Cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng viễn thông, mạng xã hội
Lực lượng Công an điều tra thông tin của các vụ lừa đào, chiếm đoạt tài sản qua mạng viễn thông, mạng xã hội. |
Chị Phạm Thu H, phường Tân Thành, thành phố Thái Nguyên cho hay: "Ngày 12/5, có cuộc điện thoại gọi đến cho tôi bảo tôi có bưu kiện ở bưu điện và nói tôi nợ tiền ở ngân hàng này, ngân hàng kia. Tôi nói không nợ, chắc tôi bị lừa đảo thì họ nối máy cho tôi kết nối đến đường dây nóng của Công an thành phố Hồ Chí Minh, nói tôi có liên quan đến đường dây phạm tội, bảo tôi tải phầm mềm của Bộ Công an. Sau đó, nói muốn đóng băng tài khoản để điều tra số tiền hiện tại đứng tên có liên quan đến đường dây rửa tiền hay không. Sau đó, tôi đi gửi tiền vào chính tài khoản cá nhân của tôi. Vào ngày 18/5, tôi ra ngân hàng hỏi về tài khoản cá nhân của tôi thì còn 700.000 đồng, còn 1,6 tỷ đồng không còn".
Đó chỉ là một trong nhiều nạn nhân bị đối tượng giả danh cán bộ Công an, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua điện thoại trong thời gian vừa qua. Điểm chung trong các vụ án là các đối tượng mạo danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án… gọi điện thoại cho bị hại, thông báo về việc vi phạm pháp luật hoặc liên quan đến vụ án. Sau đó, bọn chúng yêu cầu các bị hại chuyển tiền vào tài khoản của chúng để làm căn cứ chứng minh bản thân không liên quan đến vụ án.
Với tâm lý tin tưởng vào cơ quan chức năng và sợ vướng vào vòng lao lý, các nạn nhân đã bị chúng dẫn dụ chuyển tiền vào tài khoản cá nhân, tuy nhiên, tài khoản này đã bị hack, khi bị hại chuyển tiền vào đó thì các đối tượng lập tức chiếm đoạt.
Hơn 1 năm trước, chị Nguyễn Thị L khi sử dụng mạng xã hội Facebook thì có một người đàn ông tên nước ngoài kết bạn và nhắn tin làm quen. Sau một thời gian nhắn tin trò chuyện bằng tiếng Việt trên Facebook, người đàn ông cho biết hiện đang sinh sống tại Mỹ và sẽ chuyển cho chị một gói quà có giá trị lớn thông qua một Công ty chuyển hàng quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, chị nhận được cuộc điện thoại của một người xưng là nhân viên Công ty chuyển hàng quốc tế thông báo chị có một món quà được gửi từ nước ngoài về Việt Nam. Để hoàn tất thủ tục nhận quà, chị phải chuyển 16 triệu đồng vào tài khoản của chúng.
Bị hại Nguyễn Thị L chỉa sẻ: "Lúc bấy giờ nộp 16 triệu động. Nó gọi điện cho liên tục, nó bảo là bây giờ phát hiện ra là số quà rất nhiều tiền. Bây giờ chị phải nộp thêm 45 triệu đồng nữa thì chúng mới mang gói quà ấy trả chị. Càng ngày càng bắt gửi rất là nhiều. Khi gửi một lần rồi, gửi lần hai, gửi lần thứ ba rồi. Nó nói là phí trông kho, phí rửa tiền, mỗi lần nêu một lý do nào đó lại bắt chị gửi tiền. Nếu mà không gửi tiền vào đấy thì chị sợ mất khoản tiền trước. Chị gửi 7 lần, tổng số tiền là 1 tỷ 037 triệu đồng".
Tính từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã xảy ra hơn 60 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng viễn thông, mạng xã hội, với tổng số tiền bị chiếm đoạt trên 6,5 tỷ đồng. |
Ngoài các thủ đoạn trên, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn sử dụng một số phương thức để lừa tiền của bị hại, như:
- Lập tài khoản giả mạo hoặc hack thông tin tài khoản facebook, zalo của bị hại, sau đó nhắn tin cho người thân, người quen của bị hại nhờ chuyển tiền, vay tiền, nạp thẻ điện thoại… để chiếm đoạt tài sản.
- Mạo danh lực lượng Cảnh sát giao thông, điện lực, thuế… gọi điện thoại cho bị hại thông báo bị “phạt nguội”, nợ tiền điện, tiền thuế và yêu cầu bị hại chuyển tiền đến tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp để chiếm đoạt…
- Sử dụng tài khoản trên mạng xã hội để rao bán các mặt hàng, quảng cáo cho vay tiền… sau đó, lừa nạn nhân chuyển tiền trước rồi chiếm đoạt; hoặc gửi đường link, yêu cầu bị hại nhập mã OTP để thu thập thông tin, đăng nhập tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng của bị hại rồi chiếm đoạt tiền trong tài khoản của nạn nhân.
- Giả mạo các cửa hàng, các thương hiệu hàng hoá đang có chương trình khuyến mại, tặng quà tri ân khách hàng, thông báo trúng thưởng… sau đó, yêu cầu chuyển tiền làm thủ tục nhận thưởng để chiếm đoạt.
- Thiết lập các website, diễn đàn, nhóm mạng xã hội để kêu gọi góp vốn, đầu tư tiền ảo, thương mại điện tử cam kết trả lãi suất cao trong thời gian ngắn; sau khi huy động được số tiền lớn thì đánh sập website, đóng các tài khoản mạng xã hội và bỏ trốn để chiếm đoạt tiền đã huy động.
- Kêu gọi, dụ dỗ bị hại tham gia kiếm tiền online, hứa hẹn trả hoa hồng, trả công cao. Sau khi bị hại chuyển tiền đển các tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp thì đối tượng chiếm đoạt tiền và cắt liên lạc.
- Thu thập, trao đổi, mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng (tài khoản thẻ tín dụng của người nước ngoài) thực hiện các giao dịch mua hàng để chiếm đoạt tài sản.
Thượng tá Vương Phạm Hoà, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Khi thực hiện các giao dịch tài chính ngân hàng liên quan tài khoản ngân hàng, tài khoản cá nhân trên mạng xã hội thì người dân hết sức thận trọng, tỉnh táo, cảnh giác khi phát hiện tài khoản ngân hàng của mình bị truy cập trái phép thì báo ngay cho ngân hàng qua các đường dây nóng, hoặc thực hiện các thao tác quên mật khẩu để chặn, khóa không cho đối tượng tiếp tục truy cập trái phép vào tài khoản ngân hàng của mình. Khi cơ quan Công an, cơ quan Nhà nước có yêu cầu làm việc với người dân thì sẽ gặp trực tiếp không liên hệ qua mạng xã hội, mạng viễn thông".
Người dân cần đề cao tinh thần cảnh giác, tự phòng ngừa, tự bảo vệ tài sản của mình trước thủ đoạn ngày càng tinh vi của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng viễn thông, mạng xã hội; đồng thời, tích cực tố giác tội phạm tới cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn, không để hậu quả đáng tiếc xảy ra./.