Điều dưỡng - nghề thầm lặng
Với đặc thù của dịch bệnh phải cách ly hoàn toàn người bệnh trong quá trình điều trị, bởi vậy, ở giữa tâm dịch, người điều dưỡng không chỉ thực hiện chuyên môn, mà còn là người thân luôn sát cánh và động viên người bệnh COVID-19. |
Trong suốt 4 làn sóng dịch vừa qua, đã có hơn 1.400 cán bộ y tế của ngành Y tế Thái Nguyên đi thẳng vào tâm dịch để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ y tế, riêng Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên có hơn 500 cán bộ y tế, trong đó có hơn 300 điều dưỡng tham gia vào nhiều nhiệm vụ cam go trong cuộc chiến đối đầu trực diện với biến chủng Delta ở tuyến đầu. Với đặc thù của dịch bệnh phải cách ly hoàn toàn người bệnh trong quá trình điều trị, bởi vậy, ở giữa tâm dịch, người điều dưỡng không chỉ thực hiện chuyên môn, mà còn là người thân luôn sát cánh và động viên người bệnh COVID-19.
Điều dưỡng Hoàng Thị Diễm, Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên chia sẻ: "Bệnh nhân COVID-19 như các cụ và trẻ nhỏ không có người nhà ở lại chăm sóc vì thế chúng tôi rất vất vả".
Dù ở bất cứ vị trí công tác nào, các hội viên chi hội Điều dưỡng đều phát huy vai trò quan trọng để mang lại sự an toàn, chất lượng chăm sóc, sự hài lòng của người bệnh và gia đình người bệnh. |
Để hoạt động điều dưỡng được chuyên nghiệp hóa, khẳng định đúng vai trò của ngành điều dưỡng trong hệ thống y tế nói chung, năm 2019, Chi hội điều dưỡng của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên chính thức được thành lập, đến nay, chi hội đã có gần 500 hội viên. Dù ở bất cứ vị trí công tác nào, các hội viên chi hội Điều dưỡng đều phát huy vai trò quan trọng để mang lại sự an toàn, chất lượng chăm sóc, sự hài lòng của người bệnh và gia đình người bệnh. Đặc biệt, trong thành công của các kỹ thuật chuyên sâu được thực hiện tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên trong thời gian vừa qua đều có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ điều dưỡng viên.
Chị Hà Thị Phượng, huyện Đồng Hỷ cho hay: "Tôi cảm thấy rất yên tâm, các bác sĩ, điều dưỡng đều nhiệt tình, tận tụy".
Điều dưỡng Hoàng Thị Thùy Linh, Phòng điều dưỡng, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết: "Những ca trực thâu đêm để chăm sóc, theo dõi, điều trị cho người bệnh. Khi nhìn thấy người bệnh hồi phục sức khỏe và được ra viện đó là nguồn động viên để chúng tôi tận tâm với nghề hơn".
Điều dưỡng chuyên khoa I Phan Thị Loan, Trưởng phòng điều dưỡng, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên nhấn mạnh: "Trong thời điểm đại dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp như hiện nay, Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp cả về cơ sở vật chất cũng như về trang thiết bị, máy móc; tạo điều kiện học tập để nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ điều dưỡng phát triển, để đội ngũ điều dưỡng hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân".
Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên vừa chính thức được công nhận là bệnh viện hạng đặc biệt của toàn quốc. Nhân lực chất lượng cao vẫn được xác định là giải pháp chiến lược trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển. Với chuyên ngành điều dưỡng, đơn vị đang ngày càng nỗ lực hoàn thiện đội ngũ, nâng cao trình độ chuyên môn, tác phong phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người dân với dịch vụ y tế.
Thầy thuốc Ưu tú Lê Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết: "Chúng tôi tiếp tục tuyển chọn, bồi dưỡng, đào tạo những điều dưỡng, kỹ thuật viên có trình độ chuyên môn sâu và chuyên nghiệp trong hoạt động chuyên môn để đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh, điều trị trong bệnh viện có chất lượng cao; giúp cho các điều dưỡng, kỹ thuật viên có điều kiện làm việc tốt nhất. Ngoài việc xây dựng cơ sở vật chất, các trang thiết bị đi kèm để làm sao hoạt động điều dưỡng được hỗ trợ tốt nhất".
Mô hình bệnh tật càng phức tạp, trách nhiệm và vai trò của nghề điều dưỡng càng được khẳng định trong sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Tận tụy, nhiệt huyết, chuyên nghiệp – hình ảnh đẹp về người điều dưỡng sẽ luôn song hành với sự phát triển của y tế Thái Nguyên – cánh chim đầu đàn của y tế khu vực miền núi phía Bắc./.