* Gia tăng lây nhiễm COVID-19 ở Ấn Độ và thế giới đang ở giữa cuộc khủng hoảng COVID tồi tệ nhất, cùng với những điểm nhấn sau 100 ngày nắm quyền tại Nhà Trắng của Tổng thống Joe Biden là hai sự kiện nổi bật thế giới tuần qua.

- Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 2/5 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 152.775.253 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3.205.333 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 781.236 và 12.230 ca tử vong mới. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 3.688 ca), tiếp theo là Brazil (2.150 ca) và Mỹ (624 ca).

Điểm sự kiện từ ngày 26/4/2021 đến ngày 2/5/2021
Chở củi vào một bãi hoả táng thi thể nạn nhân COVID-19 ở Ấn Độ. Ảnh: AP

Ấn Độ hiện không phải là điểm nóng COVID toàn cầu duy nhất. Thổ Nhĩ Kỳ đã bước vào đợt phong toả toàn quốc đầu tiên từ 29/4, một bước đi không mong muốn do tỷ lệ lây nhiễm ở nước này đang cao nhất châu Âu. Iran ghi nhận số ca tử vong hàng ngày cao nhất từ đầu dịch cho đến nay vào đầu tuần trước, trong bối cảnh nhiều thị trấn, thành phố phải đóng cửa để hạn chế dịch lây lan.

Bức tranh trên hầu khắp khu vực Nam Mỹ cũng ảm đạm không kém. Brazil, với trên 14,7 triệu ca nhiễm và trên 400.000 ca tử vong, tiếp tục ghi nhận tỉ lệ tử vong do COVID theo ngày tính trên dân số cao nhất thế giới.

Một số quốc gia đã phải cầu xin thế giới giúp đỡ để đối phó với khủng hoảng. Máy tạo oxy, máy thở và các vật tư y tế khác đã được nhiều nước cứu trợ cho Ấn Độ trong những ngày gần đây, nhằm giúp giải cứu thảm cảnh ở quốc gia đông dân số 2 thế giới.

Và trong khi một số nước phương Tây đang hướng tới cuộc sống bình thường trở lại trong những tuần tới, thì bức tranh toàn thế giới vẫn còn rất thảm khốc. Đầu tuần này, WHO cho biết số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu đã tăng trong tuần thứ 9 liên tiếp và số ca tử vong tăng tuần thứ 6 liên tiếp.

- Ngày 28/4 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội Mỹ. Sự kiện đánh dấu 100 ngày đầu tiên của ông kể từ khi lên nắm quyền.

Điểm sự kiện từ ngày 26/4/2021 đến ngày 2/5/2021
Tổng thống Joe Biden có bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội Mỹ kể từ khi lên nắm quyền. (Ảnh: EPA-EFE)

Mở đầu bài phát biểu, Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh đến thành công của chính quyền đương nhiệm trong nỗ lực đối phó với đại dịch COVID-19. Mục tiêu tiêm được 100 triệu liều vaccine cho người dân Mỹ trong 100 ngày đầu tiên đã đạt được vào vào ngày thứ 58, sớm hơn 42 ngày so với kế hoạch ban đầu.

Ngay sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Joe Biden đã đề ra hàng loạt các biện pháp phòng chống dịch mạnh mẽ, mang lại kết quả khi giúp tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ giảm, các trường học đã mở cửa trở lại để đón học sinh cũng như giúp các gia đình Mỹ quay trở lại cuộc sống bình thường.

Đề cập đến các gói cứu trợ kinh tế, Tổng thống Mỹ cho biết, kế hoạch cứu trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD được Quốc hội Mỹ thông qua là “một gói cứu trợ hiệu quả nhất trong lịch sử nước Mỹ”. Ngoài ra, ông Joe Biden cũng dự kiến sẽ công bố “Kế hoạch Gia đình Mỹ” trị giá 1.800 tỷ USD, phần thứ 2 trong đề xuất gồm 2 phần nhằm giúp khôi phục nền kinh tế Mỹ sau những tác động của đại dịch COVID-19. Tổng thống Joe Biden cũng đề cập đến vấn đề phân biệt chủng tộc khi đất nước phải đối mặt với những vụ bạo lực mới của cảnh sát đối với người da màu, kêu gọi Quốc hội nhanh chóng thông qua Đạo luật Công lý George Floyd để cải tổ cảnh sát.

Theo một cuộc khảo sát do Hãng tin Reuters thực hiện cùng thời điểm cho thấy, có đến 59% người dân Mỹ hài lòng với những kết quả mà chính quyền Tổng thống Joe Biden đạt được kể từ khi ông chính thức nhậm chức Tổng thống.

* Thông tin trong nước cũng được đăng tải với nhiều tin tức quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội. Nổi bật là Dấu ấn và thông điệp của Việt Nam trên trường quốc tế trong vai Chủ tịch HĐBA LHQ và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp.

