 tỷ chậm tiến độ vì dân không giao mặt bằng
Dự án cấp nước cho thành phố Buôn Ma Thuột và vùng phụ cận thuộc 3 huyện Ea Kar, Krông Năng và Buôn Đôn của tỉnh Đắk Lắk có tổng số vốn đầu tư 30,8 triệu USD (tương đương 685 tỷ đồng). Nguồn vốn này chủ yếu được vay ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và một phần đối ứng từ ngân sách địa phương.
Khu vực bể chứa, bể lọc đang gấp rút được hoàn thiện. |
Nhà máy có công suất thiết kế 35.000 m3/ngày/đêm, bao gồm hệ thống đường ống dẫn nước từ sông Sêrêpốk về nhà máy đặt tại xã Ea Na, huyện Krông Ana, được khởi công xây dựng từ tháng 11/2017 dự kiến hoàn thành đi vào hoạt động từ cuối năm nay.
Tuy nhiên gói thầu thi công hệ thống đường ống dẫn nước về nhà máy tại xã Ea Na, huyện Krông Ana đang bị ngưng trệ. Nguyên nhân do 11 hộ dân ở hai thôn Tân Thắng và Tân Lập, xã Ea Na không chịu bàn giao mặt bằng.
Ông Huỳnh Văn Thành ở thôn Tân Thắng cho rằng, việc thi công đường ống có thể ảnh hưởng đến nhà cửa và nương vườn, nên yêu cầu dự án cần có phương án đền bù thỏa đáng.
Ông Huỳnh Văn Thành nói: "Nếu thi công thì ai sẽ đứng ra bảo lãnh trường hợp sau này đất sụt, nhà bị nứt, móng bị vỡ... của chúng tôi. Nếu đơn vị thi công làm thỏa đáng, chúng tôi đồng ý, nhưng tôi nghĩ đơn vị làm cũng không thể như trước của các hộ dân chúng tôi".
Trong khi hệ thống ống dẫn nước về nhà máy đang bị ngưng trệ. |
Ông Trần Văn Thiện, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk cho biết, hạng mục nhà máy lọc nước được xây dựng trên diện tích 1,4 ha.
Các bể chứa, bể lọc cùng hai dãy nhà điều hành rộng hơn 500 m2 đang gấp rút được hoàn thiện. Riêng phần thi công đường ống dẫn nước ở khu vực xã Ea Na, huyện Krông Ana đang bị ngưng trệ vì các hộ dân không chịu bàn giao mặt bằng.
Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ dự án, nguy cơ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) sẽ cắt vốn, điều chuyển sang dự án khác.
"Họ đòi hỏi 1m đi qua qua nhà họ là 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/1m ngang, thậm chí có những hộ gia đình đòi đền bù lên đến 30 triệu đồng trong khi đây thật ra là đất hành lang an toàn giao thông. Nếu tình trạng này kéo dài, không thi công được, không giải ngân được vốn họ sẽ cắt vốn chuyển cho công trình khác sẽ gây thiệt thòi cho người dân, công ty và mất uy tín của UBND tỉnh", ông Trần Văn Thiện cho biết thêm.
Bà H’Duyên Ksơr, Chủ tịch UBND xã Ea Na, huyện Krông Ana cho biết, trước khi triển khai dự án, đại diện Công ty TNHH MTV Cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk, UBND xã và ngành chức năng ở địa phương đã tổ chức họp dân, cung cấp thông tin liên quan đến việc triển khai dự án.
Trong đó, nói rõ hạng mục đường ống dẫn nước dài 6,7 km đi qua một số thôn, buôn trên địa bàn. Việc thi công hệ thống đường ống không phải đền bù giải phóng mặt bằng, mà chỉ hỗ trợ một phần kinh phí bồi hoàn hiện trạng khi hệ thống ống nước được lắp đặt.
Hầu hết người dân trong vùng dự án đã đồng tình, ủng hộ. Việc một số hộ dân ở thôn Tân Thắng và Tân Lập không đồng ý, không bàn giao mặt bằng là trường hợp ngoại lệ.
Bà H’Duyên Ksơr, Chủ tịch UBND xã Ea Na khẳng định: “Để dự án triển khai đúng tiến độ, chính quyền và ngành chức năng địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động để các hộ này bàn giao mặt bằng. Chúng tôi đã phối hợp và vận động được 3 hộ/11 nhất trí bàn giao mặt bằng và công ty đang tiến hành thi công. Tiếp đến chúng tôi sẽ vận động các hộ còn lại để họ bàn giao mặt bằng tạo điều kiện cho nhà thầu hoàn thiện công trình".
Một số hộ dân ở xã Ea Na đòi bồi thường cao, không đúng quy định. |
Từ nhiều năm qua, cứ đến mùa khô, thành phố Buôn Ma Thuột lại đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Việc đầu tư xây dựng thêm nhà máy cung cấp nước sạch cho thành phố Buôn Ma Thuột và vùng phụ cận là chủ trương của UBND tỉnh Đắk Lắk.
Đừng vì một số hộ dân ở xã Ea Na, huyện Krông Ana chưa đồng thuận, không bàn giao mặt bằng mà ảnh hưởng đến tiến độ công trình, ảnh hưởng đến nhu sử dụng nước sạch mang tính cấp thiết và lâu dài của cả một vùng rộng lớn./.