Chủ tịch vừa bị bắt của Nissan - Từ đỉnh cao xuống vực sâu
Một trong những sự kiện đáng chú ý nhất của ngành công nghiệp ô tô thế giới trong mấy ngày gần đây là việc Carlos Ghosn - chủ tịch của liên minh Renault-Nissan-Mitsubishi bị bắt giữ tại Nhật vì những cáo buộc gian lận tài chính. |
Carlos Ghosn sinh ra tại Brazil, người gốc Li-băng và đi học tại Pháp. Ông bắt đầu sự nghiệp của mình tại Michelin, trước khi liên tục thăng tiến tại hãng xe danh tiếng Renault. Tại đây, ông được biết đến là người dẫn dắt cuộc tái cấu trúc toàn diện hãng xe Pháp vốn đang trong tình cảnh khó khăn, khiến lợi nhuận quay trở lại, và được mệnh danh là “sát thủ chi phí”.
Tuy nhiên, thành quả đáng chú ý nhất của Carlos Ghosn là những đóng góp to lớn vào sự kiến tạo một liên minh xuyên lục địa giữa Renault và Nissan vào năm 1999 - điều chưa từng có trong lịch sử ngành công nghiệp ô tô toàn cầu. Renault nắm giữ 43,5% cổ phần của Nissan, trong khi Nissan nắm giữ 15% cổ phần của đối tác. Liên minh được mở rộng, với thêm sự tham gia của Mitsubishi vào năm 2016, khi Nissan mua lại 34% cổ phần của hãng này.
Bà Rebecca Lindland, nhà phân tích cao cấp của Cox Automative, nhận xét: “Ông ấy chính là liên minh. Ông ấy là trí tuệ thiên tài đứng sau tất cả và đặt ra các quy tắc để điều hành những công ty riêng rẽ này”.
Carlos Ghosn vừa giữ vai trò là chủ tịch và giám đốc điều hành tại Renault, đồng thời là chủ tịch của cả Nissan và sau đó là Mitsubishi. Điều này khiến ông trở thành người đầu tiên trên thế giới cùng lúc lãnh đạo 2 doanh nghiệp trong danh sách Fortune Global 500.
Ông Kosuke Sato - chuyên gia kinh tế cao cấp tại Viện nghiên cứu Nhật Bản nhận định: “Ghosn có lẽ là doanh nhân nước ngoài thành công nhất tại Nhật Bản. Những gì ông đã làm là chưa từng có trong lịch sử kinh doanh tại Nhật Bản.”
Dự án mới nhất của ông là củng cố sự liên kết giữa Renault, Nissan và Mitsubishi. Cấu trúc liên minh cho phép các công ty tập hợp nguồn lực và chia sẻ chi phí, điều mà các nhà sản xuất xe khác đang cố gắng học theo. Các chuyên gia cho rằng những liên minh như vậy là rất cần thiết để các hãng xe hơi có thể chống lại việc những ông lớn công nghệ hay thế lực mới như Tesla đổ tiền vào xe điện và xe tự lái.
Ông Ghosn được cho là sẽ từ chức CEO Renault trước khi hết nhiệm kỳ năm 2022. Tuy nhiên, cáo buộc gian lận có thể đẩy nhanh khung thời gian này và buộc ông từ bỏ quyền kiểm soát liên minh do chính ông lập ra. Không chỉ vậy, vụ bê bối còn có thể đẩy liên doanh đã tồn tại suốt gần 2 thập kỷ qua đến bên bờ vực thẳm. Vụ bắt giữ Carlos Ghosn không chỉ khiến cổ phiếu của cả Nissan và Renault lao dốc trên thị trường chứng khoán, mà còn làm dấy lên hoài nghi về việc liên doanh có thể tan rã, khi linh hồn của nó đã không còn.
“Ông ấy giống như chất keo kết dính Renault và Nissan với nhau. Không khó để kết luận rằng sẽ có sự rạn nứt giữa 2 doanh nghiệp sau sự việc lần này,” chuyên gia phân tích Max Warburton của Berstein chia sẻ với các nhà đầu tư.
Theo các nguồn tin của Reuters, trên thực tế, cuộc điều tra tại Nissan liên quan đến cáo buộc sai phạm đối với Ghosn đang được mở rộng sang các hoạt động tài chính của Renault-Nissan. Đây là một dấu hiệu mới cho thấy, Nissan có thể đang tìm cách nới lỏng sự nắm giữ của công ty Pháp đối với liên doanh ô tô xuyên lục địa. Hôm thứ 2 đầu tuần, Nissan đã thông báo với Hội đồng quản trị của Renault rằng, hãng đã có bằng chứng cho thấy có thể có sai phạm cả ở Renault-Nissan BV, liên doanh tại Hà Lan hiện do Renault quản lý.
Ở chiều ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng, sự ra đi của Carlos Ghosn sẽ là tín hiệu tích cực cho liên minh Renaul-Nissan-Mitsubishi, sau nhiều năm để quá nhiều quyền lực tập trung vào tay một cá nhân. Ông Philippe Houchois - chuyên gia phân tích của Jefferies nhận định đây là cơ hội tốt để liên doanh có những sự điều chỉnh, tránh để bê bối tương tự có khả năng tái diễn: “Liên doanh này không thể chỉ dựa vào một cá nhân, mà cần phải dựa trên những lợi ích qua lại giữa 2 bên, cũng như khả năng tạo ra và duy trì sự hợp tác về chi phí. Với một số cái tên tiềm năng để lấp vào vị trí bị bỏ trống, chúng tôi kỳ vọng rằng chủ tịch và giám đốc điều hành mới sẽ ổn định được tình hình.”