- Lần thứ hai đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 4/2021, với sự chuẩn bị chủ động, kỹ lượng, Việt Nam đã hòan thành xuất sắc trọng trách trên, để lại dấu ấn đậm nét là một thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm với khu vực và cộng đồng quốc tế.

Điểm sự kiện từ ngày 26/4/2021 đến ngày 2/5/2021
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên thảo luận mở Cấp cao của Hội đồng Bảo an LHQ. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Trong tháng 4/2021, Việt Nam thúc đẩy và tổ chức các phiên thảo luận với 3 chủ đề: Tăng cường hợp tác giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực trong thúc đẩy lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột; Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững; Bảo vệ cơ sở thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang.

Tại các cuộc thảo luận, Việt Nam đã nêu lên được những ưu tiên xuyên suốt trong nhiệm kỳ tham gia Hội đồng Bảo an. Đây cũng là những vấn đề cụ thể được nghiên cứu kỹ lưỡng để làm sao vừa bảo đảm phù hợp với các ưu tiên, lợi ích của Việt Nam vừa đáp ứng đúng và trúng những quan tâm của cộng đồng quốc tế.

Trong cương vị Chủ tịch, bên cạnh ba chủ đề ưu tiên được thúc đẩy, trong tháng 4/2021, Việt Nam đã điều hành các công việc định kỳ và đột xuất, trong đó có xây dựng và thông qua chương trình làm việc của tháng, chủ trì các cuộc họp chính thức và tham vấn kín của Hội đồng Bảo an, thúc đẩy thương lượng và chủ trì thông qua các quyết định của Hội đồng Bảo an.

Hội đồng Bảo an, dưới sự điều hành của Việt Nam, tiếp tục duy trì một khối lượng công việc lớn với gần 30 cuộc họp cấp Đại sứ và hàng chục cuộc họp, tham vấn ở cấp làm việc để thảo luận về các vấn đề hòa bình, an ninh khu vực và thế giới như gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế; hợp tác giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực và tiểu khu vực; chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; bảo vệ thường dân trong xung đột vũ trang...; đồng thời thông qua hơn 10 văn kiện khác nhau, trong đó có 4 Nghị quyết đều được thông qua bằng đồng thuận.

Bên cạnh việc điều hành các cuộc họp, Việt Nam đã chủ trì buổi làm việc giữa các nước thành viên Hội đồng Bảo an với Tổng Thư ký Liên hợp quốc, duy trì quan hệ phối hợp thường xuyên với báo chí sở tại và quốc tế, thay mặt Hội đồng Bảo an thông tin cho báo chí sau các cuộc họp, duyệt ký và cho lưu hành các tài liệu, văn bản quan trọng của Hội đồng Bảo an trên cương vị Chủ tịch.

Việt Nam đã tham gia đóng góp vào công việc chung của Hội đồng Bảo an trên tinh thần chủ động, tích cực và trách nhiệm, bày tỏ quan điểm của Việt Nam về các vấn đề được Hội đồng Bảo an xem xét, thảo luận, thể hiện rõ lập trường của Việt Nam ủng hộ tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.

Việt Nam luôn nỗ lực thúc đẩy ngăn ngừa xung đột, giảm căng thẳng, tìm giải pháp thỏa đáng cho các tranh chấp, xung đột; ủng hộ vai trò của Liên hợp quốc, các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực.

- Sáng 30/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp khẩn về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp.

Điểm sự kiện từ ngày 26/4/2021 đến ngày 2/5/2021
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các ngành, địa phương thần tốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch với phương châm “chống dịch như chống giặc"; yêu cầu siết chặt trách nhiệm cá nhân, tập thể trong phòng, chống dịch COVID-19.

Thủ tướng nêu rõ, diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới và khu vực hết sức phức tạp, khó dự đoán, khó kiểm soát, tác động lớn đến công tác phòng, chống dịch của Việt Nam.

Thủ tướng cũng cảnh báo, một số cơ sở, địa phương và cá nhân thời gian qua thực hiện chưa thực sự nghiêm túc, chưa hiệu quả các chỉ đạo, quy định phòng, chống dịch; có nơi xuất hiện sự chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Đặc biệt, việc tiếp nhận, cách ly, điều trị mầm bệnh do người nhập cảnh từ bên ngoài mang vào trong nước cũng chưa tốt; việc quản lý, theo dõi người cách ly y tế sau 14 ngày còn lỏng lẻo. Do đó, nguy cơ xuất hiện đợt bùng phát dịch tiếp theo ở Việt Nam là rất lớn và khó dự báo, nhất là sau khi đã xuất hiện một số ca lây nhiễm trong cộng đồng như những ngày vừa qua.

Thủ tướng đề nghị các cơ quan chức năng xem xét biểu dương những cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân làm tốt, thực hiện nghiêm túc và không để xảy ra sự cố; đồng thời kiểm điểm, xem xét xử lý nghiêm khắc các cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và thực hiện không đúng các quy định, để xảy ra lây nhiễm dịch bệnh.

