“Đại gia” Phạm Công Danh và Trầm Bê than đau ốm khi ra tòa
Phạm Công Danh, Trầm Bê than sức khỏe yếu
Ngày 8/1, TAND TPHCM mở phiên xử bị cáo Phạm Công Danh (sinh năm 1965, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB, tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (cựu Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Thương Tín - Sacombank) và 44 người khác về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Phiên xử do thẩm phán Phạm Lương Toản (Chánh tòa Hình sự TAND TPHCM) làm chủ tọa. Tòa đã cấp giấy chứng nhận tham gia phiên xử cho 70 luật sư bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo, người có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Phạm Công Danh gầy hơn so với phiên tòa trước. |
An ninh được thắt chặt |
Ông Danh và đồng phạm bị cáo buộc thực hiện nhiều hành vi sai phạm trong quá trình điều hành VNCB, gây thất thoát hơn 6.000 tỷ đồng của nhà băng này. Ông Trầm Bê có hai luật sư là Nguyễn Thị Mai Hồng và Phạm Ngọc Trung. Ông Danh có 3 luật sư là Phan Trung Hoài, Hà Hải (Đoàn luật sư TPHCM) và Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư Hà Nội).
Ngoài ra, HĐXX cũng triệu tập 200 người và đơn vị tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng - bao gồm hàng loạt ngân hàng, công ty tham gia giao dịch số tiền được ông Danh và đồng phạm rút từ VNCB để trả nợ và sử dụng cho mục đích cá nhân.
Trong chiếc áo sơ mi tối màu, Phạm Công Danh được dẫn tới tòa những bước chân chậm rãi nặng nề, mái tóc bạc trắng, người gầy gò hơn nhiều so với phiên tòa xét xử phúc thẩm giai đoạn 1 vào đầu năm 2017.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Danh cho rằng bệnh tim, cao huyết áp của ông Danh đang có chuyển biến xấu hơn so với phiên tòa lần trước. Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo Danh than sức khỏe yếu trí nhớ kém.
Luật sư Phạm Ngọc Trung - một trong ba người bào chữa cho ông Trầm Bê (sinh năm 1959), cho biết hiện sức khỏe ông Bê có phần yếu hơn so với thời điểm trước khi bị bắt giam. Tuy nhiên, khi được gặp gia đình và thời tiết Sài Gòn ấm, tinh thần ông ổn định, khá thoải mái trước phiên xét xử diễn ra vào ngày 8/1.
"Ông Bê có tiền sử bệnh tiểu đường, dễ chóng mặt khi đứng lâu. Để đảm bảo sức khỏe cho thân chủ, chúng tôi đã gửi bệnh án cho TAND TPHCM, đề nghị để ông được ngồi trong quá trình xét xử", luật sư Trung cho hay.
Áp dụng mô hình xét xử mới
Đáng chú ý trong phiên tòa này, TAND TPHCM áp dụng mô hình xét xử mới, trong phiên tòa không có vành móng ngựa, luật sư và đại diện Viện KSND sẽ ngồi ngang hàng với nhau.
Luật sư Hà Hải (bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh) cho rằng: “Việc phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và Trầm Bê không có vành móng ngựa là áp dụng theo quy định mới bắt đầu từ đầu năm 2018. Theo đó, thực hiện Thông tư 1/2017/TT-TANDTC, quy định về phòng xử án có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, do Chánh án TAND Tối cao vừa ký ban hành, các phiên tòa xử án đều không có vành móng ngựa”.
Luật sư Hải phân tích, việc bỏ vành móng ngựa khi xét xử các vụ án hình sự thể hiện tính nhân văn, tôn trọng quyền con người của các bị cáo. Việc các bị cáo đứng lên bục khai báo đã cho thấy sự thay đổi rõ nét và đúng đắn, tiệm cận với những nguyên tắc của pháp luật tố tụng hình sự thế giới cũng như khẳng định xu thế hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tư pháp hình sự của Việt Nam.
Việc bỏ vành móng ngựa trong tất cả các phòng xử án cho thấy nguyên tắc "Suy đoán vô tội " và “Giả định phạm tội" được tôn trọng. Theo nguyên tắc của Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam thì "không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội có hiệu lực của Tòa án". Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành quy định nguyên tắc này tại điều 13 với tên gọi mới là "Nguyên tắc Suy doán vô tội".
Phiên tòa xét xử phiên tòa này được an ninh thắt chặt người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và phóng viên không thể vào phòng xét xử.