Đắk Lắk: 300 hộ dân "nín thở" vì ô nhiễm từ nhà máy chế biến mủ cao su
Bịt khẩu trang đi ngủ
Xây dựng Nhà máy chế biến mủ cao su trong khu dân cư, Công ty TNHH Phương Triều Đại, tỉnh Đăk Lăk đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống của hơn 300 hộ dân buôn Cư Juốt và thôn Cư Bang, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk.
Nhà máy chế biến mủ cao su Phương Triều Đại tại xã Cư Pơng, huyện Krông Búk, tỉnh Đak Lak. |
Cửa nhà im ỉm đóng, ở trong nhà vẫn phải bịt khẩu trang, xung quanh nhà đầy can, thùng chứa nước... Đó là hình ảnh dễ thấy ở buôn Cư Juốt, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk khoảng 2 năm trở lại đây.
Ông Tôn Đức Tý, một người dân trong buôn cho biết: Từ khi nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty TNHH Phương Triều Đại đi vào hoạt động, cả làng này phải chịu khổ bởi mùi hôi thối từ bể chứa nước thải do công ty thải ra. Riêng nhà ông, con cháu cũng sinh bệnh vì tình trạng ô nhiễm này?.
“Cháu nhà tôi mới được 1 năm rưỡi toàn bị hô hấp, mới đi viện về. Chị của cháu thì toàn bị đau đầu. Đêm nằm ngủ phải bịt khẩu trang, ăn cơm cũng không chịu được. Ngày nào cũng phải đóng cửa từ sáng đến đêm chứ mùi hôi thối từ nhà máy tạt vào không chịu nổi”, ông Tý cho hay.
Nước thải chưa qua xử lý được xả ra môi trường. |
Cách nhà máy chế biến cao su này khoảng 300m là phân hiệu Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh, nơi có hơn 100 học sinh đang theo học.
Cô Nguyễn Thị Thu, giáo viên của trường cho biết, số học sinh giảm dần từng tháng do nhiều phụ huynh cho rằng việc sống chung với ô nhiễm đã khiến cho các em mắc bệnh về đường hô hấp nên chuyển ra các trường xa hơn dù việc đi lại gặp không ít khó khăn.
“Nếu bình thường một lớp trung bình trên 20 cháu, nhưng bây giờ lớp chỉ có 13, 14, 20 cháu là nhiều nhất, bởi họ nói thối quá, ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học của cá cháu, nhiều gia đình họ chuyển con ra ngoài điểm trường khác. Số còn lại do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên phải ở lại thôi”, cô giáo Thu nói.
Không chỉ lo lắng về mùi hôi thối mà việc ô nhiễm nguồn nước cũng đang làm cho người dân nơi đây đứng ngồi không yên. Sau khi nhà máy đi vào hoạt động, tình trạng xả thải tràn lan thường xuyên diễn ra.
Thấy nước giếng có mùi tanh, màu vàng đục và khác thường, bà Lê Thị Liễu, một người dân sống đối diện nhà máy mang mẫu lên Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên kiểm nghiệm.
Kết quả mẫu nước có độ pH thấp, độ đục cao, hàm lượng sắt cao không đạt tiêu chuẩn nước ăn uống. Trước kết quả kiểm nghiệm mẫu nước, bà Liễu đã không dám dùng giếng nước để ăn uống, sinh hoạt.
“Nước nhà tôi vàng ố, không uống được, uống vào là bị bệnh nên tôi mua nước bình về uống. Nước giặt đồ phải xin cách mấy cây số về”, bà Liễu bày tỏ sự lo lắng.
Nghi vấn về tính khách quan trong khảo sát môi trường?
Lo lắng là thế, nhiều lần người dân đã gửi đơn kiến nghị về tình trạng ô nhiễm đến Công ty TNHH Phương Triều Đại cũng như chính quyền địa phương nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Người dân lo sợ nguồn nước này gây ông nhiễm nước giếng của bà con. |
Trong khi người dân cho rằng đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương thì ông Y BLưn Mlô, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Pơng khẳng định, xã chưa nhận được một đơn thư nào của người dân phản ánh việc ô nhiễm mà chỉ nghe phản ánh qua các cuộc tiếp xúc cử tri.
Xã đã 3 lần đi cùng với đoàn của huyện, tỉnh nhưng trong các cuộc kiểm tra Sở Tài Nguyên - Môi trường Đắk Lắk đều khẳng định nhà máy này đạt các tiêu chuẩn về môi trường.
Kết luận của cơ quan chức năng về việc Nhà máy chế biến mủ cao su Phương Triều Đại không gây ô nhiễm, rõ ràng đang trái ngược với thực tế xảy ra ở buôn Cư Juốt, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk.
Điều này tạo nên nghi vấn về tính khách quan trong các kết quả khảo sát, kiểm định của ngành chức năng địa phương.
Người dân mong muốn các cơ quan chức năng cần vào cuộc kiểm tra một cách kỹ lưỡng, khách quan, buộc doanh nghiệp sớm có giải pháp khắc phục triệt để tình trạng hôi thối, đảm bảo sinh hoạt, sức khỏe của người dân./.