Đổi thay từ việc chuyển đổi số ở vùng dân tộc, miền núi
Hệ thống camera an ninh của xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai |
Hơn 1 năm nay, việc phải đến từng nhà để thông báo công việc chung của xóm đối với anh Nguyễn Văn Lâm, Trưởng xóm Bản Chương, xã Sảng Mộc là rất ít. Anh cũng không phải gọi điện cho từng hộ dân như trước. Bởi chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, 80 hộ dân trong xóm sẽ nhận được thông báo… Ở xóm Bản Cương, số hộ lắp đặt mạng Internet cũng tăng lên khi có đường truyền được kéo qua xóm vào tận trường học Tiên Sơn, Khuổi Mèo. Nhiều hộ dân ở đây còn ví việc có mạng như có điện.
Anh Hà Văn Hùng, xóm Bản Chương, xã Sảng Mộc, Võ Nhai chia sẻ: "Có mạng thật tuyệt, được cập nhật thông tin về đời sống kinh tế, xã hội, giúp việc buôn bán rất thuận tiện".
Anh Nguyễn Văn Lâm, Trưởng xóm Bản Chương, xã Sảng Mộc, Võ Nhai cho biết thêm về việc thông tin nội bộ thôn: "90% có điện thoại thông minh nên tiếp thu được thông báo".
Chuyển đổi số không chỉ ở việc lắp đặt hạ tầng mà còn là vấn đề thay đổi nhận thức của người dân được thụ hưởng. Điều này đối với xã Thượng Nung đã có những tín hiệu lạc quan. Hệ thống camera an ninh mới được đưa vào sử dụng là một minh chứng. Toàn bộ thiết bị đều được huy động xã hội hóa. Bên cạnh đó, 9 hộ dân ở các điểm đặt camera đều đồng lòng ủng hộ đường điện, đường mạng để duy trì hoạt động.
Anh Lương Văn Tiệp, xóm Trung Thành, xã Thượng Nung, Võ Nhai: "Tôi rất ủng hộ việc lắp camera an ninh để đảm bảo an ninh của xóm, xã".
Bà Lương Thị Mỹ Chải, Chủ tịch UBND xã Thượng Nung, Võ Nhai cho biết: "Hệ thống camera an ninh trong xã có 9 mắt để phục vụ các điểm trọng yếu. Do nguồn lực còn hạn chế nên chúng tôi rất mong muốn các tổ chức, cá nhân hỗ trợ kinh phí để chúng tôi duy trì và mở rộng thêm".
Việc quan tâm, tăng cường chuyển đổi số tới vùng núi, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số ở huyện Võ Nhai đang từng ngày góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Các dịch vụ, thủ tục hành chính đang dần thay đổi theo hướng áp dụng công nghệ thông tin. Làm việc qua mạng, điều này là một hiện thực hoàn toàn khác xa so với nhiều năm về trước khi mà mọi công việc đều phải có mặt chủ thể trực tiếp thực hiện. Hoạt động y tế, giáo dục đang dần thay đổi theo hướng tạo nên những công dân số.
Học tin học ở Trường Tiểu học và THCS Tiên Sơn, xã Sảng Mộc, huyện Võ Nhai |
Em Ngô Xuân Trường, Lớp 6 Trường Tiểu học và THCS Tiên Sơn, xã Sảng Mộc, Võ Nhai: "Máy tính giúp em tìm hiểu về thế giới bên ngoài, đọc được nhiều loại báo thú vị khác nhau".
Ông Phạm Thanh Vinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Tiên Sơn, xã Sảng Mộc, Võ Nhai thông tin: "Nhà trường đã được đầu tư phòng học tin học, hệ thống máy tính, giúp cho việc dạy và học của trường được nâng lên rõ rệt".
Ông Ma Duy Yến, Phó Chủ tịch UBND xã Sảng Mộc, Võ Nhai cho biết: "Chuyển đổi số đã giúp bà con giảm thiểu thời gian đi thực hiện thủ tục hành chính. Hiện nay mức độ 3-4 tạo điều kiện cho bà con hợp lý".
Về nội dung này, bà Hà Thị Bích Hồng, Bí thư Huyện ủy Võ Nhai khẳng định: "Nếu làm tốt sẽ tạo được sự đồng thuận, tạo niềm tin rất lớn của người dân đối với cấp ủy Đảng và chính quyền huyện trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra".
Chuyển đổi số là một trong những dấu ấn nổi bật của Thái Nguyên sau 190 năm hình thành và phát triển. Những kết quả bước đầu đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân, đồng bào dân tộc thiểu số càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tích cực lao động sản xuất, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn. Chuyển đổi số tạo dấu ấn mới cho diện mạo nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số, góp phần vào quá trình xây dựng quê hương Thái Nguyên ngày càng giàu đẹp./.