Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp
Hiện nay, toàn tỉnh đã có 5 KCN đi vào hoạt động với tổng diện tích 1.471ha, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 90% với 307 dự án.

Theo Quy hoạch tỉnh, Thái Nguyên có 11 Khu công nghiệp (KCN) và 1 khu công nghệ thông tin tập trung, 41 cụm công nghiệp (CCN). Hiện nay, đã có 5 KCN đi vào hoạt động với tổng diện tích 1.471ha, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 90% với 307 dự án, trong đó 172 dự án FDI và 135 dự án DDI, có tổng số vốn đăng ký trên 11,3 tỷ USD và hơn 21,2 nghìn tỷ đồng. Tính riêng 2 tháng đầu năm, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, các KCN của tỉnh đã thu hút được 6 dự án đầu tư mới, trong đó có 5 dự án FDI và 1 dự án DDI, với tổng vốn đăng ký 463 triệu USD và trên 3.985 tỷ đồng, cho thấy sự nỗ lực cũng như môi trường đầu tư hấp dẫn tại Thái Nguyên đối với doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Ông Lee JaeYoon, Giám đốc Mua hàng và Xuất khẩu, Công ty TNHH Samsung Electro Mechanics Việt Nam cho hay: "Môi trường đầu tư thuận lợi là yếu tố tiên quyết để chúng tôi đến với Thái Nguyên và quyết định tiếp tục tăng vốn đầu tư tại đây. Từ năm 2023, chúng tôi đã bắt tay vào triển khai dự án xây dựng, lắp đặt dây chuyền nhà máy sản xuất bản mạch kết nối mật độ cao. Dự kiến 2 nhà máy đi vào sản xuất sẽ góp phần làm tăng sản lượng của tông ty lên khoảng 10% trong năm nay".

Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Xuân Trường và lãnh đạo Ban Quản lý các KCN tỉnh trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho đại diện Công ty CP Viglacera Thái Nguyên.

Mới đây, Chính phủ đã chấp thuận chủ trương dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Sông Công II, giai đoạn 2 với nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Viglacera Thái Nguyên. Dự án có quy mô gần 300ha, tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện không quá 36 tháng kể từ ngày được Nhà nước bàn giao đất.

Ông Nguyễn Trần Tuấn Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Viglacera Thái Nguyên cho biết: "UBND tỉnh Thái Nguyên, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã hỗ trợ, chỉ đạo nhanh chóng trong việc cấp giấy chứng nhận đầu tư. Theo tiến độ, chúng tôi tiếp tục tiến hành các công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, phấn đấu tháng 10/2024 sẽ tổ chức khởi công dự án".

Với dư địa trên 6.000 ha đất phục vụ phát triển công nghiệp, Thái Nguyên có lợi thế so sánh để các nhà đầu tư thuận lợi trong tiếp cận đất đai phục vụ triển khai các dự án đầu tư. Hiện nay, tỉnh đang đẩy mạnh triển khai KCN - Đô thị - Dịch vụ Phú Bình, KCN - Đô thị - Dịch vụ Tây Phổ Yên, KCN Thượng Đình, KCN Yên Bình 2; KCN Yên Bình 3 và Khu CNTT tập trung Yên Bình.

Ông Lê Kim Phúc, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: "Chúng tôi đã tham mưu cho tỉnh đẩy nhanh triển khai các KCN, tạo ra một quỹ đất sạch, môi trường để các nhà đầu tư vào các KCN. Tiếp tục lựa chọn các nhà đầu tư có giá trị đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, tạo ra sức cạnh tranh lớn trên địa bàn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đầu tư hạ tầng trong các KCN đồng bộ; phát triển công nghiệp theo hướng xanh, sạch, thân thiện với môi trường".

Với việc không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và bình đẳng, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là việc Ban Quản lý các KCN của tỉnh đã rút ngắn thời gian cấp, thời gian điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thời gian cấp phép xây dựng đã góp phần tạo những thuận lợi quan trọng cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư đến với các KCN của Thái Nguyên./.