Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế – tạo đà phát triển đô thị
Nhà máy Sunny Opotech Việt Nam tại Khu công nghiệp Yên Bình, có tổng vốn đầu tư trên 70 triệu đô la Mỹ đã được khánh thành, trở thành điểm nhấn trong bức tranh kinh tế - xã hội của thị xã Phổ Yên.

Với nhiều lợi thế cạnh tranh, những năm gần đây, thị xã Phổ Yên đã tạo ra một sức hút lớn với các nhà đầu tư có uy tín ở trong và ngoài nước, với hàng loạt dự án đầu tư có quy mô lớn được triển khai và đưa vào hoạt động. Mới đây, Nhà máy Sunny Opotech Việt Nam tại Khu công nghiệp Yên Bình, có tổng vốn đầu tư trên 70 triệu đô la Mỹ đã được khánh thành, trở thành điểm nhấn trong bức tranh kinh tế - xã hội của thị xã Phổ Yên nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung trong năm 2021; đồng thời, hứa hẹn tiếp tục tạo động lực tăng trưởng và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.

Ông Liu Wei, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sunny Opotech Việt Nam cho hay: "Với dây chuyền hiện đại về sản xuất modul camera, mỗi năm, Nhà máy Sunny Opotech sẽ sản xuất khoảng 5 triệu sản phẩm. Qua đó, đóng góp tích cực vào số thu ngân sách và các chỉ số về giá trị xuất khẩu, giá trị sản xuất công nghiệp và dự kiến sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 8.000 lao động trong vòng 3 năm tới".

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế – tạo đà phát triển đô thị
Một góc trung tâm thị xã Phổ Yên.

Khai thác tốt mối quan hệ giữa đô thị và nông thôn, tạo điều kiện để người lao động chuyển đổi việc làm, qua đó, phát triển kinh tế theo hướng hài hòa, bền vững là những yếu tố nền tảng để Phổ Yên đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Bởi vậy, không chỉ quan tâm thu hút các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, thị xã còn đặc biệt quan tâm tái cơ cấu nội ngành của từng lĩnh vực kinh tế.

Ông Dương Văn Hiến, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Phổ Yên cho biết: "Chúng tôi chuyển dịch sản xuất nông nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm và gắn với sản phẩm chủ lực của tỉnh Thái Nguyên và thế mạnh của thị xã Phổ Yên với lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, chúng tôi cũng phát huy thế mạnh của địa phương, thúc đẩy các làng nghề và thu hút các doanh nghiệp vào phát triển các lĩnh vực công nghiệp thuộc các cụm công nghiệp do thị xã quản lý".

Trước năm 2010 còn là huyện thuần nông, cơ cấu nông, lâm nghiệp chiếm hơn 64%, nhưng chỉ sau vài năm đẩy mạnh thu hút đầu tư, Phổ Yên đã có khu công nghiệp tập trung, 8 cụm công nghiệp và trở thành thị xã công nghiệp năng động, thu hút hơn 100.000 lao động, số người tạm trú trên địa bàn lên đến 40.000 người. Việc Tập đoàn Samsung đặt nhà máy trong Khu công nghiệp Yên Bình, kéo theo đó là các doanh nghiệp phụ trợ đã làm thay đổi nhanh chóng cơ cấu kinh tế của thị xã. Dự ước hết năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn đạt trên 20%; công nghiệp, thương mại, dịch vụ chiếm trên 97%, trong khi nông nghiệp chỉ còn chiếm trên 3% trong cơ cấu kinh tế. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng định hướng cũng góp phần hoàn thiện nhiều tiêu chí về phát triển đô thị như: quy mô dân số, nâng cao tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ - du lịch trong cơ cấu kinh tế và tỷ lệ lao động phi nông nghiệp...

Ông Bùi Văn Lương, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Phổ Yên nhấn mạnh: "Thị xã tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng mạnh công nghiệp, thương mại và dịch vụ; tỷ trọng trong lĩnh vực nông nghiệp giảm dần một cách bài bản, khoa học, trên cơ sở định hướng và quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt cũng như cơ cấu kinh tế phù hợp".

Cùng với đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thị xã Phổ Yên cũng đang thực hiện quyết liệt việc đổi mới phương thức lãnh đạo để đáp ứng yêu cầu phát triển của chính quyền đô thị phát triển, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả quy hoạch công nghiệp, đô thị và nông thôn mới. Đây là những tiền đề quan trọng để địa phương này sớm cụ thể hóa mục tiêu trở thành thành phố vào năm 2022, về đích trước 3 năm so với kế hoạch đề ra./.