Đà Nẵng khuyến khích, động viên cán bộ “tự nguyện nghỉ việc“
Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm tại Kỳ họp HĐND thành phố Đà Nẵng đang diễn ra là thành phố này sẽ ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích cán bộ lãnh đạo, quản lý tự nguyện thôi việc để bố trí cán bộ.
Theo lãnh đạo Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng, chính sách này được thành phố chuẩn bị từ 2 năm nay. Cơ quan chức năng cũng đã rà soát đội ngũ cán bộ lớn tuổi diện được hưởng chính sách (trên 50 tuổi đối với nữ, và trên 55 tuổi đối với nam). Xung quanh vấn đề này hiện có nhiều ý kiến trái chiều.
M.H. |
Sở Nội vụ Đà Nẵng cho biết, đã có dự thảo Nghị quyết về chính sách hỗ trợ, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý tự nguyện thôi việc để bố trí cán bộ. Dự thảo các quy định về chính sách đang đưa ra trình tại Kỳ họp HĐND thành phố lần này.
Theo đó, đối tượng áp dụng là cán bộ chủ chốt (cấp trưởng, cấp phó) Thành ủy, HĐND, UBND thành phố; cấp trưởng, cấp phó các cơ quan, đơn vị thuộc khối Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp thành phố thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý.
Ngoài hưởng chế độ trợ cấp theo quy định hiện hành, khi cán bộ (tuổi đời trên 55 tuổi đối với nam hoặc trên 50 tuổi đối với nữ) tự nguyện nghỉ công tác sẽ được hỗ trợ thêm một khoản kinh phí từ ngân sách nhà nước (đối với cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể và đơn vị sự nghiệp công lập theo phân cấp) và nguồn thu hợp pháp của đơn vị (đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên).
Các chức danh khác nhau có mức hỗ trợ khác nhau. Mức cao nhất có thể đến 200 triệu đồng đối với cán bộ có mức phụ cấp 1,05; Mức thấp nhất là 100 triệu đồng.
Trung tâm hành chính Đà Nẵng (toà nhà hình tròn) nơi 1.600 công chức thành phố làm việc. |
Đây không phải là lần đầu tiên thành phố Đà Nẵng có chính sách hỗ trợ đối với các trường hợp thôi việc, về nghỉ trước tuổi hay không đủ tuổi tái cử. Từ năm 2006 đến 2010, ngoài chính sách chung theo quy định, cán bộ, công chức, viên chức ở Đà Nẵng khi được cơ quan có thẩm quyền cho thôi việc sẽ nhận hỗ trợ thêm mỗi năm làm việc 3 tháng lương tối thiểu.
Năm 2015, Thành uỷ Đà Nẵng đã có đề án quy định chế độ, chính sách với cán bộ không đủ tuổi tái bổ nhiệm, tái cử giữ các chức danh lãnh đạo trong giai đoạn 2015- 2020, áp dụng từ thành phố đến phường, xã. Theo đó, ngoài chính sách theo quy định hiện hành, thành phố hỗ trợ thêm tuỳ trường hợp cụ thể từ 40 đến 120 triệu đồng.
Tuy nhiên, chính sách trước đây chủ yếu động viên cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại phường, xã, các trường hợp không đủ tuổi tái bổ nhiệm hoặc nghỉ hưu trước tuổi. Phần nhiều trong số này là viên chức giáo dục, y tế... Còn lần này, chính sách tập trung vào cán bộ, công chức, viên chức tham gia lãnh đạo, quản lý.
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính Đà Nẵng. |
Theo kết quả khảo sát những trường hợp nghỉ hưu trước tuổi thì khối các ban Đảng và đoàn thể có 69 người; khối chính quyền là 178 người; các đơn vị sự nghiệp 69 người.
Dự thảo Đề án này đang trình Hội đồng nhân dân thành phố xem xét, thông qua, thu hút sự quan tâm của nhiều người. Bên cạnh những ý kiến đồng tình ủng hộ cũng có không ít ý kiến nghi ngờ về tính khả thi của Đề án khi nỗi lo về tình trạng chạy quyền vẫn còn diễn biến khó kiểm soát trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Thậm chí có người đặt câu hỏi liệu đây có phải là hình thức “chạy” chính sách?.
“Ta nên thấy rằng không đủ khả năng thì ta nên tự nguyện về, có thiệt một tí đối với bản thân thì cũng không hại gì. Có lợi cho nhà nước thì ta nên về, không nên ngồi đó để nhận lương bổng”, ông Nguyễn Thanh Thủy ở quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng nêu ý kiến.
Không ít người cho rằng, nếu cán bộ lãnh đạo đang làm tốt công việc mà tự nguyện nghỉ là điều cần suy nghĩ. Trong suy nghĩ của một số người, cán bộ có chức thì có quyền và có tiền. Những trường hợp đồng ý nghỉ trước tuổi phải chăng cũng đã “nghiên cứu” kỹ những thiệt hơn từ chính sách này chứ không đơn giản “nhường” vị trí làm việc cho lớp trẻ.
Phó GS-TS Hồ Tấn Sáng, Học viện Chính trị Khu vực III đặt nghi vấn: Tại sao chúng ta luôn nói rằng thu nhập không bao nhiêu nhưng lại rất nhiều người tìm mọi cách để được vào biên chế, để được vào làm việc trong bộ máy?
“Như vậy, ngoài chế độ tiền lương ra thì phải có cái gì đó hấp dẫn hơn nên người ta mới cố tình để mà (nói thẳng ra là) chạy chức, chạy quyền, chạy biên chế. Khi họ đã bỏ ra chừng ấy tiền rồi, đến lúc nào đó họ thấy rằng về thì tính toán lợi ích có bị lỗ không, gọi là chi phí đầu vào và đầu ra. Người ta phải tính toán cái đó”, Phó GS-TS Hồ Tấn Sáng đặt câu hỏi nghi vấn.
Hiện nay, việc đổi mới, sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả là đòi hỏi cấp bách. Vì vậy, dự thảo đề án khuyến khích cán bộ lãnh đạo tự nguyện nghỉ việc mà Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng trình tại Kỳ họp hội đồng nhân dân lần này được xem là bước đột phá của địa phương.
Tuy nhiên, cũng cần phải dùng phương pháp thanh lọc dựa trên cơ sở đánh giá thực chất từng vị trí công tác thay vì vận động, khuyến khích cán bộ nghỉ việc. Vấn đề mấu chốt là để nâng cao năng lực đội ngũ lãnh đạo, đánh giá đúng bản chất sự việc chứ không phải đặt nặng ở tuổi tác./.