Thủ tướng tái khẳng định mục tiêu cao nhất trong phòng, chống dịch COVID-19 là bảo vệ an toàn sức khỏe cho người dân và thực hiện "mục tiêu kép", vừa phòng, chống dịch có hiệu quả nhưng cũng phải phát triển kinh tế-xã hội để tạo nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch cũng như ổn định tình hình chính trị, xã hội. Đặc biệt, phải làm tốt công tác kiểm soát dịch để tập trung bảo vệ thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Thủ tướng yêu cầu cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội, đặc biệt là người đứng đầu, căn cứ chức năng nhiệm vụ, quyền hạn cần vào cuộc tích cực hơn nữa trong thực hiện "mục tiêu kép", vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, cần cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong công tác phòng, chống dịch.

* Trong tuần, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có nhiều tin tức đáng chú ý: Tỉnh ủy Thái Nguyên sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị; Tập trung thực hiện tốt công tác vận động bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026; Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách về dân tộc; UBND tỉnh tổ chức đối thoại công dân tháng 4 năm 2021…

- Ngày 27/4, Tỉnh ủy Thái Nguyên Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Điểm sự kiện từ ngày 26/4/2021 đến ngày 2/5/2021
Nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2016-2020 đã được khen thưởng tại hội nghị.

Trong 5 năm qua, trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 05 trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Qua kiểm tra, giám sát cho thấy: các cấp ủy Đảng, chính quyền đã nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của Chỉ thị 05. Việc học tập và làm theo Bác đã trở thành thường xuyên, với những nội dung thiết thực, cụ thể hơn, góp phần chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; tăng cường công tác xây dựng Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, tạo sự đồng thuận cao trong triển khai thực hiện, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

Thông qua sự lan tỏa, thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, lối sống cũng như phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã tạo khí thế mới trong học tập, lao động, sản xuất của các tầng lớp nhân dân. Qua đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến với cách làm sáng tạo, thiết thực trên các lĩnh vực đời sống xã hội.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã ghi nhận và biểu dương sự chủ động triển khai Chỉ thị 05 của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các cơ quan, đơn vị góp phần tạo sự lan tỏa, nhận được sử hưởng ứng của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh, hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đang đẩy mạnh thu hút đầu tư và thực hiện chuyển đổi số trên các lĩnh vực, vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên cần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Đặc biệt là việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh tập trung thực hiện tốt các nhóm, giải pháp đề ra.

- Ngày 29/4, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức Hội nghị thông báo tình hình kinh tế - xã hội, triển khai kế hoạch tiếp xúc cử tri vận động bầu cử cho những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Điểm sự kiện từ ngày 26/4/2021 đến ngày 2/5/2021
Toàn cảnh hội nghị

Tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đó, trong giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt bình quân 10,47%; bình quân giá trị sản xuất công nghiệp tăng trên 15%/năm, nông - lâm - thủy sản tăng trên 4,5%; giá trị xuất khẩu tăng trên 10,8%/năm. Hết năm 2020, có 108 số xã đạt chuẩn nông thôn mới; Thái Nguyên đã trở thành 1 trong 3 tỉnh có chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công (Papi) cao nhất cả nước theo khảo sát mức độ hài lòng của người dân, xếp thứ 11 cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Kết quả đó đã góp phần tạo môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, công khai, minh bạch. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 7.700 doanh nghiệp với tổng vốn đăng kí trên 106.000 tỷ đồng, trong đó, có 164 dự án FDI với tổng vốn đăng kí gần 8,7 tỷ USD. Là một trong những tỉnh đầu tiên trên cả nước ban hành Nghị quyết về chương trình chuyển đổi số, đến nay, quá trình thực hiện đang được triển khai đồng bộ, kịp thời, sáng tạo. Tính đến nay, UBND tỉnh đã công bố 1.231 thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp và thực hiện mức độ 4 trên cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng thông tin về những định hướng phát triển của tỉnh Thái Nguyên trong giai đoạn tới.

Trong chương trình, đại diện Ủy ban MTTQ tỉnh đã triển khai kế hoạch tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, các hội nghị tiếp xúc cử tri vận động bầu cử sẽ được tổ chức từ ngày 06-17/5, nhằm tạo điều kiện cho những người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND tỉnh gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri để báo cáo về chương trình hành động nhằm thực hiện trách nhiệm của mình nếu trúng cử; trao đổi những vấn đề mà cử tri quan tâm.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Bầu cử tỉnh mong muốn, những thông tin được cung cấp sẽ là cơ sở để các ứng viên đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh khóa XIV xây dựng chương trình hành động sát thực, phù hợp. Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt, hiện nay, công tác tổ chức bầu cử đã và đang được tỉnh Thái Nguyên thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, đúng quy định./.